Ngày 26/12, UBND tỉnh Lạng Sơn và TAND tỉnh Lạng Sơn đã tổ chức Hội nghị Tổng kết 3 năm thực hiện Quy chế phối hợp số 01/QCPH-UBND-TAND, ngày 10/4/2015 giữa hai cơ quan trong công tác giải quyết các vụ án hành chính, dân sự.
Đến dự và chỉ đạo Hội nghị có đồng chí Nguyễn Văn Du, Ủy viên Ban cán sự đảng, Phó Chánh án TANDTC; đồng chí Phạm Ngọc Thưởng, Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn; lãnh đạo TAND hai cấp của tỉnh; lãnh đạo các sở, ngành của tỉnh; UBND các huyện, thành phố của tỉnh.
Phó Chánh án TANDTC Nguyễn Văn Du phát biểu tại Hội nghị
Báo cáo nêu rõ, Quy chế phối hợp giữa UBND tỉnh Lạng Sơn và TAND tỉnh Lạng Sơn trong công tác giải quyết các vụ án hành chính, dân sự nhằm tạo điều kiện để các cơ quan thực hiện tốt nhiệm vụ theo chức năng được giao; xây dựng ý thức tôn trọng pháp luật, tăng cường trách nhiệm, năng lực tổ chức thực hiện và sự phối hợp giữa các cơ quan liên quan trong công tác giải quyết các vụ án hành chính, dân sự trên địa bàn tỉnh. Quy chế bảo đảm sự chỉ đạo thống nhất nhằm nâng cao hiệu quả của hoạt động tố tụng trong công tác giải quyết các vụ án hành chính và các vụ án dân sự của TAND tỉnh đối với TAND các huyện, thảnh phố. Bảo đảm sự thống nhất chỉ đạo của UBND tỉnh đối với các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố, UBND các xã, phường, thị trấn trong công tác phối hợp liên quan đến hoạt động tố tụng hành chính, dân sự của TAND dân hai cấp.
Thời gian qua, công tác phối hợp giữa UBND và TAND luôn được thực hiện chặt chẽ từ việc gửi thông báo thụ lý và cử người tham gia tố tụng; cung cấp tài liệu, chứng cứ theo yêu cầu của Tòa án, phối hợp thực hiện các biện pháp thu thập chứng cứ; phối hợp trong hòa giải, đối thoại giải quyết các vụ việc và trong công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật. Qua 3 năm thực hiện quy chế phối hợp TAND hai cấp tỉnh Lạng Sơn đã giải quyết 10.321/ 10.337 vụ việc các loại, tỷ lệ giải quyết chung đạt 99,8%. Trong đó, án dân sự giải quyết 5.718/ 5.820 vụ việc, đạt tỷ lệ giải quyết 98,2%; án hành chính giải quyết 109/109 vụ, tỷ lệ giải quyết đạt 100%.
Theo đánh giá của các đại biểu tham dự hội nghị thì Quy chế phối hợp số 01/QCPH-UBND-TAND, ngày 10/4/2015 giữa UBND tỉnh Lạng Sơn và TAND tỉnh Lạng Sơn trong công tác giải quyết các vụ án hành chính, dân sự phù hợp với các quy định của pháp luật hiện hành. Quá trình triển khai thực hiện đã góp phần nâng cao ý thức, trách nhiệm của cán bộ, công chức thuộc UBND các cấp và TAND hai cấp; đặc biệt là nhận thức và trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị được nâng lên rõ rệt so với trước.
Toàn cảnh Hội nghị
Đối với TAND hai cấp tỉnh Lạng Sơn, khi thực hiện quy chế thì công tác tống đạt các văn bản tố tụng cho các đương sự được thực hiện tương đối tốt, bảo đảm các văn bản tố tụng được giao cho các đương sự thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình khi tham gia tố tụng và bảo đảm công tác giải quyết vụ án đúng theo trình tự, thủ tục của pháp luật. Các bản án, quyết định của Tòa án bảo đảm đúng quy định, rõ ràng.
