Công nghệ - Lời giải cho bài toán quản trị nhân sự vượt COVID-19

Trang Nhi| 08/09/2021 08:00
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Lâu nay, các doanh nghiệp quen với việc quản lý nhân sự theo mô hình truyền thống, trực tiếp tại văn phòng. Song, để thích nghi với trạng thái bình thường mới và Cuộc cách mạng công nghệ số 4.0, nhiều doanh nghiệp đã chuyển đổi từ chính trong công tác quản trị doanh nghiệp và nhân sự.

Giải bài toán quản trị nhân sự trong mùa dịch COVID-19

Các làn sóng dịch COVID-19 đã giúp doanh nghiệp trên toàn thế giới hiểu được tầm quan trọng của ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong vận hành mọi hoạt động. Do đó, các chuyên gia và DN đều cho rằng giải pháp về công nghệ cũng sẽ là “lời giải” cho bài toán quản trị doanh nghiệp và nhân sự để duy trì kinh doanh không gián đoạn.

Có người nói, COVID-19 đã thúc đẩy quá trình chuyển đổi số nhanh hơn và xa hơn. Tuy nhiên, đối với nhiều doanh nghiệp, đây thực sự vừa là thách thức nhưng cũng là cơ hội để doanh nghiệp chậm lại, nhìn nhận vấn đề trong bộ máy, trong quy trình quản trị và ứng dụng công nghệ để đổi mới tổ chức, tối ưu hiệu quả hoạt động.

1.jpeg

Giải pháp làm việc từ xa có thể được doanh nghiệp duy trì đến sau giai đoạn dịch COVID-19.

Làm việc tại nhà (Work From Home - WFH) không còn là một khái niệm xa lạ với phần đông doanh nghiệp (DN) Việt Nam sau gần 2 năm chống chọi với dịch COVID-19. Nhiều DN thậm chí còn đang hướng tới tư duy làm việc ở bất cứ đâu (Work From Anywhere - WFA) để linh hoạt duy trì hoạt động kinh doanh ngay cả khi dịch bệnh qua đi trong tương lai.

Quản trị nhân sự từ xa (online) trong thời gian dịch bệnh đang được nhiều doanh nghiệp áp dụng nhằm phòng tránh lây lan COVID-19. Một số doanh nghiệp cho rằng giải pháp này chỉ mang tính tạm thời, bởi nhiều doanh nghiệp đã quen với mô hình quản lý nhân sự truyền thống (trực tiếp) tại văn phòng. Hơn nữa, theo nhiều chuyên gia, khi quản lý online, các doanh nghiệp này thường gặp nhiều vấn đề như: Vấn đề giao tiếp; yếu tố phân tâm ở nhà; sự tương tác/tác động của tập thể; không gian làm việc thực tế; cách ly xã hội; cơ sở vật chất công nghệ; ranh giới mờ nhạt giữa cuộc sống cá nhân và công việc; tâm lý lo lắng về tác động của COVID-19; không có quyền truy cập các công cụ/thông tin cần thiết.

Song cũng có những đơn vị lại coi đây là giải pháp dài hạn, bởi không chỉ trên phương diện tăng năng suất, giảm chi phí hoạt động và giảm thiểu gián đoạn hoạt động, mà còn tác động tích cực đến môi trường, sự bình an của toàn thể xã hội và của mỗi người lao động.

“Công việc và cuộc sống cân bằng hơn, tai nạn giao thông sẽ giảm đi. Mô hình này cũng giúp giao thông bớt tắc nghẽn và lượng khí thải do xăng dầu cũng giảm do người dân bớt di chuyển đến nơi làm việc, và áp lực lên hệ thống giao thông công cộng cũng được giải tỏa phần nào”, Tiến sĩ Phạm Công Hiệp, Giảng viên cấp cao Khoa Kinh doanh và Quản trị, Đại học RMIT Việt Nam nhận định.

“Online hóa” công tác quản trị doanh nghiệp

Tại Hội thảo “Quản trị nhân sự - Duy trì hiệu suất làm việc từ xa”, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hanoisme Mạc Quốc Anh đánh giá: “Online hóa” quản lý nhân sự là bước tiên quyết để vận hành doanh nghiệp từ xa. Trong thời gian dịch bệnh và sau này, nếu không thể tương tác trực tiếp thì giải pháp sử dụng các ứng dụng mới sẽ là “lời giải” giúp đảm bảo tính kết nối để có sự gắn kết, tạo động lực làm việc cho nhân viên ngay trên môi trường số.

Để làm việc từ xa hiệu quả, cần phương thức liên lạc được tối ưu hóa, nền tảng công nghệ tốt và tư duy phù hợp. Đặc biệt, trước khi nghĩ đến bài toán công nghệ để duy trì WFA thì cần nghĩ đến cách tổ chức mô hình làm việc hiệu quả nhất, bao gồm hình thức WFH, mô hình văn phòng vệ tinh, văn phòng chia sẻ, làm việc di động…, từ đó đào tạo kỹ năng tương ứng cho nhân viên.

Nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp thích ứng với việc quản lý online, nhiều đơn vị đã cung cấp nhiều ứng dụng công cụ phần mềm quản lý và triển khai công việc từ xa như MISA AMIS của Công ty Cổ phần MISA, Work from home của Công ty Acheckin, Cloud Server và S3 Storage của CMC Telecom, phần mềm ezHR của Công ty Tinh Hoa…

Người quản trị nhân sự sẽ tiết kiệm được tối đa thời gian làm việc mà vẫn quản lý nhân sự hiệu quả.

2.jpeg

Nhiều doanh nghiệp coi mô hình quản trị nhân sự online là giải pháp dài hạn.

Đánh giá về việc “online hóa” công tác quản trị doanh nghiệp, ông Mạc Quốc Anh cho biết: Làm việc từ xa hiện nay đã trở thành phương thức làm việc của doanh nghiệp trong bối cảnh dịch COVID-19, muốn vậy doanh nghiệp cần hình thành văn hóa doanh nghiệp từ xa và như vậy sẽ duy trì hoạt động, hiệu suất làm việc của nhân viên.

Có thể thấy rằng việc “chuyển đổi số” toàn bộ quy trình như vậy cũng sẽ hứa hẹn mang tới trải nghiệm làm việc từ xa tốt nhất cho nhân viên. Không chỉ góp phần chung tay phòng chống dịch bệnh, bảo đảm an toàn sức khỏe cho nhân viên, việc báo cáo từ xa cũng giúp nhân viên được ghi nhận thành tích chính xác, khách quan và nhanh chóng. Ngược lại, nhà quản lý cũng nhanh chóng nắm bắt được tiến độ chung của bộ phận, kịp thời xử lý những vấn đề phát sinh. Nhờ vậy hiệu suất lao động của doanh nghiệp cũng không ngừng được nâng cao, khẳng định vị thế để vượt qua “bão” COVID-19.

(Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết số 84/NĐ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ)

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Công nghệ - Lời giải cho bài toán quản trị nhân sự vượt COVID-19