Cứ 4 người trưởng thành thì có 1 người bị tăng huyết áp

Chí Tâm| 06/10/2022 12:34
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Tại Việt Nam những năm 1960, tỷ lệ người bị tăng huyết áp chỉ chiếm 1,6% dân số, nhưng hiện nay đã chiếm trên 25% dân số trên 18 tuổi.

GS.TS Nguyễn Lân Việt - Viện trưởng Viện Tim mạch quốc gia, cho biết, tỷ lệ người bị tăng huyết áp tăng rõ rệt trong các thập kỷ qua. Từ 1,5% người trưởng thành (từ 25 tuổi trở lên) vào những năm 1960, tăng lên 11% những năm 1970, 16,5% những năm 1990 và hiện nay là 25%.

Ước tính sẽ có khoảng 10-11 triệu người bị tăng huyết áp trong những năm tới nếu không có giải pháp kiểm soát, dự phòng hữu hiệu.

huyet-ap.png
Người dân được nhân viên y tế kiểm tra huyết áp

Tăng huyết áp cũng đang có xu hướng trẻ hóa, với những bệnh nhân lứa tuổi trẻ (trước 25 tuổi), thậm chí trẻ em, thường gắn với một số bệnh lý về chuyển  hóa (thừa cân béo  phì,  một số bệnh lý về thận). Tăng huyết áp làm tăng nguy mắc bệnh mạch vành, đột quỵ.

"Có nhiều người vào viện cấp cứu do bệnh tim mạch thú nhận là chưa bao giờ đo huyết áp", GS Nguyễn Lân Việt nói và cho biết tăng huyết áp làm tăng gấp 4 lần nguy cơ tử vong do đột quỵ và tăng gấp 3 lần nguy cơ tử vong do bệnh lý tim mạch, so với người không mắc bệnh.

Theo PGS.TS Phạm Mạnh Hùng - Phó Chủ tịch Hội tim mạch học Quốc gia, Viện trưởng Viện Tim mạch quốc gia, rất nhiều người dân còn chủ quan với sức khỏe tim mạch.

Như với căn bệnh tăng huyết áp, có đến 50% người bệnh bị tăng huyết áp nhưng không hề biết. Trong số 50% còn lại biết bệnh, chỉ một nửa là điều trị đạt mục tiêu kiểm soát huyết áp.

Tăng huyết áp là một vấn đề thường gặp trong cộng đồng và là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu, dẫn đến cái chết của hàng triệu người mỗi năm bởi đây được coi là "kẻ giết người thầm lặng". Trong khi đó, người bệnh tăng huyết áp lại hay có nhiều bệnh lý khác đi kèm như: béo phì, tiểu đường, rối loạn lipid máu… làm cho việc khống chế số đo huyết áp càng khó khăn hơn. Khi mắc bệnh nó hiếm khi gây ra các triệu chứng khiến nhiều người không hề nhận thấy họ đang mắc phải, chính vì thế người bệnh thường tử vong do các biến chứng như suy tim và đột quỵ não

Để phòng ngừa cũng như hạn chế tác hại từ căn bệnh tăng huyết áp, các chuyên gia khuyến cáo, nên đo huyết áp vào những thời điểm nhất định trong ngày, nhớ con số huyết áp của mình như nhớ tuổi. Bên cạnh đó cần có chế độ dinh dưỡng như không ăn mặn, giảm bớt thực phẩm có axit béo, mỡ động vật….

Hạn chế uống rượu bia, cần giảm cân với người béo phì, nên vận động thể lực mỗi ngày như đi bộ 30-45 phút, vận động thể lực nhẹ nhàng 4-5 ngày 1 tuần. Đặc biệt, cần khám sức khỏe định kỳ 6 tháng 1 lần để phát hiện và điều trị sớm bệnh (nếu có).

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cứ 4 người trưởng thành thì có 1 người bị tăng huyết áp