Để đáp ứng mong mỏi của nhân dân, xứng đáng là di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia, cơ quan chức năng TP Sầm Sơn (Thanh Hóa) đang tiến hành tôn tạo Đền thờ đức vua An Dương Vương và công chúa Mỵ Châu.
Đền thờ An Dương Vương và công chúa Mỵ Châu thuộc làng Bình Hòa (Quảng Châu, Sầm Sơn) được công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia từ năm 1997. Thế nhưng di tích đã xuống cấp, có các hạng mục, nhà dân tiếp giáp không phù hợp với di tích chưa được di dời.
Theo truyền thuyết, sau khi An Dương Vương chém Mỵ Châu và nhảy xuống biển tự vẫn có đánh rơi một chiếc đai vàng vào cánh đồng trước đền bây giờ. Dân làng đặt tên cho cánh đồng đó là Đài Vường láy lại là Đai Vàng.
Để tưởng nhớ đến công lao dựng nước của An Dương Vương, làng Bình Hòa đã lập đền thờ An Dương Vương và công chúa Mỵ Châu. Thời gian xây dựng ngôi đền không được xác định rõ.
Các triều đại phong kiến sau này đều phong tên thụy của An Dương Vương là Nam Hải Đại Vương thượng đẳng thần (tái gia phong thượng thượng đẳng tôn thần). Sắc phong thời Lê và thời Nguyễn ở đền An Dương Vương đều ca ngợi là huyền thông, tĩnh an, quảng lợi, quang ý, hồng cáp, dực bảo trung hưng Nam hải Thượng đẳng thần.
Đền Nam Hải Đại Vương là nơi có cảnh quan thiên nhiên đẹp đẽ đầy sức quyến rũ lòng người, đặc biệt lại có quy mô khá lớn bao gồm: cửa nghinh môn cấu trúctheo kiểu chồng diêm 3 tầng, soi mình xuống dòng sông Đơ đầy vơi theo thủy triều lên xuống.
Bước qua nghinh môn và bái đường (sân) vào đến nhà tiền đường 5 gian. Đi qua tiền đường là nhà trung điện 3 gian song song với tiền đường theo hình chữ Nhị, khoảng giữa trung điện và chính tẩm là sân hậu.
Nối liền với chính tẩm theo kiểu chữ Đinh là ba gian nhà hậu cung nơi đặt long ngai bài vị của thần Nam Hải. Tất cả 3 cung với những chạm khắc long, ly, quy, phượng lộng lẫy, tinh xảo được sơn son thếp vàng óng ánh.
Phía bên phải của nhà chữ Đinh (tính từ ngoài đi vào đền) cách khoảng 10m là đền thờ của công chúa Mỵ Châu (con gái vua An Dương Vương) với truyền thuyết về câu chuyện tình Mỵ Châu - Trọng Thủy.
Phía bên trái đền Nam Hải (tính theo phía ngoài đi vào đền) còn có một giải vũ 5 gian của các ban văn võ họp. Bao quanh khu đền là tường rào bốn phía, mỗi phía đều mở một cửa gọi là cửa Đông, cửa Tây, cửa Bắc và cửa Nam là nghinh môn, sau đền thờ là vườn cây um tùm, sầm uất với địa thế tự nhiên như đã nêu ở trên.
Cùng quy mô cấu trúc của khu đền, có lẽ người đời xưa đã dụng ý mô phỏng theo cách bố cục của thành Cổ Loa (Hà Nội) mà khi xưa An Dương Vương đã cho xây dựng ở kinh đô Phong Khê. Đó cũng là một nét độc đáo về bố cục quy mô cấu trúc của đền An Dương Vương ở thôn Bình Hòa, xã Quảng Châu.
Đền thờ An Dương Vương không chỉ là nơi thờ An Dương Vương mà còn là địa điểm trú ẩn, hội họp, tập kết của nhiều nhà lãnh đạo cao cấp của Đảng và các đơn vị quân đội.
Sau này, do những nguyên nhân khách quan và chủ quan, ngôi đền đó không còn nữa. Năm 1993, cấp ủy, chính quyền cùng nhân dân địa phương đã thống nhất việc xây dựng lại đền thờ.
Từ năm 1994-1996, tiếp tục xây dựng trung điện tiền đường, cửa nghinh môn, đền Mỵ Châu, nhà thánh mẫu, đắp 1 con đường từ Quốc lộ 47 vào đền thờ. Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch) đã ký Quyết định số 1460, ngày 26 tháng 9 năm 1997 công nhận đền thờ An Dương Vương và công chúa Mỵ Châu là di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia.
Trao đổi với PV, Phó Chủ tịch UBND phường Quảng Châu Nguyễn Thị Mận cho biết: Người dân rất phấn khởi khi các cấp có quyết định đầu tư, tôn tạo di tích An dương Vương và công chúa Mỵ Châu đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng cho nhân dân trên địa bàn và du khách tham quan du lịch.
Trải qua thời gian, các hạng mục của Đền thờ đã xuống cấp, cơ quan chức năng đã lập dự án, tu sửa 3 khu chính (Nhà Tiền tế; nhà Trung từ; nhà Hậu cung), các công trình phụ trợ với số tiền hơn 12 tỷ đồng. Hiện vẫn còn 11 hạng mục khác và công trình nhà dân cần đầu tư, di dời tới khu vực phù hợp.
Hàng năm, tại Đền thờ đức vua An Dương Vương và công chúa Mỵ Châu diễn ra 7 kỳ tế lễ. Trong đó, Lễ hội cầu phúc Đền thờ đức vua An Dương Vương và công chúa Mỵ Châu là 1 trong 4 kỳ lễ chính của di tích gồm: Lễ ngày vua lên ngôi (6/1 âm lịch), lễ cầu phúc (1/2 âm lịch), lễ ngày linh hóa vua (7/3 âm lịch) và lễ ngày sinh đức vua An Dương Vương (11/8 âm lịch).