“Cột mốc sống” nơi biên giới

Phạm Vân Anh| 20/12/2015 11:09
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Trải qua mấy ngàn năm, từ buổi bình minh của dân tộc cho đến hôm nay, cương giới, biên ải và các cột mốc chủ quyền luôn là những điều thiêng liêng nhất trong lòng mỗi thế hệ người dân đất Việt.

Dù là ai, thuộc dân tộc, tôn giáo nào, khoác trên mình “sắc áo” gì thì tất cả đều sẵn sàng xả thân để bảo vệ từng tấc đất, từng cột mốc nơi biên cương. Nhân vật mà chúng tôi nói tới sau đây là một minh chứng rõ nét cho điều đó…         

Thao thức với biên cương

Một vùng đất lắm đền đài vua chúa/Gió trở mặt thành cơn bão dữ/Sông cũng thành sông ngựa/Chảy ngang tàng qua bãi mía nương dâu (Vùng đất bão - Nhà thơ Huy Trụ). Câu thơ miên man trôi theo dòng sông Mã đưa chúng tôi đến với xứ Thanh - nơi được xem như là cái nôi của nền văn hóa Đông Sơn - khi ngày thành lập Quân đội nhân dân và ngày hội Quốc phòng toàn dân 22/12 đã cận kề.

Với đường biên giới giáp nước CHDCND Lào dài gần 200 cây số, Thanh Hóa là một trong những tỉnh có đường biên dài nhất Việt Nam. Từ lâu, miền biên ải xứ Thanh là nơi quần tụ sinh sống của cộng đồng các dân tộc như: Mường, Thái, Thổ, Dao, H'Mông, Khơ-mú. Trên vùng đất này, sau nhiều năm nỗ lực, Chính phủ Việt Nam và nước bạn Lào đã xây dựng được hàng trăm cột mốc biên giới, đánh dấu chủ quyền của hai quốc gia.

Cùng với các lực lượng đứng chân trên địa bàn, trong suốt thời gian qua, nhân dân miền Tây Thanh Hóa đã nguyện đem hết sức mình, tích cực bảo vệ những cột mốc thiêng liêng. Thật cảm động khi có những người đã tình nguyện đảm đương công việc cao cả này trong suốt hai, ba mươi năm qua như trường hợp của già Phàn Định Xiết - người được ví như một “cột mốc sống” nơi biên ải và đồng thời cũng là một tấm gương sáng trong phong trào bảo vệ đường biên, mốc giới và bảo vệ an ninh tổ quốc.

Nhà già Phàn Định Xiết ở bản Suối Tút, xã Quang Chiểu thuộc huyện Mường Lát, tỉnh Thanh Hóa, nơi có hơn 100km đường biên giới với nước bạn Lào. Đã ở vào độ “thất thập”, nhưng đều đặn mỗi tuần từ một đến ba lần, già lại “cơm đùm cơm nắm” vượt núi, trèo đèo lên đường biên, phát quang, bảo dưỡng mốc giới. Hành trang già Xiết mang theo trong mỗi chuyến lên cột mốc, ngoài con dao quắm để phát quang bụi rậm, chiếc radio để theo dõi các thông tin chính trị, xã hội của đất nước, cái gậy làm bạn đường trường và nắm cơm để ăn trưa còn có cả tình yêu mãnh liệt đối với mảnh đất biên cương.

Mấy chục năm qua, từ ngày xung phong đảm nhiệm công việc tuần tra, bảo vệ các cột mốc biên giới 285, 286 và 287, con đường đầy những dốc cao chất ngất, đá tai mèo lởm chởm, đá cuội mồ côi trơn trượt đã quá quen thuộc đối với đôi chân già Xiết. Mặc dù Bộ đội biên phòng làm công tác tuần tra biên giới thường xuyên, nhưng già vẫn chăm chỉ góp sức, không chút lơ là.

Khi được hỏi động lực nào khiến già làm như vậy, già Xiết trải lòng: “Mỗi người có một cách riêng để thể hiện tình yêu đối với Tổ quốc. Già yêu Tổ quốc bằng những việc làm bình dị. Việc bảo vệ đường biên, mốc giới không chỉ là nhiệm vụ của bộ đội biên phòng mà còn là trách nhiệm của mỗi người dân. Già thấy vui khi được làm công việc này”.

