Công an Hà Nội vào cuộc điều tra vụ ngộ độc pate Minh Chay

Gia Anh| 03/09/2020 14:48
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Ngày 3/9, Công an TP Hà Nội cho biết, Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường và Cơ quan cảnh sát điều tra đã vào cuộc điều tra và làm việc với công ty cung cấp sản phẩm pate Minh Chay.

Quá trình xác minh, cơ quan chức năng đã thu thập thông tin về số người mua pate và những trường hợp có dấu hiệu bị ngộ độc nghi do sử dụng loại thực phẩm này.

Ngoài ra, sau khi làm việc và kiểm tra cơ sở sản xuất sản phẩm pate Minh Chay, cơ quan chức năng cũng thu thập được một số tài liệu và sản phẩm liên quan để phục vụ việc xác minh, điều tra.

Hiện Công an Hà Nội đã xác định có 9 trường hợp, gồm 2 người ở Hà Nội và 7 ca ở TP.HCM có dấu hiệu ngộ độc.

Công an Hà Nội vào cuộc điều tra vụ ngộ độc pate Minh Chay

Công an TP Hà Nội đã vào cuộc điều tra vụ ngộ độc pate Minh Chay

Trước đó, Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế trước đó có văn bản gửi Cơ quan cảnh sát điều tra, Công an Hà Nội, đề nghị điều tra, xử lý vụ việc pate Minh Chay của Công ty TNHH hai thành viên Lối sống mới gây ngộ độc cho một số người, với những tổn thương nặng nề và kéo dài,

Công ty TNHH Hai thành viên Lối sống mới (có địa chỉ tại số nhà 53, tổ 2, thị trấn Đông Anh, huyện Đông Anh, TP Hà Nội) là chủ thương hiệu pate Minh Chay cùng nhiều sản phẩm chay khác.

Cục An toàn thực phẩm cho biết, trong vòng 1 tháng từ 17/7 - 18/8 đã có 9 bệnh nhân phải nhập viện ở cả Hà Nội và TP.HCM do ăn pate Minh Chay có nhiễm độc tố Botulinum.

Đến nay, con số này lên tới trên 20 người, nhiều người phải thở máy, bị liệt cơ, yếu cơ, khó nói, khó nuốt... Tại TP.HCM, cơ quan chức năng xác định được 1.300 người mua pate Minh Chay nhưng tới nay mới thu hồi được 103 hộp. Số còn lại đang tiếp tục được liên hệ để cảnh báo và thu hồi.

Theo luật sư Đặng Văn Cường (Đoàn luật sư Hà Nội) nhận định cơ quan công an sẽ làm rõ nguồn gốc nguyên liệu chế biến sản phẩm pate Minh Chay. Kết quả điều tra sẽ kết luận thực phẩm có đảm bảo vệ sinh an toàn hay không, quá trình chế biến, bảo quản, vận chuyển được thực hiện như thế nào.

"Nếu cơ quan chức năng tìm ra dấu hiệu tội phạm thì có thể khởi tố vụ án hình sự theo điều 317 Bộ luật hình sự 2015", luật sư Cường nhìn nhận.

Sau khi khởi tố vụ án, cơ quan công an sẽ tiếp tục làm rõ vai trò của các cá nhân, tổ chức liên quan việc cung cấp thực phẩm gây ngộ độc để khởi tố bị can.

Luật sư Cường nói: "Để xem xét xử lý hình sự đối với các cá nhân đơn vị, tổ chức kinh doanh thực phẩm thì cơ quan tố tụng phải chứng minh cơ sở này có hành vi vi phạm pháp luật, vi phạm các quy định về vệ sinh, an toàn thực phẩm và hậu quả gây thiệt hại đến tính mạng hoặc sức khỏe của người tiêu dùng".

Về khắc phục hậu quả, luật sư cho rằng Công ty TNHH Hai thành viên Lối Sống Mới phải bồi thường toàn bộ chi phí điều trị, phục hồi sức khỏe và thiệt hại về thu nhập, tinh thần của các bệnh nhân bị ngộ độc do sử dụng sản phẩm pate Minh Chay.

Theo Bệnh viện Bạch Mai, thuốc giải độc có giá 8.000 USD (tương đương 190 triệu đồng) mỗi liều.

Điều 317 Bộ luật hình sự năm 2015:

Người thực hiện hành vi vi phạm quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự là người đã thực hiện một trong các hành vi vi phạm các quy định về an toàn thực phẩm, bao gồm:

- Sử dụng chất cấm trong sản xuất, sơ chế, chế biến, bảo quản thực phẩm hoặc bán, cung cấp thực phẩm mà biết rõ là thực phẩm có sử dụng chất cấm;

- Sử dụng hóa chất, kháng sinh, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật cẩm sử dụng trong trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, làm muối, sơ chế, chế biến, bảo quàn nông, lâm, thủy sản và muối tạo ra dư lượng vượt ngưỡng cho phép trong sản phẩm;

- Sử dụng các loại hóa chất, kháng sinh, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, chất xử lý cải tạo môi trường ngoài danh mục được phép sử dụng hoặc không rõ nguồn gốc xuất xứ hoặc không đúng quy định trong sản xuất, sơ chế, chế biến, bảo quản thực phẩm trong trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, làm muối tạo ra dư lượng vượt ngưỡng cho phép trong sản phẩm hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi tại điểm này hoặc điểm a khoản này mà còn vi phạm;

- Chế biến, cung cấp hoặc bán thực phẩm mà biết rõ là thực phẩm không bảo đảm quy chuẩn kỹ thuật, quy định về an toàn thực phẩm; sử dụng hóa chất, phụ gia, chất hỗ trợ chế biến ngoài danh mục được phép sử dụng hoặc không rõ nguồn gốc xuất xứ trong sản xuất, sơ chế, chế biến, bao quản thực phẩm.

Những hành vi vi phạm pháp luật nêu trên phải gây ra hậu quả nghiêm trọng thì mới bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Nếu hậu quả chưa được xác định là nghiêm trọng thì chỉ bị xử phạt hành chính.

Theo quy định của pháp luật thì hậu quả được xác định là nghiêm trọng khi xảy ra một trong các tình huống sau đây: Gây tổn hại cho sức khỏe của 1 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60% hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 2 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 31% đến 60% hoặc thu lợi bất chính từ 50 - 100 triệu đồng. Ngoài ra, hậu quả chết người cũng là hậu quả được xác định là nghiêm trọng.

 

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Công an Hà Nội vào cuộc điều tra vụ ngộ độc pate Minh Chay