Nhân dịp năm mới, phóng viên Báo Công lý đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Thành Hưng - Phó Vụ trưởng Vụ Quan hệ quốc tế, Văn phòng Chính phủ liên quan đến CPTPP .
Ngày 12/11/2018, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết phê chuẩn Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) cùng các văn kiện liên quan. Như vậy, Việt Nam là quốc gia thứ 7 phê chuẩn CPTPP - một trong những Hiệp định thương mại tự do chất lượng cao, toàn diện với mức độ cam kết sâu nhất từ trước đến nay.
Ông Nguyễn Thành Hưng, Phó Vụ trưởng Vụ Quan hệ quốc tế, Văn phòng Chính phủ
Một vấn đề lớn của CPTPP được đông đảo người dân, các tổ chức và doanh nghiệp quan tâm, đó là cơ hội và thách thức đối với doanh nghiệp, người lao động Việt Nam khi Hiệp định chính thức có hiệu lực từ ngày 1/1/2019.
Nhân dịp năm mới, phóng viên Báo Công lý đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Thành Hưng - Phó Vụ trưởng Vụ Quan hệ quốc tế, Văn phòng Chính phủ xung quanh vấn đề này.
PV: Theo ông, đâu là cơ hội và thách thức cho doanh nghiệp Việt Nam khi nước ta tham gia “sân chơi” CPTPP? Doanh nghiệp Việt Nam nên làm thế nào để nắm bắt những điều kiện thuận lợi khi tham gia CPTPP?
Ông Nguyễn Thành Hưng: Chúng ta còn nhớ, sau khi Mỹ tuyên bố rời khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), nhiều người cho rằng TPP sẽ bị xóa bỏ. Điều kỳ diệu là ngay tại thời điểm Hội nghị APEC 2017 tổ chức tại Đà Nẵng (Việt Nam), Nhật Bản, Mexico và các nước thành viên còn lại, tất nhiên là có Việt Nam, đã hoàn tất quá trình đàm phán và đạt được thoả thuận chung với tên gọi mới của TPP là CPTPP.
CPTPP là Hiệp định mang tính toàn diện, bao trùm các nguyên tắc về thương mại, đầu tư, sở hữu trí tuệ và nhiều chủ đề khác với tổng dân số 500 triệu người, tổng GDP vượt trên 10.000 tỷ USD, chiếm khoảng 13,5% GDP toàn cầu và khoảng 14% tổng thương mại thế giới. CPTPP mang đến nhiều cơ hội nhưng cũng không ít thách thức cho doanh nghiệp Việt Nam.
Thách thức lớn nhất đối với Việt Nam là tận dụng được những cơ hội mà CPTPP mang lại, đồng thời tối thiểu hóa được những tác động bất lợi. CPTPP cũng sẽ tạo ra nhiều thách thức đối với cải cách môi trường đầu tư, điều kiện kinh doanh, sẽ thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam.
Hiệp định CPTPP đã có hiệu lực. Đây được coi là thời điểm để các doanh nghiệp tự thay đổi chính mình. Để có thể tận dụng tốt các lợi thế từ CPTPP, doanh nghiệp cần khẩn trương chuẩn bị tốt cả về chiến lược, quy mô hoạt động và trình độ quản lý...; cần có cái nhìn thị trường một cách mở rộng, không chỉ là giữa các nước thành viên CPTPP với nhau mà còn các nước đối tác của 11 nước thành viên nữa, cụ thể như khai thác về ưu đãi thuế, cải cách thế chế để mở rộng thị trường. Tuy nhiên, doanh nghiệp không được bỏ quên sân nhà (với hơn 90 triệu dân - đang là mảnh đất màu mỡ của các doanh nghiệp nước ngoài) mà chỉ chạy theo bên ngoài.
Lễ ký kết Hiệp định CPTPP
Bên cạnh việc doanh nghiệp Việt Nam có thêm nhiều cơ hội mở rộng thị trường xuất khẩu và nhập khẩu, thu hút vốn FDI, tham gia các Hiệp định thương mại (FTA) thế hệ mới cũng khiến Việt Nam chịu thêm nhiều áp lực, gia tăng sức ép cạnh tranh cả về giá cả, xuất xứ hàng hóa… Chẳng hạn, đối với ngành da giày, chủ yếu gia công xuất khẩu nên tính chủ động của các doanh nghiệp nhỏ và vừa rất hạn chế, khách hàng chủ động tìm đến doanh nghiệp. Nếu doanh nghiệp không liên kết với nhau thì không thể tiếp cận các thông tin được.
