Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), phiên bản không có Mỹ của Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), đã chính thức có hiệu lực vào lúc 0h ngày 30/12.
11 nền kinh tế bao gồm Úc, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore, Việt Nam chính thức ký kết CPTPP vào đầu tháng 3.
Có ít nhất 6 nước tham gia hoàn tất các thủ tục phê chuẩn thì CPTPP sẽ có hiệu lực trong 60 ngày sau đó. Hiệp định bao gồm 30 chương và đề cập không chỉ các lĩnh vực truyền thống như hàng hóa, dịch vụ, đầu tư mà còn các vấn đề mới như thương mại điện tử, doanh nghiệp nhà nước...
CPTPP có nội dung gần như giữ nguyên so với TPP dù 22 điều khoản được hoãn thực thi chủ yếu liên quan tới sở hữu trí tuệ nhằm bảo đảm sự cân bằng giữa 11 nước thành viên.
Việc CPTPP được đàm phán thành công sau khi Mỹ rút khỏi TPP có ý nghĩa quan trọng trong việc duy trì kết nối đầu tư và tự do thương mại hơn ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương trong bối cảnh chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch có xu hướng gia tăng.
Với 11 nước tham gia, trong đó có Việt Nam, CPTPP sau khi có hiệu lực, hiệp định này sẽ tạo ra một khu vực tự do thương mại thuộc hàng lớn nhất thế giới, với quy mô thị trường chiếm khoảng 13,5% GDP toàn cầu và bao trùm thị trường gần 500 triệu dân.
Ngày 12/11, Quốc hội Việt Nam đã biểu quyết thông qua CPTPP, khiến Việt Nam chính thức trở thành quốc gia thứ bảy phê chuẩn hiệp định này. Việc Việt Nam tham gia CTCPP tiếp tục tạo động lực thúc quá trình hội nhập mở cửa thị trường, phát triển đầu tư, mở rộng quan hệ tự do thương mại với nhiều nước hơn trong khu vực và trên thế giới.
Ngoài ra, CPTPP giúp củng cố nâng cao hình ảnh của Việt Nam trong mắt cộng đồng kinh doanh, đầu tư quốc tế, khẳng định thông điệp của một nước đang quyết tâm duy trì một nền kinh tế thị trường mở, hấp dẫn đầu tư.