Công dân cần thực hiện những gì để vào thành phố Đà Nẵng ?

Trang Trần| 29/09/2021 21:45
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Tối 29/9, UBND TP Đà Nẵng có hướng dẫn cụ thể việc công dân vào TP Đà Nẵng khi thành phố áp dụng tạm thời một số biện pháp phòng, chống dịch trong tình hình hiện nay.

Theo đó, để đảm bảo công tác phòng, chống dịch, UBND thành phố quy định công dân được vào thành phố Đà Nẵng khi đảm bảo các điều kiện như:

Công dân đến/về từ các khu vực (tổ/xóm/thôn/ấp…) không có ca mắc trong cộng đồng trong vòng 14 ngày; khu vực không phải là khu vực cách ly, phong tỏa; xã, phường không đang áp dụng Chỉ thị số 15/CT-TTg, Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ; khu vực không phải là khu vực nguy cơ cao, nguy cơ rất cao theo Quyết định 2686/QĐ-BCĐQG ngày 31/5/2021 của Ban chỉ đạo Quốc gia Phòng, chống dịch COVID-19. Người dân truy cập địa chỉ http://bit.ly/vung dich để tham khảo.

Có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 trong vòng 72 giờ kể từ khi lấy mẫu đến khi vào thành phố Đà Nẵng (kết quả xét nghiệm bằng phương pháp RT-PCR hoặc test nhanh).

tin-29-9-vao-tp.jpg

Công dân vào thành phố Đà Nẵng phải có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 trong vòng 72 giờ kể từ khi lấy mẫu.

Đáng chú ý, Trước khi vào thành phố Đà Nẵng, công dân cần thực hiện đăng ký trực tuyến vào thành phố Đà Nẵng để được cấp mã QR vào thành phố. Mã QR này thay thế cho khai báo y tế vào Thành phố. Trường hợp tổ chức có nhiều người đi vào Đà Nẵng, thì mỗi thành viên phải đăng ký để có mã QR.

Quy trình thực hiện được hướng dẫn cụ thể theo hai bước sau:

Bước 1: Đăng ký vào thành phố Đà Nẵng trên hệ thống trực tuyến (vào mục “Đăng ký vào Đà Nẵng” trên app mobile Danang Smart City; hoặc vào mục “Người dân khai báo, đăng ký vào TP. Đà Nẵng” trên trang https://khaibaoyte.danang.gov.vn) và lưu lại mã QR được cấp (bằng hình ảnh trên điện thoại di động hoặc in trên giấy) để sử dụng khi di chuyển vào thành phố Đà Nẵng. Công dân cần đăng ký và được cấp mã QR trước khi rời khỏi nơi lưu trú để đến thành phố Đà Nẵng.

Công dân có trách nhiệm khai báo chính xác địa chỉ tại nơi đi, địa chỉ lưu trú tại Đà Nẵng và các thông tin liên quan để UBND các xã, phường quản lý, theo dõi tại địa phương. Trường hợp có thay đổi nơi lưu trú thì cập nhật ngay thông tin theo cách trực tuyến như trên. Mọi trường hợp khai báo thông tin sai, làm ảnh hưởng đến công tác phòng, chống dịch đều phải chịu hoàn toàn trách nhiệm trước pháp luật.

Bước 2: Tại chốt kiểm soát dịch liên ngành cửa ngõ ra, vào thành phố, sân bay, nhà ga, bến xe, bến cảng:

Công dân xuất trình mã QR đã được cấp khi đăng ký vào thành phố Đà Nẵng kèm theo Giấy tờ tùy thân và Kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 trong vòng 72 giờ kể từ khi lấy mẫu đến khi vào thành phố Đà Nẵng; di chuyển thẳng về nơi lưu trú đã đăng ký tại bước 1.

Công dân trở về Thành phố thực hiện đầy đủ quy định về phòng, chống dịch COVID-19, đặc biệt là tuân thủ quy định 5K của Bộ Y tế; không dừng đỗ tại địa phương có dịch.

Đối với công dân vào thành phố theo Kế hoạch số 168/KH-UBND ngày 25/9/2021 của UBND thành phố về việc cho phép cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh, học viên và người hỗ trợ (đi cùng) không ở trong vùng dịch được trở về thành phố Đà Nẵng (đợt 1), thực hiện theo quy định tại Hướng dẫn này (Riêng thời gian vào thành phố Đà Nẵng tại các chốt kiểm soát của các nhóm địa phương tiếp tục thực hiện theo Kế hoạch số 168/KH-UBND).

Đối với các trường hợp vào thành phố Đà Nẵng để cấp cứu do Sở Y tế hướng dẫn. Người trên phương tiện hoạt động trên “luồng xanh” vận tải toàn quốc khi vào thành phố Đà Nẵng thì thực hiện theo quy định tại Công văn số 5688/UBND-ĐTĐT ngày 03/9/2021 của Chủ tịch UBND thành phố.

Trong quá trình thực hiện, nếu có thắc mắc, kiến nghị người dân, doanh nghiệp liên hệ Tổng đài 1022 để được giải đáp.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Công dân cần thực hiện những gì để vào thành phố Đà Nẵng ?