Công tác tuyên truyền pháp luật từ những phiên tòa nói chung và phiên tòa xét xử lưu động nói riêng từ lâu là mục đích mà hệ thống Tòa án hướng đến.
Cũng từ những phiên tòa này, trong những năm qua, hệ thống Tòa án hai cấp tại TP. Đà Nẵng không những góp phần làm thay đổi nhận thức của người dân mà còn trực tiếp răn đe những hành vi phạm pháp, góp phần giữ vững ổn định an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.
Tuyên truyền pháp luật qua những phiên tòa lưu động
Để công tác tuyên truyền pháp luật đạt hiệu quả, TAND hai cấp TP. Đà Nẵng đã chọn lựa những vụ án điển hình đưa ra xét xử lưu động, trong đó tập trung vào các loại tội phạm đang có xu hướng gia tăng như: Mua bán trái phép chất ma túy, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, cướp giật tài sản, trộm cắp tài sản, giết người… Và, để góp phần tuyên truyền pháp luật rộng rãi đến với nhiều người dân trên địa bàn, báo chí góp một phần đáng kể. Những vụ án được đưa ra xét xử lưu động thường xét xử tại địa phương, nơi xảy ra vụ án, vì vậy số lượng người dân đến tham dự vẫn hạn chế. Qua kênh thông tin đại chúng, báo, đài… người dân khắp nơi từ nông thôn, thành thị đều có thể nghe, biết diễn biến vụ việc. Không ít khách du lịch đến TP. Đà Nẵng tỏ ra ngạc nhiên khi ghé bất kỳ quán cà phê nào, từ quán nhỏ đến lớn, đập vào mắt họ đều là hình ảnh người người ngồi nhâm nhi tách cà phê, trên tay cầm tờ báo. Điều đặc biệt, ở đây việc đọc báo không hề phân biệt già trẻ, nam nữ. Nói như vậy để thấy được cách tuyên truyền pháp luật thông qua báo chí là một trong những kênh thông tin hiệu quả, đồng thời có thể nói rằng, trong công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật, giữa Tòa án nói chung với báo chí có mối quan hệ rất khăng khít, hỗ trợ cho nhau với cùng một mục đích là nhằm nâng cao nhận thức pháp luật, ý thức tuân thủ pháp luật cho nhân dân, qua đó góp phần nâng cao dân trí.
Các phóng viên tham gia tác nghiệp tại phiên tòa
Với mối quan hệ tốt đẹp như vậy nên trên cơ sở chức năng của mỗi cơ quan, công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật trên địa bàn TP. Đà Nẵng trong thời gian qua đã có những kết quả đáng phấn khởi. Nhận thức của nhân dân về các mối quan hệ pháp luật hình sự, hành chính và dân sự nói chung đã có sự chuyển biến tích cực. Hoạt động xét xử của TAND hai cấp TP. Đà Nẵng và hoạt động thông tin, tuyên truyền của cơ quan báo chí đã có sự phối hợp đồng bộ, qua đó đã đóng góp tích cực vào việc xây dựng những mối quan hệ tốt đẹp trong xã hội và góp phần xây dựng Đà Nẵng trở thành thành phố văn minh.
Báo chí góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ của Tòa án
“Có thể khẳng định, tại các phiên tòa, đặc biệt là các phiên tòa lưu động, sự tham gia của báo chí trong việc đưa tin về công tác xét xử chính là một trong những điều kiện quan trọng để công tác tuyên truyền pháp luật đạt được hiệu quả. Thông qua việc đưa tin về công tác tác xét xử tại các phiên tòa, các cơ quan báo chí nói chung cũng như Báo Công lý đã giúp cho TAND hai cấp của TP. Đà Nẵng thực hiện tốt nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước cũng như TANDTC giao phó…”, ông Trần Huy Đức, Phó Chánh án TAND TP. Đà Nẵng chia sẻ.
Cũng theo ông Trần Huy Đức, mối quan hệ gắn bó, tốt đẹp giữa báo chí với TAND hai cấp của TP. Đà Nẵng chính là tiền đề quan trọng cho công tác tuyên truyền pháp luật trên địa bàn thành phố. Vì vậy, để nâng cao hơn nữa hiệu quả tuyên truyền thì cần tiếp tục phát huy tốt hơn nữa mối quan hệ này trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ của mỗi cơ quan. Báo chí nói chung cũng như Báo Công lý tiếp tục tham gia đưa tin, không những về các phiên tòa lưu động mà cả các phiên tòa tại trụ sở các Tòa án. TAND hai cấp trên địa bàn thành phố sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với báo chí trong công tác tuyên truyền pháp luật; có sự chủ động trong việc cung cấp các thông tin về công tác xét xử cũng như các hoạt động khác cho báo chí theo đúng quy định…
Một phiên tòa xét xử lưu động của TAND TP. Đà Nẵng
Thông thường, để một phiên tòa xét xử lưu động diễn ra hiệu quả, đòi hỏi mỗi Thẩm phán khi được phân công phải nghiên cứu kỹ hồ sơ vụ án, phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng như: VKSND, Công an trong hoạt động chuyên môn và cấp ủy, chính quyền địa phương trong việc chuẩn bị các điều kiện cần thiết cho việc xét xử lưu động. Mục đích của việc đưa các vụ án ra xét xử lưu động nhằm phục vụ công tác phổ biến, giáo dục, nâng cao ý thức pháp luật cho quần chúng nhân dân. Mỗi phiên tòa được phản ánh kịp thời trên báo, đài, truyền hình không chỉ những người tham dự phiên tòa được biết mà các quận, huyện, thậm chí các tỉnh lân cận đều được nghe thông tin về vụ án. Từ những thông tin nghe, thấy và đọc được về việc xét xử các vụ án, các văn bản pháp luật liên quan và quyết định của Hội đồng xét xử, người dân tự nâng cao nhận thức của mình về pháp luật và đấu tranh với các hành vi sai phạm trong cộng đồng. TAND hai cấp TP. Đà Nẵng luôn tạo điều kiện thuận lợi để những người tham dự phiên tòa cũng như nhân dân tiếp cận với pháp luật, nhằm nâng cao trình độ nhận thức về pháp luật trong quần chúng nhân dân, tạo niềm tin của người dân vào đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước.
Từ những vụ án cụ thể được đưa ra xét xử, những Thẩm phán ngồi ghế chủ tọa có trách nhiệm phải trang bị cho người dân những kiến thức pháp luật cần thiết để tự bản thân họ tránh xa những hành vi vi phạm pháp luật và giáo dục con em mình phải tuân theo pháp luật. Đồng thời đấu tranh với những hành vi vi phạm pháp luật xảy ra trong cộng đồng nhân dân. Một bản án nghiêm minh, đúng pháp luật, khách quan, toàn diện là mục đích của hoạt động xét xử.
Có thể khẳng định rằng, mục đích giáo dục pháp luật trong hoạt động xét xử là tạo nên một trạng thái mới trong ý thức pháp luật về hành động tự giác tuân theo pháp luật của người dân, đã trực tiếp hoặc gián tiếp quan tâm, theo dõi phiên tòa. Báo chí đã, đang và sẽ là nhịp cầu nối đưa pháp luật đến với người dân một cách cụ thể hơn, rộng rãi hơn từ diễn biến của một phiên tòa.