Ký sự pháp đình

Cơn giận chặn đứng tương lai

Trang Trần 06/11/2023 - 17:16

Sau cái tát của bị hại, cơn giận của Vi Văn Đức như thể dầu châm vào lửa, hành động rút dao rồi đâm vào người nạn nhân cũng vì thế mà dứt khoát. Tưởng rằng, vào Đà Nẵng để quên đi quá khứ, để làm lại cuộc đời…, nhưng rồi sau cơn giận, Đức tiếp tục với những tháng ngày “ăn cơm tù mặc áo số”.

Vi Văn Đức (SN 1998, trú huyện Kỳ Sơn, Nghệ An) là người dân tộc Thái. Đức sinh ra và lớn lên tại bản Khe Nằn, xã Chiêu Lưu. Gia đình thuộc hộ nghèo tại địa phương, nên Đức chỉ học đến lớp 7 rồi bỏ ngang. Nghỉ học sớm, không bằng cấp, con đường tìm việc của Đức cũng vì vậy mà khó khăn hơn so với các bạn cùng trang lứa.

Cuộc sống khó khăn, thứ gì cũng cần đến tiền mà tiền lại là thứ Vi Văn Đức không có. Đức càng vùng vẫy, càng muốn thoát thì cái vòng luẩn quẩn nghèo khó ấy lại càng thít chặt. Thất vọng, chán nản, bế tắc, đó cũng là một trong những lý do Đức dùng để lý giải cho việc tụm năm tụm bảy, rượu chè để rồi đẩy mình vào con đường lao lý vì ma túy trước kia.

19 tháng tù về tội “Tàng trữ trái phép chất ma túy” không phải là dài nhưng đã khiến Vi Văn Đức tự nhủ với lòng mình, chỉ một lần là quá đủ. Sau khi chấp hành án xong, Đức quyết tâm làm lại cuộc đời, đồng thời lựa chọn rời quê vào Đà Nẵng kiếm sống.

Được sự động viên của những người bạn đồng hương, Đức chịu khó làm rất nhiều việc, từ công nhân bốc vác, xây dựng, phụ hồ… việc gì cũng cố gắng hết mình. Sai lầm trong quá khứ đang được Vi Văn Đức gói ghém gọn gàng, quyết tâm làm lại cuộc đời, xây dựng tương lai đang được Đức vạch ra rõ nét.

Đúng là, ở đời không ai biết được chữ ngờ, người tính chẳng bằng trời tính. Mọi dự định của Đức chỉ vì một cơn giận mà tan tành, thứ mà cả đời này Đức không muốn bao giờ lặp lại vậy mà đến quá nhanh. Đức một lần nữa vào tù.

duc-1.jpg
Vi Văn Đức không ngờ rằng, tương lai của mình chỉ vì nóng giận mà phải trả giá.

Lần này, Đức phạm tội “Giết người” với hành vi phạm tội có tính chất côn đồ. Vụ việc đáng tiếc xảy ra vào chiều ngày 28/12/2021. Sau khi Vi Văn Đức uống rượu cùng với Vi Văn Hùng (SN 1998, trú huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An) tại nhà trọ, Đức nhờ anh Võ Văn Quân (SN 1990, trú huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị) chở Đức và Hùng đến công trường của Quân đang làm tại đường Nguyễn Tất Thành ngủ lại để hôm sau làm công với Quân.

Trên đường đi, Đức và Hùng dừng lại ở dọc bờ kè đường Nguyễn Tất Thành đi vệ sinh. Đức thấy một con dao nên nhặt bỏ vào túi áo khoác. Sau đó, cả ba tiếp tục di chuyển về lán trại của Quốc.

Khi đi ngang qua công trường của anh Phạm Đình Thái (SN 1989, trú huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An) - là người trước đây Đức làm công nhân tại công trình thu gom nước thải đường Nguyễn Tất Thành, TP. Đà Nẵng do Thái làm chủ), Đức nói Quân dừng xe để Đức vào gặp Thái lấy tiền công thợ mà Thái còn nợ Đức.

Khi đến nơi, Đức gặp Vi Văn Niệm (SN 1987, trú huyện Phú Thiện, tỉnh Gia Lai - là công nhân của Thái) gây sự. Thấy vậy, Thái đề nghị Đức “đi ra khỏi chỗ làm, không đánh nhau ở đây”, sau đó Đức có chửi thề Thái.

Lời nói qua về tưởng chừng bình thường nhưng dưới chất xúc tác của bia rượu thì câu nào cũng thấy chói tai. Và rồi, cái tát của Thái dán lên mặt Đức thực sự đẩy cơn thịnh nộ của một người vốn có men cay đang chế ngự như Đức dâng lên đỉnh điểm, lấy đi chút lí trí còn sót lại cuối cùng của Đức lúc ấy.

Sau câu nói “Mày muốn chết không” của Đức, con dao trong túi áo cũng rút ra, liền sau đó đâm một nhát trúng vào ngực trái của anh Thái, gây ra tỷ lệ tổn thương cơ thể của Thái là 54%. Cho đến khi giật mình bừng tỉnh, tất cả đối với Đức đều đã đi quá xa.

Tại tòa, khi HĐXX hỏi lý do vì sao đâm anh Thái, Đức trả lời ngắn gọn là vì… quá tức giận. “Bị cáo đến hỏi tiền công của mình đã không được tiền còn bị đánh. Nếu như anh Thái không đánh bị cáo, chắc chắn bị cáo không đâm…”, Đức trả lời HĐXX.

“Gia đình bị cáo nghèo lắm, mẹ bỏ nhà đi qua Trung Quốc không một tin tức. Không muốn cha khổ nên bị cáo đã rất chăm chỉ kiếm tiền. Bị cáo có cực khổ nhiều hơn chút nữa cũng không sao, miễn lo được cho bản thân, phụ cha ở quê thêm chút mắm muối là bị cáo chịu đựng được hết. Chỉ là, bây giờ…”. Đúng như câu nói Vi Văn Đức bỏ lửng đầy tiếc nuối, “chỉ là, bây giờ…”, Đức đã không còn cơ hội để thực hiện nó.

Trong vụ án này, người bị hại cũng có một phần lỗi. Nếu như, anh Thái không cố chấp đến cùng với Đức khi biết Đức đã uống rượu bia thì có lẽ Đức không phải đau khổ khi nghĩ đến người cha ở quê và lời nói đầy day dứt “chỉ là, bây giờ…”.

Nếu như, anh Thái cũng cảm thông, thấu hiểu như cái cách Đức đã thấu hiểu, cảm thông với anh vì món nợ tiền công đến nay chưa nhận, có lẽ mọi thứ đã hoàn toàn khác. Vậy mới nói, dù ở vào hoàn cảnh nào, một khi đã thốt lên hai chữ “nếu như” thì chắc chắn thực tế đã thất bại đến thảm hại.

Đức phải trả giá cho hành vi thiếu kiểm soát của mình bằng mức án 12 năm tù về tội “Giết người”. Những tưởng, “vệt đen” trong quá khứ của Đức sẽ được xếp sâu vào ký ức nhưng cuối cùng nó lại lần nữa được tô đậm thêm hơn rất nhiều.

(Tên bị hại và những người liên quan đã được thay đổi)

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cơn giận chặn đứng tương lai