Ngân hàng Thế giới đánh giá cao tính hiệu quả của các dự án về khí hậu tại Việt Nam

Nhật Minh| 09/11/2022 06:56
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Chủ tịch WB David Malpass đánh giá các dự án về khí hậu của Việt Nam đã tạo động lực và có hiệu quả. Ông Malpass nhấn mạnh WB sẽ tiếp tục đồng hành cùng Việt Nam, nhất là trong thích ứng với biến đổi khí hậu.

Ngày 8/11, Đoàn đại biểu Việt Nam do Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà dẫn đầu đã tham dự sự kiện về đẩy mạnh hoạt động giảm thiểu phát thải khí nhà kính nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu, do Nhóm Ngân hàng Thế giới (WBG) tổ chức.

cop27-81122c.jpg
Hội nghị COP27 thu hút 40.000 đại biểu, trong đó có gần 100 nguyên thủ quốc gia và người đứng đầu các chính phủ trên thế giới, tham dự.

Đây là hoạt động được tổ chức bên lề Hội nghị lần thứ 27 Các bên tham gia công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP27) đang diễn ra tại thành phố Sharm El-Sheikh của Ai Cập, với sự tham dự của Chủ tịch WB David Malpas, Tổng thống Tanzania và Tổng thống Mozambique.

Phát biểu tại sự kiện, Bộ trưởng Trần Hồng Hà đã chia sẻ về các dự án, giải pháp và lộ trình của Việt Nam trong việc thực hiện các cam kết với WB về chống biến đổi khí hậu.

Bộ trưởng Trần Hồng Hà đánh giá cao các sáng kiến của WB, đặc biệt trong bối cảnh thế giới đang đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số. Theo Bộ trưởng, vai trò của WB là rất quan trọng, đặc biệt tập trung vào những vấn đề mang tính toàn cầu, với những ưu tiên tài chính trong từng giai đoạn.

viet-nam-cop27-8112022.jpg
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà chia sẻ giải pháp và lộ trình của Việt Nam trong thực hiện các cam kết với WB về chống biến đổi khí hậu. Ảnh: TTXVN

Trần Hồng Hà Trần Hồng Hà nhấn mạnh, WB đã hỗ trợ Việt Nam từ xóa đói giảm nghèo, tới phát triển và ưu tiên tập trung vào chuyển đổi xanh, chuyển đổi số và chuyển đổi năng lượng hiện nay. Việt Nam đã có những thay đổi cần thiết để cùng kết nối và gắn kết các quốc gia trong việc thực hiện các dự án do WB tài trợ.

Bộ trưởng cho rằng WB cần tiếp tục hỗ trợ để các quốc gia được tiếp cận các nguồn quỹ và cần có chiến lược ưu tiên cho giai đoạn tới. Việt Nam mong muốn WB đóng vai trò quan trọng trong chuyển đổi năng lượng, đồng thời đánh giá cao mô hình hợp tác của WB trong các gói hỗ trợ về kỹ thuật và các dự án đầu tư. Việt Nam cũng mong muốn WB tiếp tục điều phối tốt nhất để sử dụng hiệu quả nguồn tài chính và các quỹ tài chính về khí hậu.

Đáp lại, Chủ tịch WB David Malpass đánh giá các dự án của Việt Nam đã tạo động lực và có hiệu quả. Quan hệ gữa WB và Việt Nam trong thực hiện các chương trình chuyển đổi là mô hình cho các quốc gia. Ông Malpass nhấn mạnh WB sẽ tiếp tục đồng hành cùng Việt Nam, nhất là trong thích ứng với biến đổi khí hậu.

Chủ tịch WB cũng kêu gọi sự đóng góp của cộng đồng quốc tế, các nhà tài trợ, cộng đồng doanh nghiệp để thiết lập các quỹ ủy thác liên quan đến khí hậu. Ông Malpass nhấn mạnh các quốc gia cần thúc đẩy hành động khí hậu để chống lại tác động của biến đổi khí hậu và đẩy nhanh các dự án giảm phát thải khí nhà kính.

Hội nghị COP27 diễn ra trong bối cảnh biến đổi khí hậu đã và đang gây ra nhiều hiện tượng thời tiết cực đoan. Từ đầu năm 2022 tới nay, các hiện tượng thời tiết như nắng nóng gay gắt và mưa lớn bất thường đã xảy ra ở nhiều nơi trên thế giới, cướp đi sinh mạng của hàng nghìn người và khiến hàng triệu người bị mất nhà cửa. Phần lớn nguyên nhân dẫn tới các hiện tượng thời tiết cực đoan là do biến đổi khí hậu.

Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres mới đây đã kêu gọi thế giới ưu tiên ứng phó với biến đổi khí hậu và chung tay hành động khẩn cấp, coi đây là vấn đề mang tính sống còn đối với sự an toàn và tồn tại của loài người bởi con người đang đối mặt với những tác động to lớn của tình trạng biến đổi khí hậu.

Với tư cách nước chủ nhà và là nước Chủ tịch COP27, Ai Cập rất kỳ vọng Hội nghị sẽ giải quyết được các vấn đề then chốt như chuyển đổi sang nền kinh tế xanh, thích ứng với biến đổi khí hậu, tổn thất và thiệt hại do biến đổi khí hậu gây ra, cũng như vấn đề cung cấp tài chính khí hậu thỏa đáng và công bằng cho các nước đang phát triển.

Ai Cập kêu gọi cộng đồng quốc tế đoàn kết và có "ý chí chính trị lớn hơn" để nâng tham vọng hành động khí hậu, đồng thời hối thúc các quốc gia "gác lại những khác biệt chính trị" liên quan đến cuộc xung đột Nga-Ukraine để thúc đẩy hợp tác tiến tới các hành động vì khí hậu nhằm đạt mục tiêu hạn chế mức tăng nhiệt độ toàn cầu dưới 1,5 độ C.

Ai Cập cũng kêu gọi các nước phát triển thực hiện các cam kết về khí hậu cũng như hỗ trợ các nước đang phát triển và kém phát triển, nhất là các quốc gia châu Phi, trong nỗ lực ứng phó với biến đổi khí hậu.

Ngày 6/11/2022, Hội nghị lần thứ 27 các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (COP27) đã khai mạc tại Sharm el-Sheikh, Cộng hòa Arab Ai Cập. Tham dự hội nghị có hơn 120 nguyên thủ và 40.000 đại biểu.

Trong hai ngày 7-8/11 diễn ra Hội nghị thượng đỉnh giữa các nhà lãnh đạo thế giới, tập trung thảo luận các chủ đề bao gồm phát triển hydro xanh, vấn đề nước và an ninh lương thực, chuyển đổi năng lượng và các cộng đồng dễ bị tổn thương.

Các phiên họp từ ngày 9-17/11 sẽ tập trung thảo luận nhiều chủ đề khác nhau, bao gồm Ngày Tài chính, Ngày Khoa học, Ngày về thanh niên và các thế hệ tương lai, Ngày về khử carbon, Ngày thích ứng và nông nghiệp, Ngày về giới, Ngày về nước, Ngày về xã hội dân sự, Ngày năng lượng, Ngày đa dạng sinh học, Ngày về các giải pháp. Tại phiên họp cuối cùng diễn ra ngày 18/11, hội nghị sẽ thảo luận và xem xét thông qua tuyên bố chung.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ngân hàng Thế giới đánh giá cao tính hiệu quả của các dự án về khí hậu tại Việt Nam