Có dễ dàng khi xử phạt người ép uống rượu bia?

Lê Tuấn| 05/11/2020 08:56
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Nghị định 117 có hiệu lực vào ngày 15/11 tới được đánh giá là kịp thời, nhận được nhiều sự ủng hộ từ phía người dân. Tuy nhiên việc phát hiện và xử phạt những người được cho là ép người khác uống bia rượu như thế nào, đó còn là một bài toán khó cho các nhà làm luật.

Theo đó, quy định xử phạt đối với các hành vi vi phạm quy định về uống rượu, bia và địa điểm không uống rượu, bia tại Điều 30 như sau: Cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 200 ngàn đồng đến 500 ngàn đồng đối với người từ đủ 16 tuổi nhưng chưa đủ 18 tuổi uống rượu bia.

Phạt tiền từ 500 ngàn đồng đến 1 triệu đồng đối với một trong các hành vi: uống rượu bia tại địa điểm không uống rượu, bia theo quy định của pháp luật (cơ sở y tế, cơ sở giáo dục trong thời gian giảng dạy, học tập, làm việc).

Phạt tiền từ 1 triệu đồng đến 3 triệu đồng đối với các hành vi: uống rượu, bia ngay trước, trong giờ làm việc, học tập và nghỉ giữa giờ làm việc, học tập; Ép buộc người khác uống rượu, bia. 

Thực tế, việc tố giác bạn nhậu hầu như là một việc rất khó xảy ra, trừ khi người đó có ý đồ trước để chuẩn bị các phương tiện ghi âm, ghi hình nhằm làm căn cứ cho cơ quan chức năng xử phạt sau này, còn nếu báo tin để xử phạt quả tang thì gần như là chuyện hy hữu. Do vậy còn rất nhiều băn khoăn về tính khả thi khi áp dụng quy định vào thực tế.

Thật ra, việc từ chối lời mời hay ép uống rượu bia giữa 2 người xa lạ với nhau thì cũng rất dễ dàng. Nhưng giả sử, nếu người mời chúng ta là bạn thân lâu ngày mới gặp, gia đình họ hàng hay thậm chí là "sếp", không lẽ chúng ta vẫn sẽ áp dụng quy định xử phạt như vậy?

Việc để người khác ép uống bia rượu thường giữa hai bên đã có mối quan hệ, thậm chí là thân thiết. Hơn nữa, muốn để xử phạt hành vi ép uống rượu uống bia thì bắt buộc chúng ta phải chứng minh được hành vi ép và có những hành vi từ chối, thậm chí hành vi ép đấy phải dẫn đến những hậu quả thì lúc đó chúng ta mới có cơ sở để xử phạt.

Ngoài ra, chúng ta cần có những văn bản hướng dẫn chi tiết hơn, như: thế nào là hành vi xúi giục, kích động, lôi kéo người khác uống rượu bia? Bị lôi kéo uống đến mức nào thì mới bị xử phạt? Câu hỏi đặt ra ở đây là người đã trên 18 tuổi, có đầy đủ hành vi năng lực hành vi dân sự thì tại sao có thể kết luận đây là bị xúi giục và lôi kéo?

Anh Lương Quang Nhật (Quận Hoàng Mai, Hà Nội) chia sẻ, anh đồng tình và ủng hộ hoàn toàn với quy định xử phạt người ép người khác uống rượu bia. Việc ép rượu bia đã quá quen thuộc với những dân nhậu chính hiệu như anh. Nhưng anh Nhật cũng cho rằng, thực sự đây là một vấn đề rất là khó, nhiều khi còn khá nhạy cảm.

“Lắm lúc mình cũng không muốn uống nữa đâu, nhưng lại cả nể, cũng vì thân tình mà người ta mời chả nhẽ mình lại không uống, làm cả mình lẫn người mời mình rượu cũng mất vui, phát sinh nhiều vấn đề sau đó”.

