Xin hỏi những đối tượng nào sẽ được tăng lương từ 1/7? Có phải tất cả mọi người lao động làm việc tại các Công ty, doanh nghiệp được tăng lương hay không?
Hỏi: Qua các phương tiện thông tin đại chúng tôi được biết, theo Nghị định 38, từ ngày 1/7 lương tối thiểu vùng tăng 6%, tương đương 180.000 đến 260.000 đồng lần lượt mỗi vùng. Vậy, những đối tượng nào sẽ được tăng lương tối thiểu vùng? Những đối tượng này có bao gồm mọi người lao động làm việc tại các doanh nghiệp được tăng lương hay không? Tôi làm công nhân cho một công ty chuyên về linh kiện điện tử có thuộc trong những đối tượng tăng lương không? Trường hợp công ty không tăng lương thì tôi cần phải làm gì?
Nguyễn Thùy Linh (Thái Nguyên)
Trả lời:
Tăng lương tối thiểu vùng là một trong các quy định được người lao động đặc biệt quan tâm sau khi Chính phủ ban hành Nghị định số 38/2022/NĐ-CP ngày 12/6/2022 quy định về mức lương tối thiểu đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động. Theo đó, kể từ ngày 01/7/2022, mức lương tối thiểu vùng được tăng thêm 6% so với mức lương tối thiểu hiện hành.
Đối tượng được tăng lương từ ngày 01/7/2022:
Theo quy định tại Điều 2 Nghị định số 38/2022/NĐ-CP ngày 12/6/2022 của Chính phủ, đối tượng được tăng lương tối thiểu vùng là người lao động làm việc theo Hợp đồng lao động theo quy định của BLLĐ năm 2019. Cụ thể, các đối tượng được tăng lương bao gồm 02 nhóm đối tượng sau:
Nhóm 1: Người lao động làm việc theo hợp đồng lao động theo quy định của BLLĐ 2019 có mức lương tối thiểu vùng thấp hơn mức lương tối thiểu vùng quy định tại Nghị định số 38/2022/NĐ-CP ngày 12/6/2022.
Theo quy định tại Khoản 2 Điều 90 BLLĐ 2019 thì mức lương theo công việc hoặc chức danh không được thấp hơn mức lương tối thiểu. Do đó, trường hợp người lao động đang làm việc theo hợp đồng lao động được trả lương thấp hơn mức lương tối thiểu quy định tại Nghị định số 38/2022/NĐ-CP thì kể từ ngày 01/7/2022, mức lương tối thiểu vùng được tăng thêm 6%.
Nhóm 2: Người lao động làm việc theo hợp đồng lao động có mức lương tối thiểu bằng hoặc cao hơn mức lương tối thiểu vùng được tăng lương trong trường hợp người sử dụng lao động xem xét tăng lương phù hợp với thang bảng lương của công ty hoặc hai bên có thỏa thuận thỏa thuận về việc tăng lương hoặc để phù hợp với quy định, quy chế của doanh nghiệp.
Trường hợp này, việc tăng lương không phải là nghĩa vụ bắt buộc của người sử dụng lao động. Người lao động chỉ được xem xét tăng lương khi Quy chế của doanh nghiệp có quy định hoặc người lao động và người sử dụng lao động có thỏa thuận về việc tăng lương thì có thể xem xét tăng theo mức tăng quy định tại Nghị định số 38/2019/NĐ-CP.
Áp dụng đối với trường hợp của bạn là người lao động làm việc trong công ty về linh kiện điện tử nếu có mức lương tối thiểu vùng thấp hơn mức lương tối thiểu vùng quy định tại Nghị định số 38/2022/NĐ-CP của Chính phủ thì mức lương kể từ ngày 01/7/2022 được tăng thêm 6%.
Mức lương chi tiết đối với từng vùng như sau:
Theo quy định tại Điều 3 Nghị định số 38/2022/NĐ-CP của Chính phủ, mức lương tối thiểu đối với từng vùng như sau:
Vùng Mức lương tối thiểu tháng (Đơn vị: đồng/tháng) Mức lương tối thiểu giờ |
(Đơn vị: đồng/giờ) |
|
Vùng I |
4.680.000 |
22.500 |
Vùng II |
4.160.000 |
20.000 |
Vùng III |
3.640.000 |
17.500 |
Vùng IV |
3.250.000 |
15.600 |
Xử lý đối với trường hợp người sử dụng lao động không tăng lương tối thiểu vùng theo Nghị định 38/2022/NĐ-CP.
Khoản 3 Điều 17 Nghị định 12/2022/NĐ-CP ngày 17/01/2022 của Chính phủ quy định trường hợp người sử dụng lao động trả lương thấp hơn mức lương tối thiểu do Chính phủ quy định thì bị xử phạt như sau:
a) Từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với vi phạm từ 01 người đến 10 người lao động;
b) Từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với vi phạm từ 11 người đến 50 người lao động;
c) Từ 50.000.000 đồng đến 75.000.000 đồng đối với vi phạm từ 51 người lao động trở lên.
Theo quy định nêu trên, trong trường hợp công ty không trả lương cho bạn theo mức lương tối thiểu vùng mà Chính phủ quy định từ ngày 01/7/2022 thì sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính tương đương với mức độ vi phạm quy định tại Khoản 3 Điều 17 Nghị định số 12/2022/NĐ-CP.
Ngoài ra, doanh nghiệp phải thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả buộc phải trả đủ tiền lương cộng với một khoản tiền lãi của số tiền trả thiếu cho người lao động. Mức lãi suất được tính theo lãi tiền gửi không kỳ hạn cao nhất của các ngân hàng thương mại nhà nước công bố tại thời điểm xử phạt.