Bộ Công Thương vừa công bố kết luận xác minh liên quan đến những tố cáo, phản ánh, kiến nghị trong công tác tuyển sinh, quản lý đào tạo, bổ nhiệm sử dụng cán bộ tại trường Đại học Điện lực.
Hiệu trưởng không trực tiếp giảng dạy vẫn nhận tiền phụ cấp
Kết luận số 1723/KL-BCT (ngày 29/3/2021) của thanh tra Bộ Công Thương đã làm rõ 17 nội dung, trong đó có nhiều nội dung như sai phạm trong tuyển sinh: Sinh viên đại học chính quy không đủ điểm chuẩn đầu vào vẫn được nhập học và xét công nhận tốt nghiệp ra trường; Tuyển sinh các đối tượng tốt nghiệp Cao đẳng nghề liên thông lên trình độ Đại học năm 2011, 2012 và 6 tháng đầu năm 2013 khi chưa được cho phép của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Tuyển sinh, đào tạo vượt chi tiêu cho phép 33.591 sinh viên trong các năm 2011, 2012 và 2013; Năm 2015, nhà trường nợ gần 30 ngàn bằng tốt nghiệp đối với những sinh viên vượt chỉ tiêu không được Bộ GD&ĐT phát phôi bằng...
Trong kết luận lần này, Thanh tra Bộ Công Thương đã làm rõ thêm nhiều nội dung phản ánh mới, trong đó có việc: “Ông Trương Huy Hoàng (Hiệu trưởng trường Đh Điện lực - PV) không tham gia giảng dạy trực tiếp bất kỳ môn học nào thuộc các hệ Cao đẳng, Đại học và Sau đại học tại trường Đại học Điện lực nhưng vẫn hưởng phụ cấp thâm niên và giữ ngạch Giảng viên chính”.
Kết quả xác minh cho thấy, nội dung đơn phản ánh đúng thực tế. Thanh tra Bộ Công Thương yêu cầu ông Trương Huy Hoàng có báo cáo chi tiết việc này gửi Bộ Công Thương, đồng thời đảm bảo số giờ chuẩn trực tiếp giảng dạy trên lớp theo quy định của pháp luật.
Thanh tra cũng yêu cầu trường Đại học Điện lực rà soát, sửa đổi, ban hành mới Quy chế quy định chế độ làm việc của Giảng viên và định mức trong đào tạo theo Thông tư số 20/2020/TT-BGDĐT ngày 27/7/2020 của Bộ GD&ĐT quy định chế độ làm việc của Giảng viên cơ sở giáo dục đại học.
Truy trách nhiệm Hội đồng tuyển sinh năm 2013 - 2014
Về nội dung cố ý làm trái những quy định của Nhà nước về quản lý đào tạo, thiếu kiểm tra giám sát, buông lỏng quán lý gây hậu quả nghiêm trọng: Đối với sinh viên hệ Đại học chính quy không đủ điểm đầu vào nhưng vẫn được nhập học và xét công nhận tốt nghiệp ra trường đối với sinh viên Đại học khóa D8, D9 tuyển sinh năm 2013, 2014, Bộ Công Thương kết luận: Nội dung phản ánh đúng thực tế.
Theo đó, nội dung này đã được Bộ GD&ĐT thanh tra và kết luận. Cụ thể, theo kết luận số 109 ngày 26/9/2019 của Thanh tra Bộ GD&ĐT, có nội dung “Một số sinh viên trúng tuyển năm 2013 có điểm trúng tuyển dưới điểm chuẩn theo thông báo của Trường hoặc không có dữ liệu điểm trúng tuyển”.
Kết luận của Bộ Công Thương xác định, trách nhiệm để xảy ra thiếu sót sai phạm trong công tác tuyển sinh năm 2013, 2014 thuộc về ông Đàm Xuân Hiệp, Hiệu trưởng, Chủ tịch Hội đồng tuyển sinh (ông này đã mất năm 2015); Các thành viên thuộc Hội đồng tuyển sinh năm 2013 – 2014 (thời gian này, ông Trương Huy Hoàng là thành viên Hội đồng); Trưởng phòng Đào tạo, Phó Trưởng phòng Đào tạo phụ trách công tác tuyển sinh năm 2013 – 2014 và bộ phận tham mưu việc tiếp nhận sinh viên chuyển trường.