Khi tham gia CPTPP, doanh nghiệp cần phải đáp ứng đầy đủ những chuẩn mực về chất lượng hàng xuất khẩu, cạnh tranh nguồn lao động chất lượng cao… Đồng thời, để có thể tận dụng được các cơ hội từ CPTPP, các doanh nghiệp phải hiểu rõ các quy định, luật lệ có liên quan tới hoạt động của chính doanh nghiệp mình, nhanh nhạy thích ứng với cách làm ăn mới, hiểu biết luật lệ quốc tế, thông thạo ngoại ngữ và cải tổ quản trị phù hợp với tình hình hội nhập quốc tế.
PV: Ngành nghề nào được hưởng lợi nhiều nhất từ CPTTP, thưa ông? Đối với ngành dệt may, ưu đãi về thuế của CPTTP được coi là lợi thế của ngành này, ông nhìn nhận việc này như thế nào?
Ông Nguyễn Thành Hưng: Dệt may Việt Nam là một trong những ngành được dự báo sẽ hưởng lợi nhiều nhất khi CPTPP chính thức có hiệu lực.
Dệt may Việt Nam là ngành nghề duy nhất đồng hành cùng 7 năm đàm phán Hiệp định CPTPP từ khi còn là TPP. Mặc dù CPTPP không có thị trường Mỹ (chiếm 48% kim ngạch xuất khẩu trong năm 2017) nhưng vẫn còn những thị trường đầy tiềm năng khác như Úc, Canada. Đây là 2 thị trường có sự phát triển cao, sử dụng dệt may khá lớn với khoảng 10 tỷ USD một năm, trong khi thị phần xuất khẩu của dệt may Việt Nam còn nhỏ, chỉ khoảng 500 triệu USD. Vì vậy, Dệt may Việt Nam còn rất nhiều cơ hội hưởng lợi.
PV: Cam kết về lao động và môi trường trong CPTPP có tác động, gây sức ép lên ngành dệt may hay không, và các doanh nghiệp dệt may Việt Nam đã chuẩn bị như thế nào để đảm bảo cam kết này, thưa ông?
Ông Nguyễn Thành Hưng: Cam kết về lao động và môi trường trong CPTPP là nội dung không mới so với TPP trước đây. Các doanh nghiệp dệt may Việt Nam đã nắm bắt và chuẩn bị tinh thần cho các nội dung này ngay từ năm 2014, khi những vòng đàm phán cuối cùng của TPP đã tương đối thống nhất về mặt nội dung.
Trải qua suốt thời gian chuẩn bị, đàm phán TPP và nay là CPTPP, nhận thức, sự sẵn sàng của doanh nghiệp đối với tình hình mới đã tốt hơn so với thời kỳ mới tham gia đàm phán; doanh nghiệp Việt Nam trưởng thành hơn về mặt công nghệ, bảo vệ môi trường; vượt qua thách thức để đảm bảo phát triển bền vững, lâu dài là đường đi tất yếu của các doanh nghiệp dệt may Việt Nam trong thời gian tới.
Năm 2018, ngành dệt may Việt Nam vẫn đặt mục tiêu cao phấn đấu đạt mức tăng trưởng 34 tỷ USD, tăng 10% so với năm 2017. Giải pháp cơ bản của ngành vẫn là phải tiếp tục có được chất lượng sản phẩm tốt, giao hàng đúng hẹn và giá cả hợp lý nhất.
PV: Còn trong lĩnh vực công nghiệp và nông nghiệp của Việt Nam, CPTPP sẽ có tác động như thế nào, thưa ông?
Ông Nguyễn Thành Hưng: Đối với lĩnh vực công nghiệp, khi CPTPP có hiệu lực, thuế nhập khẩu ở các thị trường đối với hàng công nghiệp sẽ giảm về mức 0% theo lộ trình, có những nước dành cho Việt Nam trên 90% thuế về 0% ngay từ khi Hiệp định có hiệu lực như Canada và Nhật Bản.
