Bảo tàng nghệ thuật hiện đại và đương đại Hàn Quốc (MMCA) đã ra mắt một loạt bảo tàng trực tuyến để trẻ em hiểu rõ hơn về nghệ thuật hiện đại khi họ phải dành phần lớn thời gian ở nhà trong đại dịch Covid-19.
Bảo tàng hiện đã phát hành tổng cộng 5 tập trên kênh YouTube của họ và sẽ tải lên các tập mới vào thứ 4 và thứ 5. Các tập liên quan đến 4 họa sĩ nổi tiếng: Park Seo-bo, Marcel Duchamp, Ahn Kyu-chul và Choi Jeong-hwa. Các video nhằm giúp trẻ em 6-13 tuổi hiểu thêm về các tác phẩm và triết lý nghệ thuật.
Bảo tàng trực tuyến dành cho trẻ em của MMCA. (Ảnh: MMCA).
Tập đầu tiên dài 3 phút và được phát hành vào ngày thứ 4 giới thiệu về Park Seo-bo - một trong những nhân vận có ảnh hưởng trong nghệ thuật Hàn Quốc hiện đại. Ông là người tiên phong cho phong trào Dansaekhwa của Hàn Quốc vào những năm 1970 và còn được gọi là chủ nghĩa tối giản của Hàn Quốc, mô tả bản chất bằng cách sử dụng màu sắc, đường nét và các chấm.
Người kể chuyện trong video nói: “Park Seo-bo đã cố gắng miêu tả màu sắc tự nhiên trong bức tranh của mình. Ví dụ: mặc dù không khí là vô hình, ông vẫn cho thấy màu sắc của không khí theo cách của mình. Vậy bạn sẽ mô tả màu sắc của không khí như thế nào?”
Đoạn video cũng cho thấy ngắn gọn cách Park sử dụng hanji - giấy thủ công truyền thống của Hàn Quốc để thể hiện kết cấu của không khí.
Youn Bum-mo - giám đốc của MMCA cho biết: “Thực sự rất khó để đến bảo tàng vào thời điểm hiện tại do Covid-19 nhưng tôi tin rằng thưởng thức nghệ thuật ở nhà sẽ đem lại cho mọi người cảm giác hy vọng và nhẹ nhõm. Chúng tôi sẽ tiếp tục cải thiện các chương trình trực tuyến cho trẻ em để họ có nhiều cơ hội làm quen với nghệ thuật hiện đại.”
Bảo tàng dự kiến sẽ đóng cửa cho đến chủ nhật và kế hoạch có thể thay đổi tùy thuộc vào tình hình dịch bệnh. MMCA đã cung cấp nhiều chương trình trực tuyến cho cả trẻ em và người lớn trong bối cảnh dịch bệnh bùng phát, bao gồm cả phần trình bày trực tuyến về triển lãm thư pháp.
Trong khi đó, Hàn Quốc đã quyết định tiếp tục đóng cửa trường học trên cả nước và chuyển sang học trực tuyến.