Cùng quan điểm, anh Nguyễn Văn Tú, một cư dân ở Minh Khai (Hai Bà Trưng) bày tỏ: “Công việc của tôi yêu cầu phải giao tiếp nhiều. Gặp gỡ ở cơ quan chưa đủ, rồi tiếp tục bàn công việc trên những bàn nhậu. Ngồi trên bàn rượu toàn sếp với các đối tác làm ăn, mình không mời họ thì thật vô lễ, mà họ mời mình mà mình từ chối thì cũng khó thuận lợi cho công việc của mình”.

Tuy nhiên anh cũng ủng hộ quy định xử phạt trên, bởi chính anh đã chứng kiến, việc ép nhau uống rượu bia vô cùng phản cảm. Có nhiều người bị ép uống, dẫn đến say và nằm gục ngay tại bàn nhậu. Chưa kể đến, sau đó có người uống lại còn tự lái xe về nhà, tai nạn xảy ra bất chợt là điều khó tránh khỏi.

“Tôi cũng mong rằng, Nghị định sẽ có hiệu quả trong thực tế, để giảm bớt những vụ tai nạn giao thông hay ẩu đả không đáng có từ chính những cốc bia, chai rượu”.

Theo nhà nghiên cứu văn hóa Đinh Đức Tiến, người Việt ta đã có thói quen sử dụng rượu, bia từ rất lâu đời, thậm chí đó là phương tiện giao tiếp xã hội cơ bản.

Ở góc nhìn văn hóa, nếu "miếng trầu là đầu câu chuyện" thì chén rượu cũng là đầu cuộc vui. Vì vậy, việc mời rượu trong một bữa tiệc, một cuộc họp mặt hay đơn giản chỉ là một bữa ăn cũng được hiểu là cùng chung vui.

Người xưa còn có câu “Nam vô tửu như kỳ vô phong”, nghĩa là đàn ông mà không uống rượu thì giống như lá cờ không có gió, mang hàm ý chê bai những người không uống rượu là buồn phiền, ủ rũ, thiếu sức sống (đặc biệt là đàn ông). Cho nên nhiều khi vì sĩ diện bản thân mà các đấng nam nhi bắt buộc phải uống. Cũng vì đó mà Việt Nam luôn nằm trong nhóm nước tiêu thụ đồ uống có cồn nhiều nhất thế giới và đứng đầu khu vực châu Á.

Từ xa xưa, việc sử dụng rượu bia quá đà đã không phải là nếp văn hóa được ủng hộ trong dân gian. “Tam trà, tứ rượu”, tức trà chỉ uống ba ly, rượu không uống quá bốn ly. Câu nói trên nhằm chỉ sự chừng mực trong việc sử dụng hai thức uống trà và rượu. 

"Nhưng nhiều người cho rằng phải uống thật say, mời rượu thật nhiều mới đủ lễ, nghĩa, mới là thân tình. Trong công việc phải có rượu, có bia mới suôn sẻ, thuận lợi. Các quan niệm như vậy đã hoàn toàn cổ súy cho việc sử dụng rượu bia quá mức. Trên thực tế, việc ép uống rượu, uống bia thường dẫn đến nhiều hậu quả xấu có thể kể đến như cãi vã, đánh nhau, tai nạn giao thông... ảnh hưởng đến an ninh trật tự, thậm chí là cả tính mạng của con người", ông Tiến nói thêm.

Theo ông Tiến, quy định xử phạt của nhà nước dành cho những người ép rượu, bia là tốt, tiến bộ. Tuy nhiên, ông Tiến cho rằng cần có giải thích rõ ràng về ngữ nghĩa để phân biệt được ranh giới giữa ép rượu và mời rượu.

Bắt đầu từ 15/11 tới, Nghị định 117 có hiệu lực chắc chắn sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến văn hóa uống rượu, bia của các “dân nhậu”. Hy vọng rằng, chúng ta sẽ không bao giờ còn phải chứng kiến các vụ tai nạn giao thông kinh hoàng, hay các vụ ẩu đả lẫn nhau mà nguyên do xuất phát từ bia, rượu.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Có dễ dàng khi xử phạt người ép uống rượu bia?