Khi tham gia CPTPP, các nước sẽ có lợi thế tốt hơn, đặc biệt trong đấu tranh khi có một hàng rào thương mại được dựng lên hoặc những cân nhắc để vượt qua rào cản thương mại đó. Ví dụ như rào cản kiểm dịch động, thực vật để xem xét sản phẩm nông sản nhập khẩu, với các nước tham gia CPTPP có tiêu chuẩn chung, thời gian để công nhận sản phẩm đó sẽ nhanh hơn nhiều, rút ngắn từ 7 năm xuống còn khoảng 2 năm.
Đối với lĩnh vực nông nghiệp, lộ trình thực thi cam kết CPTPP sẽ kéo dài hơn, tập trung vào mặt hàng nông sản nhiệt đới mà Việt Nam có lợi thế trong khi các nước tham gia CPTPP không có sản phẩm cùng loại. Tuy nhiên, áp lực cạnh tranh từ Hiệp định CPTPP phần lớn tập trung vào mặt hàng nông sản, sản phẩm chăn nuôi như sản phẩm thịt gà và thịt lợn, vì năng lực cạnh tranh của Việt Nam chưa cao. Việt Nam cần chuẩn bị tốt để đối phó và vươn lên đáp ứng tiêu chuẩn chung của Hiệp định.
Công nghiệp ô tô Việt Nam sẽ được hưởng lợi nhờ CPTPP
PV: Được biết, CPTTP cũng mở ra cho các nhà đầu tư nước ngoài, các doanh nghiệp tư nhân cơ hội như các doanh nghiệp nhà nước, ông có thể nêu vài nét chỉ rõ điều này?
Ông Nguyễn Thành Hưng: Trong CPTPP có Chương 9: Đầu tư, quy định khá toàn diện những nội dung có liên quan đến đầu tư qua biên giới, trong đó có nguyên tắc tối huệ quốc, đối xử quốc gia, quyền của nhà đầu tư, của nước tiếp nhận đầu tư, giải quyết tranh chấp... Luật pháp nước ta có liên quan đến đầu tư như Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp 2014 đã có các quy định khá phù hợp. Tuy vậy, CPTPP cũng như FTA thế hệ mới đòi hỏi cao hơn về đầu tư: 1) công khai, minh bạch và dễ dự đoán của hệ thống luật pháp và sự thay đổi của pháp; 2) quyền sở hữu trí tuệ, nhất là bảo vệ bản quyền, thương quyền, xử lý nghiêm hàng nhái, hàng giả, hình sự hóa các vi phạm về sở hữu trí tuệ; 3) lao động và quyền của người lao động, bao gồm tiền lương và điều kiện làm việc, thành lập công đoàn độc lập và 4) phòng chống tham nhũng.
Khi tham gia CPTTP sẽ tạo thuận lợi cho hoạt động đầu tư qua biên giới, do vậy Việt Nam có điều kiện tốt hơn để thu hút FDI từ các nước thành viên khác vì thương mại luôn luôn gắn kết với đầu tư, nhất là với các nước mà Việt Nam chưa có thỏa thuận FTA như Canada, Mexico. Mặt khác, đây cũng là cơ hội để doanh nghiệp Việt Nam, nhất là các tập đoàn kinh tế lớn tìm kiếm thị trường đầu tư tại các nước thành viên khác.
Chuẩn bị cho việc thực thi cam kết trong CPTPP, về phía các cơ quan nhà nước cũng cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến thông tin về cam kết CPTPP tới các tầng lớp hưởng lợi trong xã hội; tới các nhà quản lý nhà nước ở địa phương, tạo sự thống nhất trong cả hệ thống chính trị; nội luật hóa các cam kết quốc tế để việc thực thi trong nước được thống nhất, tránh xảy ra tranh chấp quốc tế khi bị xung đột pháp luật.
Về phía doanh nghiệp, từ hiệp hội đến doanh nghiệp phải chủ động tìm hiểu nội dung cam kết của CPTPP và lựa chọn các lĩnh vực phù hợp để khai thác lợi thế của chính doanh nghiệp mình…
Bước sang năm 2019, chúng ta có một niềm tin mạnh mẽ, kỳ vọng CPTPP sẽ mang lại nhiều lợi ích cho nền kinh tế Việt Nam, tạo động lực cho Việt Nam thúc đẩy hợp tác thương mại và cải cách kinh tế, đưa nền kinh tế nước ta hội nhập sâu hơn vào hệ thống thương mại thế giới.
PV: Xin cảm ơn ông!