Cố nghệ sĩ Hồ Kiểng trong ký ức đạo diễn Nguyễn Vinh Sơn

Hoàng Dung| 12/04/2013 13:57
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Chúng tôi đã có cuộc trò chuyện cùng đạo diễn Nguyễn Vinh Sơn để nhắc về những kỷ niệm với NSƯT Hồ Kiểng.

Có lẽ chúng ta nên bắt đầu từ ký ức của chú về nghệ sĩ Hồ Kiểng?

Đạo diễn Nguyễn Vinh Sơn: Với tôi, chú Hồ Kiểng là một người rất đặc biệt về ngoại hình, tính cách, tài năng lẫn tâm hồn. Lần đầu tiên thấy ông trên màn ảnh là khi ông đóng vai lão chủ tiệm cầm đồ trong phim “Con thú tật nguyền” của đạo diễn Hồ Quang Minh. Tôi ấn tượng mãi vai diễn này. Dù chỉ kéo dài vài phút, đạo diễn lại chỉ cho phép ông lấp ló khuôn mặt sau ô cửa quầy cầm đồ. Vậy mà, với động tác ngước mặt lên dò hỏi, đôi mắt nheo lại đầy nghi ngờ, lông mày xếch lên vẻ tính toán, miệng nhếch lên vài câu đối đáp, ông đã tạo cho nhân vật chính đang đứng trước quầy cầm đồ một tình huống bi hài đầy kịch tính.

Hồ Kiểng là vậy, thường nặng về những vai quái quái, phản diện một chút, có lẽ là do ngoại hình của ông mang lại. Nếu xét về hình thể, ta có thể nghĩ: trời sinh Hồ Kiểng ra không phải để đóng phim. Nhưng rồi, ông đã biến vóc dáng nhỏ bé, khuôn mặt góc cạnh đầy ranh mãnh, dáng điệu còm cõi của mình thành những vai diễn độc đáo. Hồ Kiểng có nét diễn vừa bi vừa hài rất lạ. Nó không chỉ làm cho người ta khóc hoặc cười như diễn bi hoặc hài đơn thuần mà tạo nên kịch tính khiến người xem vừa khóc vừa cười. Ông thực sự là bậc thầy của nét diễn bi hài. Không chỉ có cách diễn hình thể độc đáo mà cách thể hiện cơ mặt của ông cũng rất biểu cảm và rất duyên, đặc biệt cặp mắt của ông rất sống động – điều mà rất nhiều diễn viên ngày nay không có được.

Tuy nhiên, tôi lại thích ông hóa thân vào những vai chân chất hơn, vì nó đúng với con người thật của ông nên trong bộ phim đầu tay “Tuổi thơ dữ dội”, tôi mời ông vào vai một lão nông. Có thể nói rằng, những vai diễn, dù chỉ là vai phụ nhưng nếu một diễn viên khác đóng, nó sẽ trôi tuột đi còn Hồ Kiểng sẽ thu hút và khiến người xem nhớ mãi bởi cách nói, cách diễn của ông.

Đó có phải là lý do mà đến “Đất Phương Nam”, chú tiếp tục mời ông tham gia và dành riêng cho ông khoảng trống để ông tỏa sáng?

Tôi rất mừng vì vai Ba Ngù trong “Đất Phương Nam” đã tận dụng được 10/10 khả năng của ông. Đó là một sự hợp tác chặt chẽ giữa diễn viên, đạo diễn và người viết kịch bản. Nếu không có Hồ Kiểng sẽ không có vai đó, bởi ông chính là hình mẫu để tôi xây dựng nhân vật Ba Ngù. Hồ Kiểng có tài hò vè, đọc ca dao, hát cải lương, ứng đối rất hay và duyên nhưng nó chỉ được ông sử dụng chơi chứ chưa được đưa vào film. Thế là, lúc bắt tay vào viết kịch bản, tôi nhắm đến ông và bắt đầu tạo dựng nhân vật. Lúc ấy, tôi viết, còn ông ngồi kế bên và bắt đầu hò vè để tôi chọn ra những câu phù hợp với từng cảnh quay. Có khi ông hò đến hai mươi câu mà tôi vẫn chưa chọn được câu nào, ông vẫn kiên trì ngồi với tôi để chọn cho được câu phù hợp.

Dù đã tìm hiểu và tiếp xúc nhiều với ông, nhưng trong lúc ghi hình, tôi mới nhận ra sức mạnh tinh anh sáng lên trong đôi mắt mờ đục của ông. Cảnh ông Ba Ngù ngồi bên đống lửa kể cho chú bé An hoàn cảnh cô đơn của mình, đôi mắt ông thoát chốc lung linh nỗi buồn sâu kín. Hoặc khi say xỉn kể chuyện quân giặc giết chết vợ con, mắt ông bừng lên nỗi căm hờn quyết tử. Tôi nghĩ, nếu lúc đó đặt vào tay ông một con dao thay vì chai rượu, hẳn cảnh quay sẽ thấy hình dáng một chiến sĩ nông dân quả cảm. Nhưng không, Ba Ngù – Hồ Kiểng không thể là một nhân vật anh hùng chính kịch, nhân vật Ba Ngù chỉ thích hợp với vẻ bi hài của diễn viên Hồ Kiểng. Bây giờ, Hồ Kiểng mất rồi, tìm được một diễn viên như vậy, hiếm lắm! (chú Sơn rơm rớm nước mắt).

