Khi trẻ mắc sốt xuất huyết (SXH) thay vì đưa trẻ đến bệnh viện kiểm tra, nhiều bà mẹ lại có thói quen mua thuốc cho trẻ theo đơn thuốc hoặc bài thuốc chưa qua kiểm chứng trên mạng xã hội.
Những ngày qua, dịch SXH đang có dấu hiệu gia tăng, khi số bệnh nhân nhập viện ngày càng đông, trong đó, có khá nhiều trẻ em. Tuy nhiên, ngoài việc tuân thủ việc điều trị cho bé theo hướng dẫn của bác sĩ, có không ít bậc cha mẹ tự ý điều trị cho con tại nhà.
Hà Nội hiện đang là trung tâm của dịch SXH khu vực phía Bắc với hơn 13.000 ca mắc từ đầu năm tới nay. Hiện nay, do thiếu kiến thức về bệnh SXH nên nhiều phụ huynh thường mua thuốc hạ sốt cho con em mình uống nhiều lần mà không đưa đến cơ sở y tế để khám. Điều này không chỉ khiến cho bệnh nặng hơn mà còn dễ chuyển sang các triệu chứng nguy hiểm khác như: hôn mê, chảy máu cam và tụt huyết áp.
Điều trị SXH ở trẻ em không đúng cách sẽ làm cho bệnh ngày một trở nặng hơn
Gia đình chị Phạm Hương T. (Quan Nhân, Thanh Xuân, Hà Nội) vừa trải qua giai đoạn khủng hoảng khi con trai phải nằm viện điều trị nửa tháng vì bệnh SXH.
Chị T. kể lại: “Tôi thấy con bị xuất hiện nốt ban đỏ trên da liền lên một nhóm của các bà mẹ nuôi con nhỏ trên facebook xem có bài thuốc dân gian nào trị bệnh không. Một chị khuyên mua loại thuốc tiêu ban lộ về cho bé uống. Tôi nghe lời và đặt mua từ chị ấy, nhưng khi chồng mở nắp lọ thuốc cho bé uống thì phát hiện thuốc dành cho trẻ trên 3 tuổi, trong khi con tôi mới gần 2 tuổi".
"Chồng không hài lòng và gọi taxi một mình đưa con vào Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương để được các bác sĩ thăm khám thì cháu đã bị SXH, phải nằm viện điều trị”, chị T. kể lại.
Một trường hợp khác như chị Nguyễn Thị M., khi thấy con lên cơn sốt, cứ nghĩ là do trời chuyển mưa, lại thường đau vặt như mọi khi nên ra quầy thuốc để mua thuốc hạ sốt về cho con uống. “Tuy nhiên, bệnh cháu không giảm mà liên tục sốt cao. Gia đình hốt hoảng đem vào bệnh viện thì được thông báo là cháu bị SXH. Các bác sĩ cũng đã khuyến cáo là tuyệt đối không được uống thuốc khi không có sự chỉ định của bác sĩ”.
BS Nguyễn Thái Minh - Trưởng khoa Truyền nhiễm, BV Đống Đa (Hà Nội) cho hay, bệnh nhân SXH thường sốt cao 39 - 40 độ C, nên người nhà luôn tìm cách giảm sốt cấp tốc, nhất là đối với trẻ nhỏ. Tuy nhiên, bệnh này sốt do virus, nên nhiệt độ hạ xong lại tiếp tục tăng cao. Do đó, người bệnh chỉ nên dùng thuốc giảm sốt theo đúng chỉ định của bác sĩ 4-5 lần/ngày, 5-6 giờ/lần. Nếu sử dụng thuốc hạ sốt quá liều liên tục sẽ dẫn đến tổn thương gan.
Không chỉ có SXH, nhiều bà mẹ lại lên mạng để tìm kiếm thông tin rồi tự lấy đơn thuốc, các chia sẻ trên mạng về để chữa cho con
Thực tế, tình trạng chữa bệnh cho con bằng thông tin truyền miệng hoặc bằng "bác sĩ mạng" đang trở thành trào lưu đặc biệt của chị em văn phòng, các bà mẹ trẻ. Khi thấy con có biểu hiện bệnh, nhiều bậc cha mẹ vội vàng liên hệ với các y sĩ mình quen để “chủ động” xin truyền dịch cho con dù không có chỉ định. Có người khi được can ngăn còn “dỗi” để đi nơi khác "cầu cứu".
Một điều vô cùng nguy hiểm là phụ huynh thường tự ý mua kháng sinh sử dụng cho con, nhưng với bệnh SXH do virus gây ra, dùng kháng sinh không khỏi bệnh. Bệnh SXH cũng dễ bị chẩn đoán nhầm sang các bệnh lý khác do viêm nhiễm nào đó gây nên vì vậy, các bậc cha mẹ tuyệt đối không được tư kê đơn, bắt bệnh cho con mình.
TS.BS Đỗ Duy Cường - Trưởng khoa Truyền nhiễm (BV Bạch Mai) cho biết, thời gian qua, các bác sĩ đã gặp nhiều trường hợp bệnh nhân SXH nhập viện trong tình trạng nặng, có những ca bệnh trong tình trạng suy thận và tổn thương gan do nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân xuất phát từ những sai lầm trong điều trị căn bệnh này như: Tự ý sử dụng thuốc hạ sốt và hạ sốt dồn dập; Hạ sốt bằng aspirin và ibuprofen gây tình trạng chảy máu trầm trọng hơn, có thể xuất huyết dạ dày dữ dội, nguy hiểm đến tính mạng; Truyền dịch tại nhà có thể dẫn đến phù nề, suy hô hấp; Dùng kháng sinh trị SXH…
“Những bệnh nhân bị biến chứng nặng do tự chữa sốt xuất huyết ở nhà, sau đó mới đến bệnh viện gây rất nhiều khó khăn khi điều trị. Ví dụ như những trường hợp: xuất huyết nội tạng, chảy máu, mất máu không cầm được hoặc bị sốc do bệnh đã ở giai đoạn nặng mà không phát hiện kịp thời”, BS Cường nói.