Giao dịch ở nhóm cổ phiếu Bất động sản tiếp tục sôi động và tích cực hơn so với mặt bằng chung của thị trường.
XU HƯỚNG CHỈ SỐ CỔ PHIẾU NGÀNH BẤT ĐỘNG SẢN
Đang hồi phục trở lại sau đợt giảm khá mạnh. Giao dịch ở nhóm cổ phiếu Bất động sản diễn ra khá giằng co trong tuần qua với dòng tiền đầu cơ xoay vòng giữa các cổ phiếu trong nhóm. Điều này giúp giao dịch ở nhóm cổ phiếu Bất động sản tiếp tục sôi động và tích cực hơn so với mặt bằng chung của thị trường.
Theo đó, khối lượng khớp lệnh trung bình phiên của ngành đạt 15.4 triệu đơn vị, tăng mạnh 17.3% so với tuần trước. Chỉ số ngành Bất động sản tăng nhẹ 0.19%, tích cực hơn so với xu hướng chung của thị trường trong tuần qua.
Chỉ số ngành Bất động sản đã có đợt tăng kéo dài từ đầu tháng 09/2013 và tạo đỉnh vào tháng 03/2014. Tổng mức tăng trong giai đoạn này khá ấn tượng lên đến 59%. Điều này khiến cho Bất động sản trở thành một trong những ngành đáng chú ý nhất trên thị trường trong giai đoạn này.
Nhóm cổ phiếu Bất động sản đã hồi phục phần nào sau đợt giảm khá mạnh kéo dài đến giữa tháng 05. Về mặt kỹ thuật, hiện chỉ số cổ phiếu nhóm này đang liên tục test ngưỡng Fibonacci Retracement 38.2% (tương đương vùng 58 – 59) nhưng vẫn chưa phá vỡ được ngưỡng này.
Những mẫu hình nến có bóng mờ (shadow) dài xuất hiện nhiều cho thấy chỉ số nhóm ngành Bất động sản đang giằng co rất mạnh. Bên cạnh đó, thanh khoản yếu đi trong phiên cuối tuần vừa qua và xuống dưới mức trung bình 20 phiên (tương đương 13.9 triệu đơn vị) cho thấy quan điểm thận trọng của giới đầu tư vẫn còn.
Chỉ số ngành Bất động sản đang đứng ở mốc 57.37. Đường SMA 100 và ngưỡng Fibonacci Retracement 50.0% (tương đương vùng 54 – 55.5) sẽ đóng vai trò hỗ trợ nếu chỉ số sụt giảm trở lại trong thời gian tới.
Tương quan mạnh với thị trường. Xét toàn bộ lịch sử thì chỉ số ngành Bất động sản tương quan ở mức khá với các chỉ số thị trường, với các hệ số tương quan với VN-Index và HNX-Index lần lượt là 0.787 và 0.795.
Tuy nhiên, từ đầu năm 2014 đến nay, mức độ tương quan của chỉ số ngành Bất động sản và thị trường ngày càng chặt chẽ hơn với hệ số tương quan với VN-Index và HNX-Index lần lượt là 0.92 và 0.98. Từ đầu tháng 01 đến giữa tháng 03/2014, VS-Real Estate tăng rất mạnh và là một trong những chỉ số ngành tăng mạnh nhất; còn từ giữa tháng 03/2014 đến đầu tháng 05/2014 thì chỉ số này cũng thuộc nhóm giảm mạnh nhất trên thị trường.
MỘT SỐ CỔ PHIẾU ĐÁNG CHÚ Ý
NLG: Khối lượng khớp lệnh của NLG đã có sự cải thiện đáng kể trong ngắn hạn và tăng trưởng khá đều. Khối lượng khớp lệnh đã vượt qua mức trung bình 20 phiên gần nhất (tương đương 41,000 đơn vị) nên khả năng bứt phá đang được cải thiện.
Các mẫu hình nến xanh đỏ xuất hiện xen kẽ trong các phiên giao dịch gần đây cho thấy xu hướng chưa rõ ràng trong ngắn hạn. Trendline trung hạn (tương đương vùng 16,500 – 17,500) hiện đang đóng vai trò hỗ trợ rất tốt mỗi khi có điều chỉnh mạnh xảy ra.
Khuyến nghị: Nhà đầu tư có thể tiếp tục mua vào tại vùng giá hỗ trợ 16,500 – 17,500; với quan điểm cần nhanh chóng thoát trạng thái nếu thị trường diễn biến bi quan và vùng hỗ trợ này bị xuyên thủng.
HQC: Các mẫu hình nến có bóng mờ (shadow) dài xuất hiện nhiều trong các phiên giao dịch gần đây cho thấy tâm lý nhà đầu tư đang giằng co mạnh trong ngắn hạn. EMA 20 (tương đương vùng 7,100 – 7,300) hiện đang đóng vai trò hỗ trợ rất tốt mỗi khi có điều chỉnh xảy ra.
Khối lượng khớp lệnh sụt giảm đột ngột trong 3 phiên giao dịch gần đây cho thấy lực cầu không ổn định. Bên cạnh đó, phân kỳ giá xuống của Stochastic Oscillator cũng báo hiệu khả năng sụt giảm đang tăng lên.
Khuyến nghị: Nhà đầu tư có thể cân nhắc bán ra khi giá test lại ngưỡng kháng cự Fibonacci Retracement 61.8% (tương đương vùng 7,800 – 8,300).
VIC: Giá đã xuyên thủng SMA 100 (tương đương vùng 70,000 - 72,500) nên xu hướng dài hạn thiếu tích cực. Đường SMA100 này sẽ là ngưỡng kháng cự khi giá phục hồi trở lại trong các phiên tới.
Thanh khoản gia tăng và ở bên trên mức bình quân 20 phiên gần nhất (tương đương 580,000 đơn vị) trong phiên 20/6/2014. Điều này cho thấy lực cầu đang trở lại.
Khuyến nghị: Nhà đầu tư ngắn hạn có thể xem xét mua quanh vùng 63,000 – 66,500 (đáy cũ tháng 10/2013), với quan điểm cần nhanh chóng bán ra nếu giá phá vỡ vùng này.
FLC: Small Candle xuất hiện nhiều trong các phiên gần đây cho thấy động lực phục hồi đang có tín hiệu chững lại trong ngắn hạn. Thanh khoản thiếu ổn định và đang ở dưới mức trung bình 20 phiên gần nhất (tương đương 11.3 triệu đơn vị/phiên) trong phiên ngày 23/06/2014 cho thấy nhà đầu tư đang giao dịch khá thận trọng.
Giá đang duy trì bên dưới đường SMA100 nên ngưỡng này sẽ là kháng cự mạnh trong thời gian tới.
Khuyến nghị: Nhà đầu tư có thể đẩy mạnh bán ra khi giá hồi phục trở lại vùng 11,300 – 11,500 (tương đương SMA100). Vùng bắt đáy là vùng 7,800 – 8,400 (đáy cũ tháng 01/2014), với quan điểm cần bán ra nhanh chóng nếu giá xuyên thủng vùng này.
Như vậy, chỉ số ngành Bất động sản cũng như các cổ phiếu của ngành bất động sản nhìn chung đều đang có xu hướng ngắn hạn khá tích cực nhưng đang test lại các ngưỡng kỹ thuật quan trọng. Vì vậy, khả năng có hiện tượng giằng co mạnh trong thời gian tới là khá cao.
Nguyễn Quang Minh (Phòng Nghiên cứu Vietstock)