Trong khi DBC, CTD và VIP được các Công ty chứng khoán (CTCK) đưa ra khuyến nghị có thể mua hoặc nắm giữ thì NBP lại thuộc diện ưu tiên bán trong cả ngắn và dài hạn.
DBC: Mua mạnh!
CTCK Ngân hàng ĐT & PT Việt Nam (BSI) cho biết Tập Đoàn Dabaco Việt Nam (HNX: DBC) là một trong 10 doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi lớn nhất Việt Nam. Sản xuất thức ăn chăn nuôi chiếm tỉ trọng cao nhất trong cơ cấu doanh thu của công ty (62% năm 2013). Công ty chiếm khoảng 20% thị phần tiêu thụ thức ăn chăn nuôi tại miền Bắc và miền Trung. DBC hiện có 4 nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi với tổng công suất khoảng 520,000 tấn/năm và nhiều thương hiệu được tin dùng như Dabaco, Topfeeds, Nasaco, Khangti Vina và Kinh Bắc.
Năm 2014, công ty đặt kế hoạch tiêu thụ 398,000 tấn, tăng 15.27% so với sản lượng tiêu thụ năm 2013, dự kiến đóng góp hơn 60% doanh thu toàn công ty. Mục tiêu doanh thu đạt 8,256 tỉ đồng (trong đó khoảng 30% là doanh thu nội bộ và chưa tính đến doanh thu bất động sản), lợi nhuận trước thuế và sau thuế lần lượt là 266 tỉ đồng và 210 tỉ đồng.
Ở mức độ thận trọng, BSI dự báo doanh thu năm 2014 của DBC đạt 5,039 tỉ đồng, tăng 7% so với năm 2013, lợi nhuận sau thuế đạt 219 tỉ đồng (tương đương EPS khoảng 3,500 đồng).
Theo BSI, DBC là công ty thức ăn chăn nuôi lớn nhất niêm yết trên sàn với các hệ số định giá khá hấp dẫn, P/B nhỏ hơn 1 và P/E đang ở mức 7.5 lần. Kết quả kinh doanh năm 2014 được dự báo khả quan nhờ giá nguyên liệu và chi phí lãi vay giảm. BSI khuyến nghị mua mạnh cổ phiếu DBC với giá kỳ vọng 12 tháng tới là 30,400 đồng.
Xem báo cáo chi tiết
CTD: Nắm giữ có mục tiêu 70,100 đồng
Theo CTCK MayBank Kim Eng (MBKE), năm 2013, CTCP Xây dựng Cotec (HOSE: CTD) ghi nhận tăng trưởng cao trong năm 2013 nhờ hợp nhất kết quả kinh doanh từ công ty con Unicons (nắm giữ 51.2%) từ quý 2/2013. Nếu so sánh kết quả kinh doanh 2013 của Công ty mẹ với kết quả kinh doanh 2012 (khi chưa hợp nhất Unicons) thì doanh thu và lợi nhuận sau thuế chỉ tăng 7% so với cùng kỳ.
Tuy nhiên, MBKE cho rằng hiệu ứng từ việc hợp nhất sẽ không còn trong năm nay do công ty không tiếp tục thực hiện việc nâng tỷ lệ sở hữu để hợp nhất công ty liên kết còn lại là CTCP Đầu tư xây dựng Phú Hưng Gia do không thoả thuận được về giá.
MBKE cho rằng tăng trưởng nội tại của CTD trong thời gian tới sẽ khá tích cực do (1) sự hồi phục của ngành xây dựng; (2) khả năng thắng thầu nhờ vị thế và năng lực của công ty. Công ty đã liên tục ký được nhiều hợp đồng từ 2013 đến nay. MBKE dự báo, lợi nhuận ròng của CTD tăng khoảng 10% trong năm 2014. Cổ phiếu CTD đang giao dịch ở P/E kỳ vọng 2014 là 9,4x, khá hợp lý so với trung bình ngành 13x. Do đó, nhà đầu tư có thể tiếp tục nắm giữ CTD với giá mục tiêu 70,100 đồng.