Hết lòng vì cột mốc

“Bộ đội biên phòng đã phải trải qua bao gian nan, vất vả mới xây dựng được các cột mốc biên giới. Vì địa hình ở đây rất hiểm trở, thời tiết lại hết sức khắc nghiệt, công tác khảo sát, vận chuyển nguyên vật liệu, xây dựng gặp nhiều khó khăn. Đã có người hi sinh trong quá trình xây dựng cột mốc. Thế mà sau khi xây xong, có người vô ý thức lấy cột mốc làm nơi néo giữ gỗ khai thác trong rừng, rồi người dân chăn dắt, buộc gia súc vào cột, hoặc thi thoảng cột lại bị những người vô ý thức đập phá sứt sẹo. Buồn lắm! Chỉ tại họ chưa hiểu hết ý nghĩa của các cột mốc biên giới thôi”, già Xiết chia sẻ.

“Cột mốc sống” nơi biên giới

Già Xiết “trên đường tuần tra”

Không đành lòng nhìn dấu mốc chủ quyền của Tổ quốc mỗi ngày bị hư hao, gãy vỡ, bắt đầu từ đó già Xiết thường xuyên đi kiểm tra, bảo vệ cột mốc dù chẳng ai giao nhiệm vụ. Theo suy nghĩ của già thì dù cột mốc hư hại không hẳn là ý đồ phá hoại chủ quyền quốc gia, an ninh biên giới của người dân, nhưng do đây là vùng biên giới, giáp với nước bạn Lào, lại có nhiều đồng bào dân tộc sinh sống nên nếu không chú ý vấn đề này sẽ rất dễ gây hiểu nhầm cho lực lượng đảm bảo an ninh biên giới của cả hai nước. Ở vùng biên giới, không gì quan trọng hơn sự đoàn kết và cũng không gì nguy hiểm bằng sự mất đoàn kết.

Công việc trong mỗi chuyến tuần tra của già Xiết là sơn vẽ lại chính xác thông tin, đắp đất những chỗ bị nước xói mòn, phát quang cỏ dại che khuất cũng như ghi chép, mô tả hiện trạng cột mốc. Công việc nghe thì đơn giản, nhưng có băng rừng, vượt núi để lên tận cột mốc, mới thấy để duy trì được công việc đó trong dăm ba năm là cả một sự cố gắng lớn, chứ chưa nói đến cả quãng thời gian dài đằng đẵng mấy mươi năm như già.

Sau mỗi “chuyến đi thực tế”, già Xiết đều ghi chép cẩn thận những thông tin thu thập được và báo cáo ngay với Đồn Biên phòng Quang Chiểu về hiện trạng cột mốc. Những thông tin trong cuốn sổ ghi chép của già là một kênh thông tin hữu ích đối với đơn vị. Có lần, vừa phát hiện cột mốc G6 bị kẻ xấu đập phá, làm sứt một mảng lớn, cụ Xiết liền vội về Đồn Biên phòng Quang Chiểu báo cáo ngay với lãnh đạo đơn vị. Ngay sau đó, đồn biên phòng đã cử chiến sĩ lên cột mốc nắm tình hình, tu sửa lại cột mốc và truy tìm thủ phạm.

Cũng có lần đang tuần tra, già Xiết phát hiện một nhóm người đang đốt rẫy trồng cây anh túc ở sườn đồi cách không xa cột mốc G6. Nếu đứng ra ngăn cản nhóm người này chắc chắn sẽ không thành công, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng nên già đã nhanh chóng xuống núi về bản rồi khẩn trương thông báo cho cán bộ biên phòng Quang Chiểu biết. Sau đó, già lại tiếp tục đưa dẫn bộ đội lên điểm có người trồng cây thuốc phiện trái phép tuyên truyền, vận động để bà con tự phá bỏ loài cây gây hại này.

