Có nên coi người nghiện ma túy là bệnh nhân?

Mai Thoa| 25/03/2021 13:49
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Dự thảo Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi) được Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 11. Có nhiều nội dung bất cập của dự thảo luật được các ĐBQH chỉ ra tại phiên thảo luận chiều 24/3.

Bất cập hai loại cơ sở cai nghiện ma túy

Thảo luận tại hội trường, đại biểu Nguyễn Mạnh Cường - Quảng Bình cho biết, việc lập hồ sơ cai nghiện ma túy bắt buộc đối với người từ 12 đến dưới 18 tuổi quy định tại Điều 34 dự thảo luật đang có nhiều bất cập. Khi đưa trẻ em, người chưa thành niên đi cai nghiện thì rất cần phải có ý kiến của cha, mẹ và người giám hộ trong hồ sơ để bảo vệ quyền lợi của trẻ em, tuy nhiên trong hồ sơ đề nghị quy định tại điểm d khoản 1 Điều 34 chưa thấy có nội dung này.

manh-cuong.jpg
Đại biểu Nguyễn Mạnh Cường- Quảng Bình

Theo dự thảo thì cha, mẹ, người giám hộ chỉ được đọc hồ sơ khi hồ sơ đã lập xong, tôi đề nghị bổ sung trong hồ sơ đề nghị phải có ý kiến của cha mẹ và người giám hộ tại điểm d khoản 1 Điều 34, quy định này cũng tương tự như hồ sơ đưa người chưa thành niên vào trường giáo dưỡng đã được quy định tại Luật Xử lý vi phạm hành chính.

Về cơ sở cai nghiện ma túy, theo quy định của dự thảo luật có 2 loại cơ sở cai nghiện ma túy là cơ sở công lập và cơ sở tự nguyện. Tuy nhiên, theo đại biểu có mấy vấn đề đặt ra:

Thứ nhất là, đối với cơ sở công lập, dự thảo quy định phải có các khu dành riêng cho người chưa thành niên, người mắc bệnh truyền nhiễm, người gây rối; có phòng riêng cho nam,…nhưng đối với cơ sở tự nguyện thì lại không đặt ra các yêu cầu này, như vậy là điểm bất hợp lý. Chẳng nhẽ đối với các cơ sở tự nguyện thì không cần những yêu cầu này sao, vì vậy cần cân nhắc, đại biểu nêu ý kiến.

Về chấp hành hình phạt tù đối với người từ đủ 14 tuổi đến dưới 18 tuổi đang cai nghiện ma túy bắt buộc, tại Điều 39 quy định "người từ đủ 14 tuổi đến dưới 18 tuổi đang cai nghiện ma túy bắt buộc mà bị phát hiện thực hiện hành vi phạm tội trước hoặc trong thời gian chấp hành quyết định cai nghiện ma túy bắt buộc và bị Tòa án xử phạt tù thì được miễn chấp hành thời gian còn lại trong quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc".

Theo đại biểu, đối với người bị phạt tù và phải thi hành án trong trại giam thì theo quy định trại giam sẽ phải áp dụng hình thức cai nghiện phù hợp cho họ. Tuy nhiên, đối với người tuy bị tuyên phạt tù nhưng được hưởng án treo thì theo quy định này họ cũng được miễn chấp hành cai nghiện thì tôi cho rằng như vậy mục đích cai nghiện ma túy không đạt được. Vì vậy, đề nghị phải quy định rõ là "bị Tòa án xử phạt tù nhưng không được hưởng án treo" thì trong trường hợp đó mới được miễn chấp hành thời gian còn lại trong quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, đại biểu Cường đề nghị.

Có nên coi người nghiện là bệnh nhân?

Cũng tại phiên thảo luận, đại biểu Nguyễn Hữu Cầu - Nghệ An nêu: Khảo sát thực tiễn thấy rằng, gần 8.900 người nghiện ma túy có hồ sơ kiểm soát tại Nghệ An, thì 100% số người nghiện này là sử dụng trái phép chất ma túy dẫn đến nghiện. Tôi cũng dám chắc rằng, ở nước ta với gần 230.000 người nghiện có hồ sơ kiểm soát thì 100% người sử dụng trái phép chất ma túy là nghiện.

