Công tác tư pháp Quý II/2015: Luật vẫn phải chờ văn bản hướng dẫn

Thảo Nguyên| 16/07/2015 23:17
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Đó là thông tin được đưa ra tại buổi họp báo về công tác tư pháp Quý II/2015 do Bộ Tư pháp tổ chức hôm nay (16/7).

Theo báo cáo của Bộ Tư pháp, 6 tháng đầu năm, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ trưởng, thủ trưởng các Bộ, ngành đã ban hành 40/95 văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành luật, pháp lệnh đã có hiệu lực pháp luật. Tuy nhiên, tình trạng “nợ đọng” số lượng văn bản ngày càng nhiều. Trong quá trình triển khai các đạo luật, luật có hiệu lực pháp luật, đến nay số “nợ đọng” lên đến 109 văn bản. Điển hình như Luật Doanh nghiệp (sửa đổi), Luật Đầu tư (sửa đổi)...

Công tác tư pháp Quý II/2015: Luật vẫn phải chờ văn bản hướng dẫn

Chánh Văn phòng, Người Phát ngôn của Bộ Tư pháp Trần Tiến Dũng

Lãnh đạo Bộ Tư pháp cho biết: Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 cũng đã quy định rất rõ trách nhiệm của các Bộ, ngành trong việc xây dựng các văn bản pháp luật, nhưng lại không quy định thời hạn bắt buộc phải ban hành văn bản chi tiết hướng dẫn luật, đây là một yếu điểm, nhược điểm của Luật này.

Số văn bản vi phạm luật giảm mạnh. Bộ Tư pháp đã kiểm tra theo thẩm quyền 1.542 văn bản quy phạm pháp luật, phát hiện 13 văn bản vi phạm về nội dung, thẩm quyền, giảm mạnh so với 6 tháng đầu năm 2014. Các Bộ, ngành, địa phương đã hoàn thành đơn giản hóa 4.431/4.723 thủ tục hành chính (TTHC). Đã thụ lý giải quyết 73 vụ việc bồi thường (trong đó có 24 vụ việc thụ lý mới). Đến nay đã giải quyết xong 30/73 việc với số tiền Nhà nước phải bồi thường trong các quyết định giải quyết bồi thường, bản án, quyết định về giải quyết bồi thường đã có hiệu lực pháp luật gần 7,2 tỷ đồng, tăng hơn 4,6 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2014.

Tình trạng chậm cấp phiếu lý lịch tư pháp đã từng bước được khắc phục và thời gian tới, Bộ tập trung đẩy nhanh việc hoàn thành dứt điểm việc đơn giản hóa TTHC…

Về việc lấy ý kiến nhân dân về dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi), bà Nguyễn Thị Kim Thoa, Vụ trưởng Vụ Pháp luật, hình sự, hành chính - Bộ Tư pháp nhấn mạnh: Thời gian lấy ý kiến tuy ngắn, chỉ có hai tháng nhưng sẽ không “hình thức”. Trong kế hoạch lấy ý kiến đã xác định rõ các đối tượng, hình thức lấy ý kiến linh hoạt, đa dạng, không “cứng” để người dân tham gia.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Công tác tư pháp Quý II/2015: Luật vẫn phải chờ văn bản hướng dẫn