Phó Đại sứ Israel chia sẻ: “Các bộ môn chính được giảng dạy cho học sinh chiếm khoảng 75% thời gian, 25% thời gian còn lại thiết kế riêng phù hợp với học sinh từng trường”.
80% các trường của Israel là công lập
Tại Hội thảo “Phát triển mô hình đào tạo khởi nghiệp từ giáo dục phổ thông” dưới sự chủ trì của BK- Holdings – Đại học Bách khoa Hà Nội phối hợp cùng Trung tâm hỗ trợ và phát triển thanh niên Hà Nội (Hanoi ADC) – Thành đoàn Hà Nội và Junior Startup Vietnam tổ chức. Nhiều người tham dự đã được lắng nghe những chia sẻ về cách giáo dục cũng như hướng nghiệp cho học sinh và sinh viên ở Israel.
Toàn cảnh Hội thảo.
Theo chia sẻ của ông Doron Lebovich, Phó Đại sứ Israel tại Việt Nam cho biết 80% các trường của Israel là công lập, được chính phủ hỗ trợ hoàn toàn về vốn. Các bộ môn chính được giảng dạy cho học sinh chiếm khoảng 75% thời gian, 25% thời gian còn lại thiết kế riêng phù hợp với học sinh từng trường, giáo viên được phép thiết kế bài giảng của riêng mình.
Các trường xây dựng các khóa học thực tiễn để đưa vào giảng dạy. “Đặc biệt ở Israel, chúng tôi tập trung vàogiáo dục Stem (Khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học) từ mẫu giáo cho đến đại học", ông Doron Lebovich nói.
Đối với cấp mẫu giáo có những bài học về khoa học siêu nhỏ như chạm tới bầu trời. Lớn hơn cho học sinh vào phòng thí nghiệm để trải nghiệm thực tiễn. Đồng thời kết hợp với các công ty lớn để cho học sinh, sinh viên trải nghiệm.
Học sinh từ 15-18 tuổi được trải nghiệm trại hè sáng tạo bằng tiếng Anh. Chúng tôi cũng khuyến khích các em yêu thích khoa học công nghệ bằng cách cho các em tham gia các CLB khoa học, tham gia trải nghiệm ở các công viên khoa học.
Ông Doron Lebovich cho biết thêm: “Israel có hệ thống giáo dục độc đáo, đóng vai trò là một mảnh đất màu mở cho đổi mới sáng tạo và cho các khởi nghiệp các điều kiện tốt để phát triển. Ở Israel có một sự gắn kết chặt chẽ giữa chính phủ, các trường, và các doanh nghiệp cá nhân”.
“Các doanh nghiệp cá nhân được chính phủ hỗ trợ vốn để kết hợp với các trường để đưa lý thuyết vào thực tế trong quá trình học tập của học sinh, sinh viên”, ông Doron Lebovich nói thêm.
Ảnh minh họa.
Việt Nam: thừa cử nhân, thạc sỹ – thiếu nhân lực chất lượng cao
Cũng tại Hội thảo, bà Đoàn Bích Ngọc – phó giám đốc điều hành tổ chức Junior Achaievement Việt Nam chia sẻ: “Tại Việt Nam trong những năm gần đây,phong trào khởi nghiệp đang phát triển vô cùng mạnh mẽ và tạo được niềm đam mê trong giới trẻ. Biểu hiện là sự ra đời của hàng loạt công ty khởi nghiệp như “nấm mọc sau mưa”; tuy nhiên, số lượng startup thành công chiếm tỷ lệ rất nhỏ so với các startup “chết yểu””.
Theo bà Đoàn Ngọc Bích, nguyên nhân của hoạt động khởi nghiệp chưa thực sự tạo kết quả cao theo tôi một phần là do hầu hết các doanh nghiệp trẻ thiếu các kiến thức, kỹ năng cần thiết để khởi nghiệp. Việc đào tạo khởi nghiệp ở Việt Nam hiện nay cũng chưa thực sự được chú trọng.
“Hầu hết mọi người đều quan niệm rằng chỉ có trường đại học mới là môi trường tạo ý tưởng, trang bị kiến thức cho những người khởi nghiệp. Trong khi đó, những kiến thức và kỹ năng để khởi nghiệp thành công như những kiến thức về kinh doanh, tư duy tài chính, công nghệ thông tin, kỹ năng mềm…lại cần được trang bị từ gốc và hình thành ngay từ khi các em còn ở cấp phổ thông”, bà Đoàn Bích Ngọc chia sẻ.
"Chương trình giáo dục ở Việt Nam trong thời gian qua đã có nhiều thay đổi, tuy nhiên mô hình chung vẫn nặng về bằng cấp, lý thuyết và hạn chế về đào tạo kỹ năng. Chính vì vậy dẫn đến tình trạng “Thừa cử nhân, thạc sỹ – Thiếu nhân lực chất lượng cao”, bà Đoán Bích Ngọc nói.
Thêm nữa, hầu hết mọi người đều nhận thức được vai trò quan trọng của việc định hướng nghề nghiệp sớm, nhưng chưa có đường hướng và phương pháp cụ thể để giúp các em học sinh. Hầu hết học sinh lớp 12 còn rất lúng túng và mơ hồ trước quyết định của mình, không dám chắc nghề mình định chọn có phải là nghề phù hợp với mình hay không, các em thiếu thông tin cần thiết để làm cơ sở trước khi ra quyết định.
Bà Đoàn Bích Ngọc chia sẻ thêm: "Nội dung chương trình hướng nghiệp của tổ chức Junior Achaievement Việt Nam được thực hiện từ cấp 1, khi đó các em đã bước đầu được học về các ngành nghề trong xã hội. Lên cấp hai, các em sẽ được rèn luyện rất nhiều về kỹ năng mềm như tư duy phản biện, giao tiếp – làm việc nhóm, kỹ năng giao tiếp và sáng tạo... Đây là những kỹ năng mà sau này bất cứ nghề nghiệp gì các em cũng đều cần đến".
"Ngoài ra, các em còn được trải nghiệm tìm hiểu nhà tuyển dụng, xin việc và phỏng vấn thử. Đến cấp PTTH, JA Vietnam có riêng 1 chương trình là JA Job shadow hướng học sinh đi thực tập trong lĩnh vực mình yêu thích, từ đó các em sẽ có những lựa chọn đúng đắn hơn cho ngành học tương lai", bà Đoàn Bích Ngọc.