Những âm thanh của tiếng thở dài đóng vai trò thiết yếu, giúp phổi của chúng ta hoạt động hiệu quả.
Các nhà nghiên cứu thuộc Đại học California, Los Angeles (Mỹ) và Đại học Stanford cho biết: Mỗi giờ đồng hồ, con người thở dài khoảng 12 lần, tức là cứ 5 phút một lần. Nhưng âm thanh của tiếng thở dài không nhất thiết là dấu hiệu của sự mệt mỏi hay buồn bực. Trên thực tế, thở dài là một phản xạ duy trì sự sống, ngăn các túi khí trong phổi ( còn gọi là phế nang) bị xẹp.
Theo nghiên cứu, phổi người có diện tích bề mặt lớn ngang một sân tennisvà tất cả được gấp gọn lại trong lồng ngực nhờ sự tồn tại của 500 triệu túi khí nhỏ gọi là phế nang. Mỗi phế nang có dạng hình cầu nhỏ đường kính khoảng 0,2mm.
Thở dài đóng vai trò thiết yếu, giúp phổi của chúng ta hoạt động hiệu quả
Các phế nang bảo đảm cho khí oxy có thể đi lẫn vào máu dễ dàng qua màng phổi. Nếu các phế nang bị xẹp, phần bề mặt đó của phổi không thể trao đổi khí được nữa. Nói cách khác, nếu con người không thể thở dài, phế nang sẽ không phồng lại như cũ và phổi sẽ không hoạt động.
Chính vì vậy, cách duy nhất để phế nang lại nở ra chính là hít một hơi sâu và con người có xu hướng làm điều này mỗi 5 phút một lần.
Thở dài không nhất thiết phải là một hơi thở ra có âm thanh lớn như khi bạn bực tức hay trút được gánh nặng.
Tuy nhiên, những tiếng thở dài thực tế lại có liên quan đến cảm xúc theo một cách khác, bởi tỷ lệ thở dài tăng lên khi ai đó đang gặp căng thẳng.
Hít thở sâu giúp bạn cảm thấy thư thái và dễ tập trung vào những công việc tiếp theo
Các nhà khoa học cũng cho biết thở dài không chỉ tốt cho phổi, mà nó cũng có lợi cho hệ thần kinh. Thêm oxy sẽ nuôi dưỡng và tăng cường não, tủy sống và tất cả các dây thần kinh lan truyền khắp cơ thể.
Đồng thời sau một hơi thở dài sẽ làm chúng ta tập chung tốt hơn, vì cuộc sống thường gây áp lực và chúng ta luôn tìm cách để thư giãn đầu óc. Hít thở sâu giúp bạn cảm thấy thư thái và dễ tập trung vào những công việc tiếp theo.