Tham nhũng tài sản Nhà nước trong việc tổ chức Hội nghị khoa học
Kết quả xác minh về nội dung tố cáo việc “cố ý làm trái các quy định về tài chính của Nhà nước trong việc tổ chức Hội nghị khoa học năm 2016; cấu kết với cấp dưới để tham ô, tham nhũng tài sản Nhà nước trong việc tổ chức Hội nghị khoa học năm 2016”, Bộ Công Thương nhận thấy, nội dung đơn phản ánh đúng hiện tượng. Ông Trương Huy Hoàng – Hiệu trưởng trường Đại học Điện lực có trách nhiệm trong vụ việc này, với vai trò là người đứng đầu đơn vị.
Theo đó, năm 2016, Trường Đại học Điện lực đã tổ chức Hội nghị khoa học chào mừng 50 năm thành lập trường, trong đó đã mời một số đơn vị trong và ngoài nước tham gia.
Kết luận thanh tra số 3424 ngày 13/5/2020 của Bộ Công Thương về chấp hành các quy định của Luật Phòng, chống tham nhũng… cũng đã nêu rõ, trường Đại học Điện lực đã có một số sai phạm, thiếu sót.
Theo đó: “Nội dung tố cáo bộ chứng từ thanh toán tổ chức đoàn khách nước ngoài tham dự Hội nghị khoa học không đúng thực tế là có cơ sở, cụ thể: Bộ chứng từ thanh toán tổ chức đoàn khách nước ngoài tham dự Hội nghị khoa học được thực hiện thanh toán không chặt chẽ, không thể hiện đầy đủ, chính xác và minh chứng cho sự việc thực tế xảy ra…
Trường và Công ty cổ phần Tổ chức hội nghị Việt Nam, Công ty cổ phần Du lịch và Thương mai – Vinacomin ký hợp đồng và nghiệm thu, thanh lý với tổng số tiền hơn 500 triệu đồng.
Đối chiếu, xác minh với thành phần có tên trong danh sách nghiệm thu cho thấy việc nghiệm thu, thanh lý không đúng thực tế về số lượng các cá nhân xác nhận không sử dụng dịch vụ hỗ trợ của trường, không tham gia du lịch Bái Đính – Tràng An nhưng vẫn được thanh toán theo biên bản nghiệm thu…”.
Tại thời điểm xác minh, trường Đại học Điện lực đang trong quá trình thực hiện kết luận của Bộ Công Thương, tuy nhiên tiến độ thực hiện còn chậm, chưa đầy đủ hồ sơ, tài liệu minh chứng. Hiện trường đã thành lập Hội đồng rà soát, xem xét trách nhiệm và kết luận hình thức xử lý đối với một số cá nhân liên quan.
Phê duyệt dự án không nêu rõ tiến độ và dự kiến phân bổ nguồn vốn
Về nội dung “đối với công tác quản lý đầu tư xây dựng cơ bản, Hiệu trưởng Trường Đại học Điện lực ban hành hàng loạt các Quyết định đầu tư xây dựng công trình cơ bản vượt thẩm quyền”, căn cứ hồ sơ, tài liệu thu thập và các Biên bản làm việc với các cá nhân liên quan tại thời điểm xác minh, kết quả cho thấy: “Trong giai đoạn 2016-2017, trường đã thực hiện đầu tư cho công tác sửa chữa cơ sở vật chất của Trường 26 hạng mục, 06 công trình nhà học với Tổng mức đầu tư 23.076 triệu đồng. Phê duyệt 3 dự án với tổng mức đầu tư 371.451 triệu đồng (Nhà thí nghiệm kết hợp nhà học 268.725 triệu đồng, Nhà hiệu bộ mở rộng 14.928 triệu đồng, Trung tâm thí nghiệm 87.798 triệu đồng)”.
Về trình tự ra quyết định đầu tư, báo cáo số 02 của Kiểm toán nhà nước đã chỉ ra một số tồn tại về việc Quyết định phê duyệt dự án không nêu rõ tiến độ thực hiện dự án và dự kiến phân bổ nguồn vốn như sau: “Dự án sửa chữa nhà B, E, G Cơ sở 2, dự án sửa chữa đường giao thông nội bộ, dự án trung tâm thí nghiệm, dự án Nhà hiệu bộ mở rộng” theo quy định tại Khoản 2, Điều 12, Nghị định 59/2015/NĐCP ngày 18/6/2015 của Chính phủ; phê duyệt một số gói thầu tư vấn trong cơ cấu của tổng mức đầu tư”.
Theo Kết luận thanh tra số 3424 của Bộ Công Thương: “Một số thủ tục về đầu tư còn chưa đầy đủ theo Nghị quyết 77/NQ-CP ngày 24/10/2014 của Chính phủ yêu cầu thực hiện các thủ tục theo quy định của pháp luật về đầu tư” như quy định tại Luật Đầu tư công số 49/2014/QH13; Nghị định số 16/2015/NĐ-CP quy định về cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập”.
