Với nỗ lực của các Tòa án, tỷ lệ giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm trong năm 2014 đã có những chuyển biến tích cực, tăng cả về số lượng và chất lượng, đạt 60,05%, đảm bảo chỉ tiêu của Quốc hội đề ra.
Giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm đảm bảo đúng quy định
Năm 2014, TANDTC còn thiếu 58 Thẩm phán so với chỉ tiêu được Ủy ban thường vụ Quốc hội phân bổ, do các Thẩm phán nghỉ hưu hoặc hết nhiệm kỳ nhưng không thể bổ sung mới hoặc tái bổ nhiệm vì liên quan tới quy định mới của Hiến pháp 2013. Trong khi đó số lượng đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm thuộc thẩm quyền xem xét, giải quyết của TANDTC chiếm 85% tổng số đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm phải giải quyết của TAND.
Giải quyết đơn đề nghị xem xét bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm là một trong những nhiệm vụ cơ bản của TANDTC. Trong những năm gần đây, số lượng đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm thuộc thẩm quyền giải quyết của TANDTC ngày càng gia tăng. Hiện nay, đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm gửi đến TANDTC chủ yếu thông qua đường bưu chính và được Phòng Hành chính Tổng hợp thuộc Văn phòng TANDTC tiếp nhận; một số lượng nhỏ được gửi trực tiếp tại Phòng tiếp công dân thuộc Ban Thanh tra TANDTC. Các đơn vị chức năng có thẩm quyền giải quyết như: các Tòa chuyên trách của TANDTC, Ban Thư ký TANDTC sau khi nhận được đơn thì tiếp tục phân loại, nếu chưa đủ điều kiện thụ lý thì trả lại đơn và có văn bản giải thích hướng dẫn cho người gửi đơn biết để bổ sung; nếu đủ điều kiện thì tiến hành thụ lý giải quyết và thông báo bằng văn bản (cấp giấy xác nhận đơn) cho đương sự biết. Đối với đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm có văn bản chuyển đơn của các cơ quan, tổ chức, cá nhân về cơ bản cũng được thực hiện theo quy trình trên.
Trước thực trạng đơn ngày càng nhiều, Ban cán sự Đảng, lãnh đạo TANDTC chỉ đạo các Tòa chuyên trách, các đơn vị chức năng thuộc TANDTC và tập trung cao độ, phát huy tinh thần trách nhiệm, đẩy nhanh tiến độ giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm. Quy trình giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm về cơ bản vẫn đươc thực hiện theo Thông báo số 01/TB-TANDTC-TK ngày 1/2/2008 của TANDTC và một số văn bản bổ sung cụ thể hóa các nội dung của Thông báo số 01. Tuy nhiên, quá trình thực hiện quy trình này vẫn còn có những bất cập, vướng mắc do trình tự, thủ tục và việc phân cấp, ủy quyền giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm được thể hiện ở nhiều văn bản, nhưng những văn bản này chủ yếu mới ở hình thức thông báo, kết luận nên tính quy phạm pháp lý không cao; một số quy định bị chồng chéo, mâu thuẫn. Để đổi mới quy trình giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm, Chánh án TANDTC đã quyết định thực hiện quy trình “Tổ Thẩm phán” giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm ở một số đơn vị (Tòa Dân sự, Cơ quan thường trực phía Nam) và ủy quyền cho các Phó Chánh án TANDTC giúp Chánh án TANDTC xem xét, giải quyết đơn trong những trường hợp nhất định. Thực hiện quy trình này, đã góp phần đẩy nhanh tiến độ và nâng cao chất lượng giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm.
Trụ sở TANDTC
Trong năm 2014, các Tòa án đã thụ lý mới 7.608 đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm (tăng 1.282 đơn/vụ so với cùng kỳ năm trước), cùng với 4.318 đơn/vụ còn lại của năm 2013 chuyển sang, thì tổng số đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm mà TANDTC và các TAND cấp tỉnh phải giải quyết là 11.926 đơn/vụ. Trong quá trình giải quyết, các Tòa án làm tốt công tác rà soát, phân loại để tập trung xem xét, giải quyết các đơn sắp hết thời hạn kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm, đảm bảo không để các vụ việc quá thời hạn giải quyết theo quy định của pháp luật (số đơn còn lại là 4.765 đơn/vụ đều còn trong thời hạn kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm và đang được tiếp tục xem xét, giải quyết theo quy định). Hầu hết các đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm trong thời hạn kháng nghị đều được xem xét giải quyết; nếu đề nghị có căn cứ thì kháng nghị, nếu không có căn cứ thì thông báo việc không kháng nghị. Nhiều vụ việc đã giải quyết nhưng đương sự tiếp tục khiếu nại vẫn được thụ lý để xem xét cẩn trọng; các vụ việc khiếu nại bức xúc đều được quan tâm giải quyết nhanh chóng, dứt điểm. Đối với các vụ án có quyết định tạm hoãn thi hành án đều được giải quyết trong thời hạn theo quy định của pháp luật. Những vụ việc được các cơ quan Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và các đồng chí lãnh đạo cấp cao, các Đoàn đại biểu Quốc hội và đại biểu Quốc hội… quan tâm có ý kiến hay chuyển đơn đều được khẩn trương xem xét và thông báo kết quả giải quyết.
