Nhiều năm qua, những cán bộ của Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội (NHCSXH) huyện Lộc Bình, tỉnh Lạng Sơn đã miệt mài băng rừng, vượt núi, mang theo nguồn vốn chính sách đến từng bản làng xa xôi. Không chỉ đưa tiền vốn đến tận tay người dân nghèo, họ còn mang theo niềm tin, sự đổi thay và cơ hội thoát nghèo cho nhiều hộ dân vùng biên.
Mang vốn đến tận tay người nghèo
Tháng 3, biên giới xứ Lạng sương mù giăng mắc. Tôi theo chân các cán bộ của Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) huyện Lộc Bình ngược núi lên Tú Mịch, một xã giáp biên.
Đường lên xã nhỏ, uốn cong, mặc dù chỉ cách trung tâm huyện khoảng chừng 30 km, nhưng do đường xuyên qua các bản làng nên chúng tôi cũng phải mất cả giờ đồng hồ mới tới được địa điểm giao dịch là Hội trường của UBND xã.
Trên đường đi, tôi được nghe anh Triệu Việt Quý, Phó Giám đốc Phòng giao dịch kể cho nghe về những chuyến đi không quản nắng mưa của cán bộ trong phòng trong việc mang nguồn vốn chính sách đến với người dân.
Anh chia sẻ rằng, mặc dù hiện nay phần lớn các tuyến đường dẫn đến trung tâm các xã ở huyện Lộc Bình đã được bê tông hóa, nhưng vẫn còn nhiều thôn, bản nằm xa trung tâm với điều kiện giao thông không thuận lợi, khiến việc đi lại của bà con vẫn gặp nhiều khó khăn. Có những nơi như xã Ái Quốc, Tam Gia chẳng hạn, đường khó đi nên có lần cũng phải mất vài ba tiếng đồng hồ mới tới. Vất một chút, nhưng đến nơi nhìn thấy bà con vui mừng khi ký nhận khoản vay là bao mệt nhọc đều tan biến hết.
“Đi xã cũng mệt, nhưng mỗi lần nhìn thấy người dân vui là mình lại cảm thấy vui lây. Nhìn đâu đâu cũng thấy nụ cười. Có ông thì hối hả gói gém những đồng tiền vừa mới nhận để về trang trải với kế hoạch thoát nghèo, có bà thì nhìn ngắm danh sách xem mình đã vay được thời gian bao lâu; cũng có những hộ dân đến trả nợ với tinh thần trách nhiệm rõ ràng.
Giải ngân tại xã là một cách làm đặc thù của chúng tôi, bởi không thể chờ người dân nghèo lên trung tâm huyện, nơi cách nhà họ cả vài chục cây số để làm thủ tục. Việc đem vốn xuống tận nơi vừa giúp người dân tiếp cận nhanh hơn, vừa đảm bảo được sự minh bạch, công khai và gần gũi với nhân dân”, anh Quý kể.
Vậy đó, nơi những vùng quê còn nghèo khó, nơi con đường đất đỏ vẫn in dấu chân trâu và cái nghèo vẫn lẩn khuất sau những vách núi heo hút, vẫn có những con người âm thầm vượt qua từng lối nhỏ. Họ mang theo không chỉ là sổ sách, giấy tờ hay máy móc thiết bị, mà còn mang theo cả niềm hy vọng, mang theo ước mơ đổi đời để trao gửi đến tận tay người dân nơi bản làng xa xôi.
Họ chính là những cán bộ của Ngân hàng Chính sách xã hội – những người âm thầm làm công việc “cõng vốn” về làng. Không hào nhoáng, không ánh đèn sân khấu, công việc hằng ngày của họ là băng rừng, vượt suối, trèo đèo đến tận các thôn bản xa xôi để trao những đồng vốn chính sách đến tay người dân. Bởi khách hàng của họ có thể là một gia đình đang chật vật tìm đường thoát nghèo bằng nghề chăn nuôi; là một thanh niên dân tộc thiểu số khởi nghiệp với mô hình trồng trọt; hay là một hộ dân nghèo cần sửa lại mái nhà cũ nát trước mùa mưa tới…
Không chỉ làm nhiệm vụ cho vay, cán bộ Ngân hàng Chính sách xã hội còn là những người trực tiếp tuyên truyền về chính sách, hướng dẫn bà con cách sử dụng đồng vốn sao cho hiệu quả, giúp họ tránh rơi vào tình trạng vay, rồi “để đấy”, hoặc đầu tư sai mục đích. Cứ như vậy, những cán bộ của NHCSXH luôn bền bỉ như dòng vốn chính sách, mỗi ngày len lỏi vào từng bản làng, từng mái nhà, thắp lên những ước mơ đổi đời từ chính nơi gian khó.