Trách nhiệm để xảy ra sai phạm thuộc Ban Giám hiệu Nhà trường (bao gồm Hiệu trưởng và các Phó Hiệu trưởng). Yêu cầu Nhà trường thực hiện theo đúng quy định pháp luật khi ban hành các Quyết định đầu tư xây dựng công trình cơ bản và có hình thức kỷ luật đối với các cá nhân, đơn vị có sai phạm theo quy định của pháp luật.
Khai báo gian dối việc đầu tư mua trường Trung cấp Kinh tế Kỹ thuật Hồng Lam
Về nội dung “trường Đại học Điện lực đã khai báo gian dối, không trung thực về việc đầu tư mua trường Trung cấp Kinh tế Kỹ thuật Hồng Lam”, kết quả xác minh cho thấy: Năm 2011, trường Đại học Điện lực khi còn trực thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã mua trường Trung cấp Kinh tế Kỹ thuật Hồng Lam (địa chỉ tại đường Lê Viết Thuật, xã Hưng Lộc, TP Vinh, tỉnh Nghệ An).
Nhiều sai phạm trong việc đầu tư mua trường Trung cấp Kinh tế Kỹ thuật Hồng Lam của trường Đại học Điện lực đã được Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) chỉ ra trong Báo cáo kết quả kiểm soát tại trường Đại học Điện lực số 357 ngày 3/6/2014. Cụ thể: “Chưa được sự phê duyệt chấp thuận của EVN; Tiến hành thẩm định giá sau khi đã ký hợp đồng chuyển nhượng hơn 8 tháng”. Tập đoàn Điện lực Việt Nam cũng chỉ ra việc đầu tư của trường Đại học Điện lực vào trường Trung cấp Kinh tế Kỹ thuật Hồng Lam là không có hiệu quả (kết quả kinh doanh của trường Trung cấp Kinh tế Kỹ thuật Hồng Lam lỗ lũy kế hơn 4 tỷ đồng).
Báo cáo tài chính của trường Đại học Điện lực chưa hạch toán các khoản đầu tư vào trường Trung cấp Kinh tế Kỹ thuật Hông Lam theo chế độ kế toán và cũng chưa thực hiện hợp nhất Báo cáo tài chính của trường Trung cấp Kinh tế Kỹ thuật Hồng Lam vào trường Đại học Điện lực (trường Đại học Điện lực chỉ theo dõi như một khoản thanh toán công nợ).
Tại thời điểm chuyển trường Đại học Điện lực thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam về trực thuộc Bộ Công Thương quản lý theo Quyết định số 10268 ngày 24/9/2015 của Bộ Trưởng Bộ Công Thương, trường Đại học Điện lực không báo cáo Bộ Công Thương về sự tồn tại của trường Trung cấp Kinh tế Kỹ thuật Hồng Lam.
Ngày 11/9/2019, Phòng 4 - Cục Cảnh sát kinh tế, Bộ Công an đã làm việc với trường Đại học Điện lực về việc chuyển nhượng trường Trung cấp Kinh tế Kỹ thuật Hồng Lam. Đến thời điểm xác minh, Bộ Công thương đang chờ Cục Cảnh sát kinh tế thông báo kết luận vụ việc.
Kết luận của Bộ Công thương cũng nêu rõ, ông Trương Huy Hoàng, Hiệu trưởng trường Đại học Điện lực không công khai rộng rãi các Kết luận Thanh tra đến cán bộ viên chức, người lao động trong trường. Trường cũng không cung cấp được các văn bản công khai kết quả việc thực hiện các Kết luận Thanh tra và kế hoạch thực hiện các Kết luận Thanh tra theo quy định.
Ngoài ra, dù nhiều cá nhân bị xử lý khiển trách vào năm 2017 theo Kết luận Thanh tra nhưng ông Trương Huy Hoàng vẫn ban hành quyết định công nhận kết quả đánh giá phân loại viên chức năm 2017, 2018 ở mức “hoàn thành nhiệm vụ” đến “hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ”, trong đó có ông Nguyễn Lê Cường, Trưởng khoa điện tử viễn thông bị kỷ luật bằng hình thức khiển trách tháng 2/2017 vì đã vi phạm thực hiện nghĩa vụ của viên chức (tháng 7/2019, ông Nguyễn Lê Cường được bổ nhiệm làm phó hiệu trưởng).