Kinh tế

Công bố quy hoạch tỉnh Hậu Giang thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050

Minh Triết 12/12/2023 - 15:03

Đến dự và phát biểu chỉ đạo tại lễ công bố quy hoạch tỉnh Hậu Giang thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 vào ngày 12/12, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang nhấn mạnh, năm 2023, tỉnh Hậu Giang đứng thứ hai cả nước về tăng trưởng GRDP và với điều kiện hiện nay, địa phương vẫn còn nhiều dư địa để phát triển nhanh hơn trong thời gian tới.

Phát biểu tại buổi lễ, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang yêu cầu tỉnh Hậu Giang cần thực hiện nghiêm túc, linh hoạt, đồng bộ; xây dựng kế hoạch, tổ chức thực hiện quy hoạch một cách hiệu quả, tạo được bước đột phá mới cho địa phương.

Bên cạnh phát triển kinh tế, tỉnh Hậu Giang cần phát huy yếu tố văn hóa làm nền tảng, động lực phát triển.

pttg-tran-lua-quang-anh-phu-khoi.jpg
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang yêu cầu tỉnh Hậu Giang cần thực hiện nghiêm túc, linh hoạt, đồng bộ; xây dựng kế hoạch, tổ chức thực hiện quy hoạch một cách hiệu quả,

“Hậu Giang là địa phương có thế mạnh về nông nghiệp, hiện nay giá cả các mặt hàng nông sản, nhất là ngành hàng lúa gạo đang ở mức cao, đây là cơ hội để tỉnh Hậu Giang tăng tốc phát triển trụ cột về nông nghiệp.

Bên cạnh đó, với điều kiện về cơ sở hạ tầng được đầu tư hoàn thiện, có 2 tuyến đường cao tốc đi qua, tỉnh Hậu Giang cũng có nhiều tiềm năng trong thu hút đầu tư phát triển 3 trụ cột còn lại là công nghiệp, đô thị và du lịch”, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang nhấn mạnh.

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang Đồng Văn Thanh, Quyết định số 1588/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, phê duyệt phạm vi ranh giới lập quy hoạch tỉnh Hậu Giang bao gồm toàn bộ tỉnh Hậu Giang.

Phía Bắc giáp TP. Cần Thơ; phía Nam giáp tỉnh Sóc Trăng và Bạc Liêu; phía Đông giáp sông Hậu, tỉnh Vĩnh Long và tỉnh Sóc Trăng; phía Tây giáp tỉnh Kiên Giang.

quy-hoach-1.jpg
Theo quy hoạch, mục tiêu đến năm 2030, Hậu Giang trở thành tỉnh công nghiệp đạt mức khá của vùng Đồng bằng sông Cửu Long

Theo quy hoạch, mục tiêu đến năm 2030, Hậu Giang trở thành tỉnh công nghiệp đạt mức khá của vùng Đồng bằng sông Cửu Long; có hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đồng bộ; có các vùng động lực về kinh tế, công nghiệp, đô thị hiện đại;

Các giá trị văn hóa, lịch sử được bảo tồn và phát huy; quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm; người dân có cuộc sống ấm no, văn minh, hạnh phúc.

Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) bình quân 8,7%/năm; GRDP bình quân đầu người (giá hiện hành) đạt trên 150 triệu đồng/năm.

Tỉ trọng trong GRDP của khu vực nông, lâm, thủy sản khoảng 14%; khu vực công nghiệp - xây dựng khoảng 40%; khu vực dịch vụ khoảng 38%; Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tăng bình quân 15%/năm; Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội thời kỳ 2021 - 2030 đạt khoảng 330 nghìn tỷ đồng. Tỷ trọng vốn đầu tư chiếm khoảng 39,5% GRDP.

Tỷ lệ đô thị hoá khoảng 37%; 100% đô thị loại V trở lên hoàn thiện tiêu chí phân loại đô thị về cơ sở hạ tầng đô thị; tỷ lệ đất giao thông trên đất xây dựng đô thị đạt trên 16%; diện tích cây xanh bình quân trên mỗi người dân đô thị đạt 8m2; hạ tầng các khu đô thị được đầu tư đồng bộ, hiện đại.

Tầm nhìn đến năm 2050, Hậu Giang là tỉnh có trình độ phát triển khá của cả nước, trung tâm sản xuất công nghiệp và logistics của vùng ĐBSCL; các lĩnh vực văn hóa, xã hội phát triển toàn diện, môi trường sống trong lành, chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu; Quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm, người dân có cuộc sống phồn vinh, văn minh, hạnh phúc.

Theo quy hoạch được duyệt, Hậu Giang sẽ thực hiện 5 đột phát chiến lược gồm: Một trung tâm (Một Tâm): Phát triển huyện Châu Thành trở thành trung tâm công nghiệp và đô thị của tỉnh.

Hai tuyến hành lang kinh tế động lực (Hai Tuyến): Phát triển 2 hành lang kinh tế động lực là cao tốc Cần Thơ - Cà Mau kết nối với TP. HCM và cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng kết nối với các tỉnh Nam Sông Hậu để hình thành hành lang kinh tế trọng điểm của tỉnh.

Ba trung tâm đô thị (Ba Thành): Phát triển nâng tầm các trung tâm đô thị của tỉnh, gồm: TP. Vị Thanh, TP. Ngã Bảy và thị xã Long Mỹ; trong đó, TP. Vị Thanh là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội của tỉnh.

Bốn trụ cột kinh tế (Bốn Trụ): Công nghiệp hiện đại, nông nghiệp sinh thái, đô thị thông minh và du lịch chất lượng.

trao-giay-chung-nhan.jpg
Tại lễ công bố quy hoạch, lãnh đạo tỉnh Hậu Giang đã trao chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đầu tư cho 12 dự án

Năm nhiệm vụ trọng tâm: Hoàn thiện thể chế, chính sách; phát triển nguồn nhân lực chất lượng phục vụ các lĩnh vực; cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh; hoàn thiện hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông và công nghiệp; phát triển văn hóa - xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân.

Tại lễ công bố quy hoạch, lãnh đạo tỉnh Hậu Giang đã trao chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đầu tư cho 12 dự án với tổng vốn đăng ký 19.000 tỷ đồng; Ký kết 8 bản ghi nhớ đầu tư với tổng mức đầu tư dự kiến 220.000 tỷ đồng và ký kết 02 biên bản ghi nhớ hợp tác đầu tư.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Công bố quy hoạch tỉnh Hậu Giang thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050