Cô gái đã phải nhập viện cấp cứu ngay khi tiêm loại thuốc giảm cân không rõ nguồn gốc, xuất xứ.
Ngày 31/10/2018, Công an Q.Thanh Khê (TP. Đà Nẵng) đang thụ lý vụ tiêm thuốc giảm cân dẫn đến sốc thuốc suýt chết xảy ra trên địa bàn quận.
Cụ thể, chị H.T.T (1994, trú Q. Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng) đến chỗ của Nguyễn Ái Hiền (SN 2000) trên đường Hùng Vương (Đà Nẵng) để tiêm thuốc giảm cân. Khoảng một giờ sau khi tiêm, chị T. bị sốc thuốc nên được đưa đi cấp cứu tại bệnh viện.
Nhận được tin báo, cơ quan CA đã đến khám nghiệm hiện trường, thu được một số kim tiêm và nhiều loại thuốc không rõ tác dụng và nguồn gốc xuất xứ.
Ngày 30/10, Hiền đã bỏ đi khỏi địa phương ngay sau khi phát hiện có sự cố xảy ra đối với chị T.
Một cơ sở thực hiện tiêm giảm béo bị kiểm tra và đình chỉ hoạt động
Trước đó đã từng có cảnh báo về sự nguy hiểm của việc tiêm thuốc giảm cân. Theo ông Nguyễn Huy Thọ - nguyên Trưởng khoa phẫu thuật tạo hình và hàm mặt Bệnh viện T.Ư quân đội 108, trong nhiều năm làm bác sĩ thẩm mỹ, ông không sử dụng biện pháp nội khoa cho dịch vụ thẩm mỹ do thấy không an toàn. "Về nguyên tắc, nếu dùng thuốc bằng đường uống được thì không nên tiêm, mà nếu tiêm thì nên tiêm bắp hơn là tiêm tĩnh mạch. Tôi không sử dụng các phương pháp như tiêm làm liệt cơ để điều trị nếp nhăn, tiêm chất làm đầy hay tiêm giảm béo bởi có thể gây biến chứng" - ông Thọ nói.
Một bác sĩ thẩm mỹ có kinh nghiệm thực hiện dịch vụ giảm béo cho biết theo kinh nghiệm của ông, hiện chưa có loại thuốc tiêm giảm béo nào được cấp phép lưu hành tại VN. Bác sĩ này cũng cho biết do mỡ tích lũy sau một thời gian dài chế độ ăn uống, tập luyện không hợp lý, nên phải có thời gian điều tiết chế độ ăn uống kèm với tập luyện mới có thể giảm mỡ.
Một bác sĩ cho biết các nghiên cứu trên thế giới cho rằng sau khi tiêm các thuốc giảm béo như Lipo... thì hoạt chất trong thuốc sẽ làm lỏng các mô mỡ rắn và đào thải qua đường bài tiết tự nhiên. Tuy nhiên, sau này các bác sĩ phát hiện bên cạnh làm lỏng mô mỡ, chất này còn làm ảnh hưởng đến màng tế bào nằm trong vùng ảnh hưởng của thuốc. Tế bào mỡ sau khi bị phá vỡ và cơ chế đào thải tự nhiên cũng có nguy cơ ứ đọng do không đào thải hết, có thể dẫn đến biến chứng như u mỡ tại chỗ, sẹo vĩnh viễn, hoại tử da... Hiện nhiều nước đã cấm sử dụng thuốc này cho mục đích làm tan mỡ.