Năm 2014, TANDTC đã giải quyết 5.254/9.827 đơn/vụ; các TAND cấp tỉnh giải quyết 1.907/2.099 đơn/vụ; đạt tỷ lệ 60.05%, đảm bảo chỉ tiêu của Quốc hội đề ra. Trong đó, các Tòa án trả lời đơn cho đương sự là không có căn cứ kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm 6.061 vụ (chiếm 84.6%); kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm 1.100 vụ (chiếm 15.4%). Chất lượng kháng nghị và trả lời đơn tiếp tục được đảm bảo, 100% kháng nghị của Chánh án TANDTC đều được Hội đồng xét xử giám đốc thẩm, tái thẩm chấp nhận.
Tăng cường công tác giám đốc kiểm tra xét xử của TAND các cấp
Năm 2014, song song với công tác giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm, TANDTC cũng tăng cường công tác giám đốc kiểm tra việc xét xử của TAND các cấp. Thực hiện Nghị quyết số 69/2013/QH13 ngày 29/11/2013 của Quốc hội về chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIII, TANDTC đã tham gia tổ công tác liên ngành VKSNDTC, TANDTC, Bộ Công an xem xét những vụ án có đơn kêu oan gửi các cơ quan trung ương. TANDTC đã thụ lý xem xét 102 trường hợp có đơn kêu oan được xét xử trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII có mức phạt tù từ 20 năm, chung thân hoặc tử hình; việc xem xét được tiến hành đảm bảo xét xử phải đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, không làm oan người vô tội, không bỏ lọt tội phạm. Trong số 102 trường hợp nêu trên, đã xem xét, giải quyết 55 trường hợp. Thông qua kết quả giải quyết cho thấy về cơ bản, việc xét xử của Tòa án là đúng pháp luật (có 52 trường hợp trả lời không có căn cứ kháng nghị). Tuy nhiên, TANDTC cũng đã kháng nghị để giải quyết theo thủ tục giám đốc thẩm 3 trường hợp do có vi phạm thủ tục tố tụng trong quá trình giải quyết vụ án. Số còn lại 47 đơn, qua rà soát lại cho thấy chỉ có 13 trường hợp kêu oan, 34 trường hợp đơn đề kêu oan nhưng hầu hết nội dung đề nghị chỉ là xin giảm nhẹ hình phạt hoặc xem xét lại phần trách nhiệm dân sự…
Ngoài ra, TANDTC cũng tổ chức nhiều đợt kiểm tra chuyên đề về án quá hạn luật định, áp dụng pháp luật về cho hưởng án treo, rà soát các bản án tuyên không rõ ràng. Đồng thời, TANDTC đã kiểm tra 799 hồ sơ vụ án hình sự và 1.886 hồ sơ thi hành án phạt tù, 398 hồ sơ hoãn, tạm đình chỉ thi hành án tại TAND các tỉnh Sơn La, Điện Biên, Hà Nam, Ninh Bình, Bắc Ninh, Bắc Giang, Hải Dương, Hưng Yên và TP Hồ Chí Minh… TAQS Trung ương đã kiểm tra 141 hồ sơ vụ án của TAQS cấp quân khu và khu vực. Các TAND cấp tỉnh cũng thường xuyên duy trì công tác giám đốc việc xét xử đối với các TAND cấp huyện thuộc quyền quản lý, tập trung vào những vấn đề như: việc để vụ án quá hạn luật định, vấn đề xử phạt tù nhưng cho bị cáo hưởng án treo..., qua đó chấn chỉnh kịp thời các sai sót trong hoạt động nghiệp vụ, nâng cao ý thức trách nhiệm của cán bộ, Thẩm phán trong công tác xét xử.
Năm 2015, để nâng cao hơn nữa chất lượng giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm, TANDTC tiếp tục triển khai thực hiện tốt các giải pháp nâng cao hiệu quả công tác giải quyết đơn, khắc phục triệt để tình trạng đã trả lời không có căn cứ kháng nghị, nhưng sau đó người có thẩm quyền lại kháng nghị để giải quyết vụ án theo thủ tục giám đốc thẩm. Bên cạnh đó, TANDTC sẽ tiến hành tổng kết việc thực hiện Thông báo số 01/TB-TANDTC-TK để đánh giá những ưu điểm và hạn chế trong công tác này; trên cơ sở đó sẽ xây dựng, hoàn thiện và triển khai Đề án cơ chế giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm nhằm giải quyết có hiệu số lượng đơn phải giải quyết thuộc thẩm quyền của TAND.