COP27: Nhóm G7 chính thức khởi động sáng kiến “Lá chắn toàn cầu”

Nhật Minh| 15/11/2022 10:00
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Trong khuôn khổ COP27, ngày 14/11, các nước G7 đã ra mắt quỹ "Lá chắn toàn cầu". Trong khi đó, Ai Cập - nước đang giữ chức Chủ tịch COP27 khởi động sáng kiến “Ứng phó với khí hậu để duy trì hòa bình” (CRSP).

Quỹ "Lá chắn toàn cầu" do Đức, Chủ tịch luân phiên của Nhóm các nước công nghiệp hàng đầu thế giới (G7) và Nhóm V20 gồm 58 quốc gia dễ bị tổn thương về khí hậu điều phối nhằm cung cấp tài trợ cho các quốc gia chịu thảm họa khí hậu.

Trong thông báo ngày 14/11, Bộ Phát triển và Hợp tác Kinh tế Đức cho biết sáng kiến mang tên “Lá chắn toàn cầu” được thiết lập nhằm kêu gọi ngân sách để tăng cường các chương trình bảo trợ xã hội và bảo hiểm rủi ro khí hậu, để trong trường hợp các hiện tượng thời tiết cực đoan như thiên tai lũ lụt, hạn hán xảy ra, các cộng đồng có thể tiếp cận viện trợ nhanh chóng và phục hồi.

g7-officially-kicks-off-the-global-shield-initiative.jpg
g7-officially-kicks-off-the-global-shield-initiative2.jpg
Mục đích của quỹ là cung cấp nhanh chóng các gói tài trợ phòng chống thiên tai cho các nước chịu ảnh hưởng, trong đó có các thảm họa như lũ lụt, hạn hán, bão.

Theo bộ trên, nếu không có chương trình bảo vệ, hạn hán, lũ lụt có thể xảy ra, đồng nghĩa với là hộ nông dân sản xuất nhỏ không chỉ mất mùa mà còn mất toàn bộ sinh kế do không có đủ tiền mua hạt giống mới sau thảm họa thiên tai.

Bộ trên cho biết nhóm “Globle South” gồm các nước nằm ở châu Phi, Mỹ Latinh và một số nước đang phát triển ở châu Á, tạo ra lượng lượng khí thải toàn cầu rất ít, nhưng phải đối mặt với những hậu quả tồi tệ nhất của một thế giới đang ấm dần lên, trong khi họ không có đủ nguồn lực để bảo vệ công dân của mình.

Tuyên bố nhấn mạnh một chương trình bảo vệ “tự động kích hoạt trong trường hợp xảy ra khủng hoảng sẽ giải ngân cho nông dân gặp khó khăn mua hạt giống mới ngay lập tức, hạn chế thiệt hại tối đa.

Với tư cách là nước Chủ tịch G7, Đức cho rằng các nước công nghiệp phát triển, có lượng phát thải lớn cần phải “giải quyết một cách trung thực” những tổn thất và thiệt hại liên quan đến khí hậu.

Theo đó, Đức tuyên bố sẽ cung cấp 170 triệu euro (172 triệu USD) cho sáng kiến “Lá chắn toàn cầu” nhằm giúp các nước có thu nhập thấp và dễ bị tổn thương có thể phục hồi sau những thảm họa thiên nhiên.

Trong khi đó, Tổng thống Mỹ Joe Biden tuyên bố Mỹ sẽ ủng hộ sáng kiến “Lá chắn toàn cầu”. Các quốc gia như Canada, Ireland và Đan Mạch cho đến nay đã cam kết tài trợ thêm 40 triệu euro cho sáng kiến này.

Cùng ngày, Ai Cập - nước đang giữ chức Chủ tịch Hội nghị lần thứ 27 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP27) - đã khởi động sáng kiến “Ứng phó với khí hậu để duy trì hòa bình” (CRSP), nhằm tìm cách huy động các nguồn lực để ứng phó với biến đổi khí hậu, đồng thời thúc đẩy hòa bình và phát triển bền vững tại châu Phi.

Sáng kiến được phát triển bởi Trung tâm quốc tế về giải quyết xung đột, gìn giữ và xây dựng hòa bình Cairo (CCCPA) với sự hỗ trợ của Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP).

Sáng kiến này sẽ góp phần hiện thực hóa Chương trình nghị sự 2030 về phát triển bền vững và Chương trình nghị sự 2063 của Liên minh châu Phi, cũng như sáng kiến “Ngưng tiếng súng”, và Kế hoạch hành động và Chiến lược phát triển khả năng thích ứng và biến đổi khí hậu châu Phi (2022-2032).

CRSP là sáng kiến lần đầu tiên được đưa ra bởi một vị Chủ tịch COP nhằm giải quyết mối liên hệ giữa biến đổi khí hậu và xây dựng hòa bình. Đây là một dấu mốc quan trọng phản ánh cam kết của Ai Cập trong việc tăng cường chủ nghĩa đa phương và hợp tác quốc tế một cách tích cực và bao trùm.

Phát biểu tại lễ khởi động sáng kiến CRSP, Chủ tịch COP27, Ngoại trưởng Ai Cập Sameh Shoukry nói rằng châu Phi góp phần ít nhất vào cuộc khủng hoảng khí hậu, nhưng lại bị ảnh hưởng nặng nề nhất do những hiện tượng thời tiết toàn cầu bất thường. Sự tàn phá của biến đổi khí hậu kết hợp với các cuộc xung đột tạo ra những tác động sâu rộng trên khắp “lục địa Đen”.

Do đó, CRSP sẽ giúp đưa ra hành động đối với những vấn đề quan trọng này vì nó giải quyết các rủi ro tiềm tàng do biến đổi khí hậu gây ra cho hòa bình và phát triển bền vững.

Theo ông Shoukry, CRSP tìm cách tăng cường năng lực của châu Phi và khắc phục những khoảng cách hiện có trong sự hợp tác với nhiều đối tác và các bên liên quan, phù hợp với quyền sở hữu quốc gia và đặc điểm bối cảnh cụ thể hiện nay.

Ủy viên phụ trách kinh tế nông thôn và nông nghiệp tại Ủy ban Liên minh châu Phi (AU), bà Josefa Leonel Correia Sacko, khẳng định rằng Sáng kiến CRSP được thiết kế xoay quanh bốn trụ cột bao gồm tăng cường mối liên hệ giữa thích ứng với khí hậu với xây dựng hòa bình; duy trì hòa bình thông qua hệ thống thực phẩm có khả năng thích ứng với khí hậu; thúc đẩy các giải pháp bền vững cho mối liên hệ giữa di cư và khí hậu; tăng cường tài chính khí hậu để duy trì hòa bình. Liên minh châu Phi sẽ hợp tác với Ai Cập và các đối tác quốc tế nhằm thực hiện chương trình này trong 5 năm tới.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
COP27: Nhóm G7 chính thức khởi động sáng kiến “Lá chắn toàn cầu”