Câu hỏi đặt ra, là có ai sử dụng hợp pháp chất ma túy, thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần mà bị nghiện và thống kê vào danh sách này không? Thực tiễn là không có trường hợp nào. Tôi đã có cuộc khảo sát tại Bệnh viện U bướu và Trung tâm Chăm sóc thương binh nặng tại Nghệ An, các bác sĩ cho biết, có một số bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối, những thương binh nặng thường xuyên phải sử dụng morphin giảm đau, gây nghiện, họ có xu hướng tăng liệu và xuất hiện hội chứng nghiện.

huu-cau.jpg
Đại biểu Nguyễn Hữu Cầu-Nghệ An

Tuy nhiên, không ai gọi những người này là người nghiện ma túy cả. Như vậy, chỉ có những trường hợp nào sử dụng trái phép chất ma túy, thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần và bị lệ thuộc vào các chất này mới gọi là người nghiện. Mặt khác, các biện pháp cai nghiện ma túy quy định tại Chương V của dự thảo luật, cùng tập trung cai nghiện cho những người nghiện, do sử dụng trái phép chất ma túy.

Từ sự phân tích trên, đại biểu đề nghị thêm 2 từ "trái phép" vào khái niệm người nghiện ma túy và viết lại như sau: "Người nghiện ma túy là người sử dụng trái phép chất ma túy, thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần và bị lệ thuộc vào các chất này". Như vậy mới chính xác và phù hợp với đối tượng mà chúng ta cần phải phòng, chống trong luật này; mới phù hợp với khái niệm cai nghiện ma túy quy định tại khoản 13 Điều 2 và phù hợp với khoản 1 Điều 27, xác định tình trạng nghiện ma túy quy định trong dự thảo luật.

Tiếp đến là về quan điểm, thái độ của cơ quan lập pháp đối với người nghiện ma túy. Trong dự thảo luật không thể hiện rõ nhưng trong các báo cáo thẩm định của các Ủy ban tại kỳ họp thứ 10 và trong nhận thức của nhiều đại biểu Quốc hội vẫn cho rằng coi người nghiện ma túy là người bệnh để chữa trị cho họ.

Xuất phát từ nhận thức đó, tại kỳ họp thứ 10, một số ý kiến cho rằng người nghiện trái phép chất ma túy mới là người vi phạm pháp luật, còn người nghiện ma túy phải coi họ là bệnh nhân, họ không vi phạm pháp luật.

Cũng vin vào quan điểm này, trong thực tiễn, đã có một số người nghiện đòi hỏi được hưởng các quyền và nghĩa vụ của người bệnh quy định tại Chương II Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2011. Họ cho rằng trung tâm cai nghiện ma túy không phải là hình thức tổ chức và cơ sở khám, chữa bệnh theo Luật Khám chữa bệnh hiện hành. Từ đó gây khó khăn cho các cơ quan chức năng trong quá trình quản lý và làm tốt tư tưởng cho người nghiện, đại biểu nhân định và cho rằng, quan điểm và nhận thức như trên là không phù hợp và không đúng với thực tiễn chúng ta đang làm.

Mặt khác, như tôi đã phân tích trên, 100% người nghiện ma túy chúng ta đang có hồ sơ kiểm soát là do họ sử dụng trái phép chất ma túy. Do đó, người nghiện ma túy là người vi phạm pháp luật và chính vì hành vi vi phạm pháp luật của họ nên ta mới áp dụng biện pháp xử lý hành chính bắt buộc đưa vào cơ sở cai nghiện.

Từ phân tích trên, đại biểu đề nghị Quốc hội khẳng định rõ quan điểm này trong luật để thống nhất thực hiện. Đồng thời, đề nghị bổ sung vào khoản 5 Điều 3 quy định về chính sách của nhà nước về phòng, chống ma túy và viết lại như sau: "Người sử dụng trái phép chất ma túy, người nghiện ma túy là người có hành vi vi phạm pháp luật cần phải được quản lý chặt chẽ và tổ chức cai nghiện cho họ, khuyến khích người nghiện ma túy tự nguyện cai nghiện, khuyến khích cá nhân, gia đình, cơ quan, tổ chức tham gia hỗ trợ hoạt động cai nghiện và quản lý người nghiện".

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Có nên coi người nghiện ma túy là bệnh nhân?