Theo kế hoạch cổ phần hóa giai đoạn 2017 – 2020 được Chính phủ phê duyệt, số doanh nghiệp Nhà nước còn phải thực hiện cổ phần hóa trong năm 2020 lên tới 92/128 doanh nghiệp.
9 DN được phê duyệt phương án cổ phần hóa
Thông tin tại Họp báo chuyên đề về "Tình hình tài chính, kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh năm 2018; Kết quả tái cơ cấu, CPH doanh nghiệp nhà nước năm 2019", ông Đặng Quyết Tiến, Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính) cho biết, Trong năm 2019 có 09 doanh nghiệp được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án cổ phần hóa, tuy nhiên trong đó chỉ có 03 doanh nghiệp thuộc danh mục các doanh nghiệp cổ phần hóa theo công văn số 991/TTg-ĐMDN (02 DN) và Quyết định số 26/2019/QĐ-TTg (01 DN).
Lũy kế giai đoạn 2016 – 2019, đã có 168 doanh nghiệp được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án cổ phần hóa với tổng giá trị doanh nghiệp là 443.056 tỷ đồng, trong đó giá trị vốn nhà nước là 206.694 tỷ đồng. Tuy nhiên trong 168 doanh nghiệp đã cổ phần hóa chỉ có 36/168 doanh nghiệp cổ phần hóa thuộc danh mục 128 doanh nghiệp cổ phần hóa theo công văn số 991/TTg-ĐMDN và Quyết định số 26/2019/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ (đạt 28% kế hoạch), số doanh nghiệp còn phải thực hiện cổ phần hóa theo kế hoạch tính đến hết năm 2020 là 92 doanh nghiệp.
”Như vậy, số doanh nghiệp còn phải thực hiện cổ phần hóa theo kế hoạch tính đến hết năm 2020 còn đến 92 doanh nghiệp. Điều này cho thấy tiến độ cổ phần hóa các doanh nghiệp còn rất chậm, không đạt được kế hoạch đề ra,” ông Tiến nói.
Ảnh minh họa
Theo ông Đặng Quyết Tiến, nhiều đơn vị còn tồn nhiều DN thuộc danh sách phải thực hiện CPH, trong đó có hai thành phố lớn là Hà Nội và TP.HCM chiếm tới 54% số DN trong danh mục nhưng thời gian qua vẫn "án binh bất động".
Cụ thể, TP Hà Nội còn phải CPH 13 DN (4 tổng công ty), chiếm 14% kế hoạch. TPHCM CPH 38 DN (11 tổng công ty), chiếm 40% kế hoạch. Ủy ban quản lý vốn nhà nước tại DN CPH 6 DN (3 tập đoàn, 3 tổng công ty). Bộ Công thương CPH 4 DN (3 tổng công ty). Bộ Xây dựng CPH 2 tổng công ty.
Danh sách các đơn vị vướng mắc số lượng lớn doanh nghiệp và phải cổ phần hóa vào năm 2020, đứng đầu là Thành phố Hồ Chí Minh có 38 doanh nghiệp (trong đó có 11 tổng công ty), chiếm 40% kế hoạch, tiếp đến là thành phố Hà Nội với 13 doanh nghiệp (trong đó có 4 tổng công ty), chiếm 14% kế hoạch. Ngoài ra, Ủy ban quản lý vốn Nhà nước (SCIC) có 6 doanh nghiệp (trong đó có 3 tập đoàn và 3 tổng công ty), Bộ Công Thương cổ phần hóa còn 4 doanh nghiệp (trong đó có 3 tổng công ty) và Bộ Xây dựng là 2 Tổng công ty.
Thoái vốn cũng chậm
Theo Báo cáo của Bộ Tài chính, năm 2019, các doanh nghiệp đã thoái 2.687 tỷ đồng vốn Nhà nước và thu về 5.098 tỷ đồng. Lũy kế tổng giá trị vốn Nhà nước đã thoái (từ năm 2016 – năm 2019) là 24.769 tỷ đồng, thu về cho ngân sách là 171.072 tỷ đồng.
Riêng tại Quyết định số 1232/QĐ-TTg (ngày 17/8/2017) của Thủ tướng Chính phủ, kế hoạch các doanh nghiệp có vốn Nhà nước sẽ phải thoái khoảng 60.000 tỷ đồng, trong giai đoạn 2017 – 2020. Nhưng, việc thực hiện tại năm 2019 chỉ đạt 13 doanh nghiệp với giá trị vốn thoái 896 tỷ đồng và thu về ngân sách 1.839 tỷ đồng. Tính lũy kế từ năm 2017 – năm 2019, cả nước chỉ có 92 doanh nghiệp hiện thoái vốn với giá trị 4.704 tỷ đồng, thu về 8.964 tỷ đồng.
Từ kết quả thực tế cho thấy việc triển khai thoái vốn Nhà nước theo Quyết định số 1232/QĐ-TTg chỉ đạt 7,8% kế hoạch đề ra.
Báo cáo của Bộ Tài chính cũng chỉ ra những đơn vị chậm thoái vốn với giá trị lớn thuộc về Bộ Công Thương, tại Tổng công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam. Trong khi đó, Bộ Giao thông Vận tải cũng phải tiếp tục thoái 30,4% vốn Nhà nước tại Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam và 35,16% vốn Nhà nước tại Tổng công ty Hàng không Việt Nam. Bên cạnh đó, Bộ Xây dựng còn phải thoái vốn tại 8/11 tổng công ty cổ phần và thành phố Hà Nội tại 31/34 doanh nghiệp...
Theo Đại diện Cục Tài chính doanh nghiệp, một trong những nguyên nhân của tình trạng cổ phần hóa chậm là việc một số bộ, ngành, địa phương, tập đoàn kinh tế, tổng công ty Nhà nước chưa thực sự nghiêm túc triển khai kế hoạch cổ phần hóa, thoái vốn, cơ cấu lại doanh nghiệp Nhà nước theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ cũng như chấp hành chế độ báo cáo. Điều này cho thấy vai trò, nhận thức và trách nhiệm của người đứng đầu doanh nghiệp của các đơn vị trên còn chưa cao, thiếu sự quyết liệt trong việc “đổi mới hoạt động của doanh nghiệp, công khai minh bạch, đúng quy định pháp luật, đảm bảo nguyên tắc thị trường, chống lợi ích nhóm” trong cổ phần hóa và thoái vốn Nhà nước.
Theo ông Đặng Quyết Tiến, Bộ Tài chính là cơ quan quản lý nhà nước về tài chính, ban hành các chính sách tài chính, chỉ có thể phát hiện những người, doanh nghiệp không chấp hành quy định và đề xuất xử phạt, Bộ Tài chính có nhiệm vụ theo dõi, giám sát chặt chẽ và công bố danh sách những DN chậm thoái vốn, không có quyền xử phạt. Quyền xử phạt theo quy định là quyền của Chính phủ và Chính phủ đã giao Bộ Nội vụ. Ông Tiến cũng cho hay, thời gian tới, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục cùng các bộ, ngành, địa phương thường xuyên cảnh báo các đại diện chủ sở hữu trong việc chậm thoái vốn, cổ phần hóa theo đúng quy định pháp luật.