Xem báo cáo chi tiết
VIP: Giá cổ phiếu thấp
CTCK Bản Việt (VCSC) cho rằng CTCP Vận tải xăng dầu Vipco (HOSE: VIP) hoạt động trong lĩnh vực vận chuyển dầu là một lĩnh vực ổn định. Trong chi phí hoạt động của một con tàu, chi phí bảo trì và khấu hao là lớn nhất. Thông thường, một tàu chở dầu được khấu hao trong 15 năm và mang lại hiệu quả kinh tế đến 30 năm. Sau khi các tàu chở dầu này được khấu hao xong và các khoản nợ liên quan được thanh toán hết, các tàu chở dầu có thể hoạt động thêm 15 năm, với biên lợi nhuận trước thuế được cải thiện, lên đến trên 20%.
Bên cạnh đó, các tàu chở dầu của VIP vận chuyển dầu từ nước ngoài sang các cảng dầu của Petrolimex. Các tàu này cũng vận chuyển dầu từ Nhà máy lọc dầu Dung Quất sang các cảng dầu khác trong nước. Trong năm 2014, Nhà máy lọc dầu Dung Quất sẽ tạm ngưng hoạt động để bảo trì, nhưng điều này sẽ không ảnh hưởng đến lợi nhuận của các tàu. Lý do là vì VIP ký hợp đồng thuê tàu định hạn với Petrolimex.
Theo VCSC, giá trị doanh nghiệp/EBITDA của VIP hiện giao dịch tại mức 5.8 lần, trong khi mức trung bình ngành là 7.9 lần. Điều đó có nghĩa là tiềm năng tăng trưởng lớn. So với các công ty cùng ngành, VIP bị đánh giá thấp hơn nhiều so với giá trị thực. Từ ngày 31/12/3013 đến nay, giá cổ phiếu VIP tăng mạnh từ 10,800 đồng lên 15,500 đồng, EV/EBITDA có điều chỉnh tăng 4.3 lần lên 5.2. Nếu giá cổ phiếu VIP hợp lý, EV/EBITDA sẽ là 7-8 lần.
Xem báo cáo chi tiết
NBP: Bán do tiềm năng tăng trưởng thấp
Theo CTCK FPT (FPTS), công nghệ lỗi thời và quy mô sản xuất nhỏ khiến CTCP Nhiệt điện Ninh Bình (HNX: NBP) trở thành 1 trong các doanh nghiệp điện có giá vốn sản xuất cao so với các nhà máy sản xuất điện bằng than trong ngành, gây bất lợi cho NBP trong ký kết hợp đồng sản lượng bán điện cho EVN và giao bán điện trên thị trường phát điện cạnh tranh.
Chi phí nguyên liệu than chiếm 80% giá thành sản xuất khiến NBP chịu ảnh hưởng lớn từ rủi ro tăng giá than. NBP chủ trương thay thế các thiết bị với dự án 160 triệu USD từ năm 2015-2018 sử dụng vốn tự có khiến dòng tiền của doanh nghiệp này sẽ giảm mạnh trong thời gian tới.
Theo đó, tiềm năng tăng trưởng của doanh nghiệp ở mức thấp do sản lượng sản xuất và tiêu thụ có xu hướng giảm dần, dẫn đến sự suy giảm về hiệu quả về quy mô. Triển vọng năm 2014: sản lượng điện thương phẩm dự kiến sẽ giảm khi EVN chỉ cam kết mua khoảng hơn 400 triệu kWh, so với mức 500 triệu kWh năm 2013. Trong khi đó, sản lượng điện giao bán trên thị trường cạnh tranh thấp do mức giá giao bán cao nên FPTS ước tính sản lượng năm nay chỉ đạt khoảng 520 triệu kWh. Doanh thu ước đạt khoảng 800 tỷ đồng, giảm 8% so với năm trước. Lợi nhuận sau thuế ước khoảng 24 tỷ đồng, tương đương với EPS khoảng 1,900 đồng.
Noài ra, NBP có tính thanh khoản tương đối thấp do số lượng cổ phiếu lưu hành thực tế nhỏ so với quy mô toàn thị trường. Do đó, FPTS đưa ra khuyến nghị bán với mã cổ phiếu này trong ngắn hạn và dài hạn do mức giá hiện tại thấp so với mức 15,800 đồng mà FPTS ước tính theo phương pháp chiết khấu dòng tiền.
Xem báo cáo chi tiết
Sanh Tín tổng hợp
-----------------------------------------
Khuyến nghị mua bán cổ phiếu của các công ty chứng khoán được trích dẫn lại có giá trị như một nguồn thông tin để nhà đầu tư tham khảo cho các quyết định đầu tư. Các khuyến nghị này có thể có những xung đột lợi ích với nhà đầu tư.