Tấm gương sáng cho con cháu noi theo

Bên cạnh việc làm tình nguyện lên bảo vệ cột mốc, cùng các chiến sĩ biên phòng tuần tra biên giới suốt nhiều năm qua, già làng Xiết còn vận động con cháu, người trong xã tích cực bảo vệ cột mốc, đường biên giới Việt Nam - Lào. Là người có uy tín trong cộng đồng người dân tộc Dao ở xã Quang Chiểu, nên lời nói của cụ Xiết luôn được đồng bào nghe theo. Vì vậy, trong những năm qua, nhân dân xã Quang Chiểu nói chung, đồng bào dân tộc Dao ở bản Suối Tút nói riêng thường xuyên phối hợp với Đồn Biên phòng Quang Chiểu tuần tra, bảo vệ đường biên giới, cột mốc G6 có hiệu quả, đảm bảo vùng biên giới Việt Nam - Lào luôn bình yên, thắm tình hữu nghị.

“Cột mốc sống” nơi biên giới

Già Xiết lau chùi lại cột mốc

Đến nay, dù đã ngoài 70 tuổi, đôi chân già Phàn Định Xiết vẫn dẻo dai, rắn chắc, không mệt mỏi trên chặng đường bảo vệ cột mốc biên giới. Người dân trong xã không còn cười chuyện “mua việc mà làm”, ngược lại, họ tỏ ra rất khâm phục tấm gương hết mình, xả thân vì cộng đồng của già Xiết. Đến giờ, già vẫn còn nhớ như in lần “chết hụt” vào năm 2008. Lần đó, sau khi ghi chép hiện trạng, sơn sửa cột mốc xong, già định quay về thì trời bỗng mưa như trút nước. Con suối lúc sáng già đi qua nước mới chỉ xâm xấp mắt cá chân giờ bỗng chảy cuộn cuộn, cuốn ngã cả già. Dồn hết sức lực, già leo lên lưng chừng núi, chui vào hang đá mới thoát nạn…

Già Phàn Định Xiết là điển hình tiêu biểu trong phong trào “Quần chúng tham gia tự quản đường biên, cột mốc và an ninh trật tự xóm, bản khu vực biên giới”. Không chỉ tình nguyện bảo vệ cột mốc, già Xiết còn vận động con cháu, người dân trong xã tích cực bảo vệ đường biên, mốc giới. Ngoài ra, già còn luôn ý thức xây dựng tình đoàn kết trong thôn bản cũng như tình đoàn kết giữa nhân dân hai bên biên giới… 

Già Xiết thường dạy con cháu rằng: Biên giới của Tổ quốc là mảnh đất thiêng liêng mà các thế hệ cha ông đã phải đổ mồ hôi, sôi nước mắt và hy sinh biết bao xương máu mới có được, thế nên con cháu cần phải biết trân trọng, giữ gìn. “Mọi nơi mọi lúc”, mỗi lần có cuộc gặp gỡ hay họp dân bản, già Xiết đều tuyên truyền, giúp bà con hiểu được tầm quan trọng của cột mốc, để chung sức, đồng lồng bảo vệ “hồn thiêng dân tộc” nơi miền biên tái xa xăm. Nhờ có sự tuyên truyền của già mà người dân nơi đây dần nhận thức rõ vai trò của cột mốc, góp phần đảm bảo cho sự toàn vẹn lãnh thổ, giữ vững tình đoàn kết, hữu nghị Việt - Lào.

Giờ đây, tuy không còn trẻ nữa, nhưng già Phàn Định Xiết vẫn luôn đi đầu trong các phong trào bảo vệ đường biên, mốc giới, cũng như xây dựng kinh tế, xã hội ở địa phương. Có đứng ở nơi mà chỉ cần một bước chân đã sang đến quốc gia khác, người ta mới cảm nhận hết sự thiêng liêng của hình ảnh lá cờ Tổ quốc và hai tiếng chủ quyền, mới nhận ra được việc làm của già Xiết thật ý nghĩa và đáng trân trọng. Càng đáng trân trọng hơn, khi đã ở cái tuổi “thất thập cổ lai hy”, già vẫn miệt mài cống hiến...

Ghi nhận những đóng góp không mệt mỏi của già Xiết đối với sự nghiệp bảo vệ cột mốc chủ quyền của Tổ quốc, UBND huyện, tỉnh; Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Thanh Hóa, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng đã trao tặng nhiều bằng khen, giấy khen cho già. Những phần thưởng này thực sự là nguồn động viên, khích lệ tinh thần, để chặng đường làm công tác vì cộng đồng của già Xiết bớt xa xôi...

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
“Cột mốc sống” nơi biên giới