Năm 2019, công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, hòa giải cơ sở đã được quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) triển khai bài bản, đa dạng với nhiều hình thức phù hợp với từng nhóm đối tượng, mang lại hiệu quả cao, góp phần ổn định an ninh trật tự trên địa bàn.
Năm 2019, quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) chú trọng, tập trung triển khai hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL). Hiện nay, quận Hoàn Kiếm có 46 báo cáo viên pháp luật và 531 tuyên truyền viên pháp luật, phát huy hiệu quả hoạt động phổ biến giáo dục pháp luật trên địa bàn quận.
Ngoài ra, quận Hoàn Kiếm triển khai thực hiện “Ngày pháp luật” và duy trì hoạt động tại các phường. “Ngày pháp luật” được thực hiện vào các buổi giao ban hàng tháng giữa quận và cơ sở để kịp thời tuyên truyền, triển khai những văn bản pháp luật mới tới các hội viên của Hội. Để hưởng ứng “Ngày pháp luật”, UBND quận Hoàn Kiếm, các phòng, ban, ngành, đoàn thể và UBND các phường thuộc quận cũng đã tổ chức các hoạt động như: tổ chức hội nghị quán triệt Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018, Luật Tố cáo năm 2018; các buổi tọa đàm tại đơn vị,…
Hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật trong nhà trường được quận Hoàn Kiếm tích cực quan tâm. Cụ thể, quận đã chỉ đạo 100% các trường trên địa bàn tổ chức tuyên truyền, phổ biến các Luật mới có hiệu lực trong năm 2019 tới cán bộ, công chức, viên chức và học sinh; Tổ chức các hoạt động ngoại khóa như: sinh hoạt câu lạc bộ pháp luật, nói chuyện chuyên đề, thi tuyên truyền viên giỏi về công tác PBGDPL cho cán bộ, giáo viên, thông qua đó tuyên truyền, giáo dục ý thức chấp hành pháp luật cho cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh.
Đáng chú ý, hoạt động PBGDPL cho các đối tượng đặc thù được triển khai đa dạng, phù hợp với từng nhóm đối tượng. Phòng Tư pháp đã phối hợp với Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh quận, Phòng Giáo dục và đào tạo, Phòng Lao động - Thương binh và xã hội, Hội Liên hiệp phụ nữ quận, Câu lạc bộ trợ giúp pháp lý tổ chức các buổi tọa đàm, giao lưu nhằm phổ biến, giáo dục pháp luật tới thanh thiếu niên, học sinh, người khuyết tật, nạn nhân bạo lực gia đình trên địa bàn quận. Qua đó, đã có tác động tích cực đến các đối tượng đặc thù, nâng cao sự hiểu biết, nhận thức của họ về tầm quan trọng của pháp luật, trang bị cho họ những kiến thức để họ có thể tự bảo vệ mình và hưởng những quyền lợi chính đáng.
Hội phụ nữ quận Hoàn Kiếm thực hiện mô hình “Địa chỉ tin cậy tại cộng đồng” để tư vấn pháp luật, hòa giải về phòng chống bạo lực gia đình, hôn nhân gia đình và tổ chức hòa giải mâu thuẫn phát sinh từ những nguyên nhân này; Phòng Lao động - Thương binh và xã hội quận ra mắt mô hình “Nhà tạm lánh” để giúp đỡ cho những nạn nhân bị bạo lực gia đình có nơi cư trú tạm thời.
Hội đồng PBGDPL quận đã tổ chức 65 hội nghị phổ biến, quán triệt các văn bản pháp luật cho 9.374 lượt người tham dự. Hội đồng PBGDPL quận đã biên soạn và phát hành 120.000 tờ gấp Tìm hiểu một số quy định của Luật Tiếp cận thông tin; Luật Tố cáo, Luật Đặc xá và Luật Phòng, chống tham nhũng.
Ngoài ra, công tác hòa giải, giải quyết mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân được UBND các phường quan tâm thực hiện. Các tổ hòa giải tiếp tục được củng cố và kiện toàn. Hiện toàn quận có 163 tổ hòa giải với 797 hòa giải viên. Trong năm 2019, UBND các phường trên địa bàn quận đã tổ chức được 46 buổi giao ban các tổ hòa giải để trao đổi, rút kinh nghiệm trong công tác hòa giải. Các tổ hòa giải đã tiếp nhận 81 vụ việc, hòa giải thành: 73 vụ, đạt tỷ lệ 85%. Đặc biệt, UBND quận Hoàn Kiếm đã giành giải nhất cụm I và giải nhì toàn thành phố cuộc thi Hòa giải viên giỏi năm 2019.
Trong năm 2020, quận Hoàn Kiếm sẽ tổ chức các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ, tập huấn kiến thức pháp luật mới cho đội ngũ Hòa giải viên; Kiểm tra công tác tuyên truyền; hòa giải, chuẩn tiếp cận pháp luật; Quản lý, khai thác tủ sách pháp luật tại UBND một số phường; Kiện toàn đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật; Hướng dẫn kiện toàn tổ hòa giải, xây dựng mô hình “Tổ hòa giải 5 tốt”,.. giúp nâng cao hiểu biết toàn dân về pháp luật, xây dựng cộng đồng văn minh, hiện đại và phát triển.