Cố nghệ sĩ Hồ Kiểng trong ký ức đạo diễn Nguyễn Vinh Sơn

Đạo diễn Nguyễn Vinh Sơn

Tài năng như thế nhưng tại sao nghệ sĩ Hồ Kiểng lại không có được một vai chính nào trong suốt sự nghiệp?

Có rất nhiều nguyên nhân, mà trước hết tôi nghĩ một phần do lỗi của những người làm phim. Họ bị đóng khung bởi những mẫu anh hùng oai phong, lẫm liệt, trẻ tuổi để tạo nên một thế giới phim giả đánh lừa người xem. Và cả người xem cũng vậy, họ chấp bị lôi kéo bởi những cái đẹp hào nhoáng của những nhà làm phim. Mà Hồ Kiểng thì làm sao phù hợp với những vai như thế? Muốn khai thác vai chính để Hồ Kiểng phát huy tài năng cần có một sự dài hơi, cần có những kịch bản, những nhân vật miêu tả cuộc sống thực thì mới có đất diễn cho ông.

Tức là có một sự mâu thuẫn giữa phim nghệ thuật và phim thị trường, nhưng đấy không phải chỉ là vấn đề của riêng nước ta?

Đúng! Nhưng ở nước ngoài, họ có một lượng khán giả xem phim nghệ thuật nhất định. Nhà làm phim không nhờ vào đó để giàu có nhưng cũng đủ để bù đắp lại các chi phí. Thông thường, những bộ phim như thế có chi phí không cao, như “Amour” (Người tình – bộ phim của Pháp đoạt giải Quả cầu vàng 2013 cho phim xuất sắc nhất – kể về cuộc sống của một đôi vợ chồng già – PV) chẳng hạn mà vẫn làm xúc động người xem. Còn ở nước mình, con số khán giả chưa đủ an toàn để các nhà đầu tư dám bỏ tiền ra.

Trong quá trình làm việc với nghệ sĩ Hồ Kiểng, hẳn chú có rất nhiều kỷ niệm với ông?

Hồ Kiểng là người rất đáng quý, tôi nghĩ không chỉ tôi mà còn có rất nhiều người công nhận điều ấy. Là một diễn viên lâu năm, lại lớn tuổi nên ông có những ưu đãi riêng khi theo đoàn làm phim nhưng ông không bao giờ đòi hỏi điều gì để đoàn phim phải đáp ứng. Ngược lại, ông rất gần gũi với anh em. Ông là người rất nhiệt tình trong vai diễn. Vai Ba Ngù trong “Đất Phương Nam” rất cực. Riêng phần hóa trang không cũng đã mất 3 tiếng. Mỗi lần vào vai, ông luôn dậy rất sớm để chuẩn bị, không để ai phải chờ, phải đợi. Thêm nữa, ông là người hay mua vui cho đoàn bằng những câu hò, bài thơ trào lộng. Giữa những lúc căng thẳng trên trường quay, sự hài hước của ông làm mọi người cảm thấy vui vẻ.

Vậy còn trong cuộc sống, ông là người như thế nào?

Ông nghệ sĩ lắm! Ông không tranh giành, không đòi hỏi bất cứ đãi ngộ gì cho mình, ngay cả danh hiệu được phong tặng. Chuyện cơm áo gạo tiền, ông cũng thoát tục, không áp lực lắm. Lúc nào tôi cũng thấy ông lạc quan, vui vẻ. Có những lúc buồn phiền, ông lại làm thơ, kể chuyện tiếu lâm để giãi bày chứ không hề than phiền. Chẳng hạn, căn phòng ông ở trên đường Cao Thắng (vốn là nơi đặt máy phát điện của đài truyền hình) không có nhà vệ sinh. Mỗi lần muốn “giải quyết” nhu cầu, ông phải đi nhờ bên Công an phường! Thế là ông làm bài thơ “Hơn sáu mươi tuổi vẫn ỉa bô…” tự trào.

Câu chuyện của nghệ sĩ Hồ Kiểng khiến tôi nghĩ đến việc nhiều nghệ sĩ vẫn chưa có được sự quan tâm đúng mức trong khi năng và sự đóng góp của họ cho nghệ thuật là không hề nhỏ.

Đúng là vậy! Ở cá nhân người nghệ sĩ, đó chính là sự tự trọng về con người, nghề nghiệp và thái độ sống. Mặt khác, chính sách đãi ngộ của ta vẫn còn nhiều thiếu sót nên đôi khi họ bị “bỏ lọt”. Đơn cử như việc xét duyệt trao tặng danh hiệu thôi, đòi hỏi họ phải đi cửa này, cửa kia, khó khăn và vất vả trong khi cống hiến của họ thì quá rõ ràng. Vì thế, họ thà chịu đựng còn hơn đi xin xỏ, cậy nhờ.

Xin cảm ơn đạo diễn Nguyễn Vinh Sơn về cuộc trò chuyện này.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cố nghệ sĩ Hồ Kiểng trong ký ức đạo diễn Nguyễn Vinh Sơn