Theo đó Chủ tịch nước đã quyết định đặc xá cho 3.763 phạm nhân đang chấp hành án phạt tù.
Sáng nay 30/9, Văn phòng Chủ tịch nước phối hợp với Bộ Công an, Tòa án nhân dân tối cao, Bộ Ngoại giao và các cơ quan có liên quan, tổ chức họp báo công bố Quyết định đặc xá của Chủ tịch nước cho những phạm nhân đang chấp hành án phạt tù và những người đang được tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù có đủ điều kiện được đặc xá theo quy định của pháp luật.
Chủ trì buổi họp báo có Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước Phạm Thanh Hà; Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Lâm, Thứ trưởng Bộ Công an; Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Đỗ Hùng Việt; Phó Chánh án Thường trực Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Trí Tuệ. Cùng dự có đại diện một số bộ, ngành liên quan cùng đông đảo phóng viên các cơ quan báo chí trong nước và nước ngoài thường trú tại Việt Nam.
Tại buổi họp báo, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước Phạm Thanh Hà công bố Quyết định đặc xá số 957/QĐ-CTN do Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Tô Lâm ký ban hành ngày 29/9/2024.
Theo đó, Chủ tịch nước quyết định đặc xá cho 3.763 phạm nhân đang chấp hành án phạt tù và 2 người đang được tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù, có đủ điều kiện được hưởng đặc xá năm 2024. Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch và các Thành viên Hội đồng tư vấn đặc xá, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.
Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước Phạm Thanh Hà cho biết, đặc xá là một trong những chế định pháp lý được quy định tại Điều 88 của Hiến pháp năm 2013, thể chế hóa bằng Luật Đặc xá năm 2018 và các văn bản pháp luật liên quan. Trong những năm qua, xuất phát từ truyền thống nhân đạo của dân tộc, Đảng và Nhà nước đã tiến hành nhiều đợt đặc xá tha tù cho những phạm nhân có quá trình cải tạo, lao động, học tập tốt, trở về với cộng đồng, xã hội.
Theo ông Phạm Thanh Hà, chính sách hình sự của Đảng và Nhà nước Việt Nam đối với những người có hành vi phạm tội là “nghiêm trị” kết hợp với “khoan hồng”. Chính vì vậy, hình phạt mà pháp luật hình sự của Việt Nam áp dụng không chỉ nhằm trừng trị những người có hành vi phạm tội mà còn nhằm cải tạo họ trở thành người có ích cho xã hội, có ý thức tuân thủ, chấp hành pháp luật và quy tắc xử sự của cuộc sống, cảnh tỉnh, ngăn ngừa họ không phạm tội mới. Mặt khác, đặc xá còn thể hiện truyền thống nhân ái, bao dung của dân tộc Việt Nam, thể hiện chính sách khoan hồng của Đảng và Nhà nước Việt Nam và tính ưu việt của Nhà nước Việt Nam đối với người phạm tội bị kết án phạt tù đã thực sự cải tạo tốt.
Việc đặc xá tha tù trước thời hạn cho những phạm nhân đang chấp hành án phạt tù, tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù có đủ điều kiện là chính sách nhân đạo của Đảng và Nhà nước. Chính sách nhân đạo đó thể hiện ở việc tạo điều kiện để những phạm nhân được đặc xá tha tù tái hòa nhập cộng đồng. Vì vậy, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Công an và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện các biện pháp, chính sách để tạo điều kiện cho những phạm nhân được đặc xá tha tù trở về nơi cư trú (gồm cả những phạm nhân được đặc xã và những phạm nhân hết hạn tù) sớm hòa nhập cộng đồng.
Thông tin cụ thể về số phạm nhân được đặc xá lần này, Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Ngọc Lâm cho biết gồm có 3.201 nam và 564 nữ. Trong đó, đáng chú ý, có 403 người phạm tội về xâm phạm trật tự quản lý kinh tế, 275 người phạm các tội về chức vụ; còn lại là 64 người phạm tội giết người, 205 người phạm các tội ma tuý, 91 người phạm tội hiếp dâm, 156 người phạm tội cuớp giật tài sản, 77 người phạm tội trộm cắp và 2.494 người phạm các tội khác.
Cũng trong quyết định đặc xá của Chủ tịch nước lần này, có 20 phạm nhân mang quốc tịch nước ngoài, trong đó có 19 nam và 1 nữ. Cụ thể, có 9 người mang quốc tịch Trung Quốc, 3 người quốc tịch Lào, 2 người quốc tịch
Campuchia, 2 người quốc tịch Hoa Kỳ, 1 người quốc tịch Nam Phi, 1 người quốc tịch Ấn Độ, 1 người quốc tịch Congo, 1 người Ireland. Trong số 20 phạm nhân được đặc xá lần này có các tội danh đa dạng, liên quan đến giết người, buôn lậu, tổ chức đánh bạc, tổ chức cho người ở lại Việt Nam phi pháp…
Sau khi được đặc xá, Bộ Ngoại giao sẽ gửi công hàm đến các cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự của các quốc gia liên quan, đề nghị phối hợp với các cơ quan chức năng của Việt Nam tiếp nhận, đón nhận những người được đặc xá, triển khai thực hiện các thủ tục liên quan để đưa những người này trở về nước hoặc đến nơi cư trú an toàn, phù hợp.