Đối với các cơ quan hành chính nhà nước, Quy chế phối hợp đã đem lại hiệu quả thiết thực, việc cung cấp tài liệu, chứng cứ, văn bản trả lời, tham gia tố tụng hoặc cử người tham gia tố tụng được bảo đảm kịp thời và đầy đủ hơn. Trong công tác tiếp công dân và xử lý đơn thư, các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh đã phối hợp và tham khảo ý kiến của TAND về những vụ việc phức tạp để có hướng xử lý, giải quyết dứt điểm, tránh khiếu kiện kéo dài, vượt cấp, góp phần ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, tạo điều kiện phát triển kinh tế xã hội trên địa bàn tỉnh. Qua phối hợp trong giải quyết các vụ án hành chính, dân sự phức tạp, TAND hai cấp đã kịp thời trao đổi các sai sót của cơ quan chuyên môn, các đơn vị quản lý, thực hiện dự án để có biện pháp khắc phục, hạn chế sai sót. TAND tỉnh đã tham mưu cho Hội đồng nhân dân tỉnh giám sát các đơn vị thực hiện dự án để tránh khiếu kiện phát sinh…
Bên cạnh đó, các đại biểu cũng chỉ rõ những hạn chế như: còn vướng mắc trong việc thu thập tàl liệu chứng cứ, chưa chủ động để đưa ra các phương án giải quyết dứt điểm; có văn bản của TAND yêu cầu UBND cung cấp thông tin, tài liệu, chứng cứ, nhưng nội dung yêu cầu chưa cụ thể, rõ ràng. Các sở, ban, ngành thuộc UBND tỉnh, phòng chuyên môn của một số đơn vị thuộc UBND huyện tham mưu cho UBND để cung cấp tài liệu, chứng cứ cho TAND có vụ án còn chậm; chưa chủ động trao đổi với TAND khi tham mưu cho UBND tỉnh giải quyết các khiếu nại có nhiều khả năng dẫn đến khiếu kiện như khiếu nại liên quan đến thu hồi đất, bồi thường, giải phóng mặt bằng…
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Chánh án TANDTC Nguyễn Văn Du đánh giá cao hiệu quả phối hợp giữa UBND và TAND tỉnh Lạng Sơn trong thời gian qua. Sự phối hợp đã góp phần nâng cao chất lượng xét xử của Tòa án, chất lượng quản lý hành chính của UBND các cấp, góp phần ổn định tình hình chính trị tại địa phương.
Trước yêu cầu ngày càng cao của cải cách tư pháp, Phó Chánh án TANDTC Nguyễn Văn Du mong muốn UBND các cấp và các cơ quan của tỉnh Lạng Sơn cần tăng cường phối hợp trong việc cung cấp thông tin, tài liệu cho người dân và Tòa án để phục vụ cho việc giải quyết vụ án. Phối hợp trong việc tổ chức đối thoại giữa chính quyền và người dân; cử nười tham gia tố tụng theo đúng quy định của pháp luật. Đối với TAND hai cấp tỉnh Lạng Sơn, cần tăng cường Thẩm phán có năng lực để đẩy nhanh tiến độ và nâng cao chất lượng giải quyết án dân sự, hành chính; khắc phục việc “ngại va chạm” trong xét xử án hành chính để thực hiện tốt nguyên tắc “Khi xét xử, Thẩm phán và Hội thẩm độc lập và chỉ tuân theo pháp luật”…
Đồng chí Nguyễn Thế Lệ, Chánh án TAND tỉnh Lạng Sơn tặng giấy khen cho các tập thể, cá nhân có nhiều thành tích xuất sắc trong thực hiện quy chế phối hợp.
Trước thực trạng các tranh chấp về dân sự, hành chính tiếp tục tăng về số lượng với tính chất ngày càng phức tạp, để khắc phục những điểm còn hạn chế trong Quy chế phối hợp số 01/QCPH-UBND-TAND, vừa qua UBND tỉnh và TAND tỉnh Lạng Sơn đã ký kết Quy chế phối hợp mới nhằm bổ sung một số quy định để phù hợp với pháp luật hiện hành.
Triển khai quy chế phối hợp trong thời gian tới, UBND và TAND tỉnh Lạng Sơn tiếp tục nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức trong thực thi nhiệm vụ. Tăng cường công tác kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện Quy chế, thường xuyên tổ chức trao đổi, rút kinh nghiệm việc phối hợp; kịp thời biểu dương, khen thưởng các đơn vị, địa phương làm tốt công tác này. Coi công tác phối hợp là một trong những nhiệm vụ chuyên môn quan trọng để thực hiện có trách nhiệm và hiệu quả.
Nhân dịp này, Hội nghị cũng đã tặng bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh và giấy khen của Chánh án TANDTC cho các tập thể, cá nhân đã có thành tích xuất sắc trong thực hiện Quy chế phối hợp.