Thoát khỏi sự đeo bám của “giặc nghèo”
Đang mải miết với câu chuyện của anh Quý thì chúng tôi đã tới được UBND xã Tú Mịch, nơi người dân đến để thực hiện giao dịch tiếp nhận vốn vay và trả nợ cho ngân hàng.
Trong dòng người đến thực hiện những nghĩa vụ của khoản vay, tôi đã được trò chuyện với chị Ma Thị Hạnh, là người của thôn Bản Phải. Hôm nay chị tới là để trả nốt số nợ 50 triệu cho ngân hàng, vì sau quá trình được vay vốn để canh tác thì tới nay gia đình chị đã thoát được là hộ cận nghèo.
Chị Hạnh cười nói: “Nhờ vào nguồn vốn vay ưu đãi từ NHCSXH mà gia đình tôi đã có cơ hội vươn lên thoát cận nghèo. Trước kia, cuộc sống gia đình tôi quanh năm chỉ trông chờ vào vài sào ruộng, chẳng đủ ăn nên cái nghèo đeo bám mãi không dứt.
Nhưng từ năm 2020 nhờ vào khoản vay từ chương trình cho vay hộ nghèo, cận nghèo của NHCSXH, tôi đã đầu tư mua phân bón và cây thông giống để trồng thêm. Giờ đây, cây lớn và cho thu hoạch nhựa nên gia đình đã đủ ăn và còn có dành dụm được chút để trang trải cho gia đình.
Tôi mừng lắm, nếu không có nguồn vốn vay từ NHCSXH thì không biết đến bao giờ gia đình tôi mới thoát cảnh cơ cực. Tôi rất biết ơn Đảng, Nhà nước và ngân hàng đã tạo cơ hội cho những người nghèo như chúng tôi có ngày hôm nay”.
Cũng là niềm vui, nhưng đối với chị Trần Thị Nâng, là một hộ cận nghèo ở thôn Bản Phải thì có lẽ phải chờ thêm một thời gian nữa. Bởi lẽ hôm nay chị Nâng tới giao dịch là để nhận số tiền 100 triệu từ nguồn vốn vay ưu đãi của HNCSXH, với mục đích về làm vốn trồng rừng, chăn nuôi để phát triển kinh tế cho gia đình.
Chị Nâng cho biết: “Gia đình tôi là hộ cận nghèo, thời gian qua cũng muốn làm ăn nhưng không có vốn, đi vay ngoài thì lãi cao sợ không trả nổi. May quá, nay được vay ưu đãi, tôi mừng lắm. Có vốn rồi, gia đình tôi sẽ cố gắng mua giống để chăn nuôi, trồng trọt để thoát nghèo”.
Trao đổi với phóng viên Báo Công lý về tình hình của địa phương, ông Đinh Văn Công, Phó Chủ tịch UBND xã Tú Mịch cho biết: Tính đến thời điểm hiện tại thì xã Tú Mịch có 952 hộ dân, với hơn 4 nghìn nhân khẩu. Trong đó, có 38 hộ nghèo và 52 hộ cận nghèo.
Xã Tú Mịch có hơn 9 km là đường biên giới, người dân chủ yếu là trồng rừng với các loại cây như thông và bạch đàn. Về nông nghiệp thời vụ thì cũng chỉ trồng vài cây như ớt, khoai tây, ngô… nên đời sống người dân cũng bấp bênh. Thời gian qua, sau khi có chương trình hỗ trợ vay vốn ưu đãi từ NHCSXH thì đời sống người dân cũng dần khá lên. Năm 2024 vừa qua trên địa bàn xã đã có 5 hộ thoát nghèo và 22 hộ thoát cận nghèo.
“Không chỉ riêng gia đình chị Hạnh, mà nhiều hộ nghèo, cận nghèo khác trong xã Tú Mịch cũng đang từng ngày đổi thay trong cuộc sống nhờ những đồng vốn nghĩa tình từ NHCSXH cho vay theo diện ưu đãi. Đây là điểm tựa vững chắc cho hành trình vượt khó, vươn lên làm chủ cuộc sống của người dân xã Tú Mịch nói riêng và cả nước nói chung”, Phó Chủ tịch UBND xã Tú Mịch phấn khởi cho biết.