Olga Berggoltz - nữ thi sĩ Nga nói “chả có ai tẻ nhạt ở trên đời”, huống hồ ông lại là con người “đa-zi-năng” - đa tài, đa… ngành nghề. Thật thú vị, khi một chiều hè tôi được chuyện trò cùng ông…
5 đời bốc thuốc
Một chị phụ nữ, nhà ở đầu phố đến phàn nàn với ông lang Chọi: - “Chả hiểu sao, từ sớm nay cháu mất giọng, không nói được, nói chỉ ra âm gió thế này…”. Khó khăn lắm chị ta mới diễn đạt được vài từ như vậy. Ông lang Chọi tiếp: “Lạ nhỉ! Không phải cô nuôi dạy hổ, thế ở nhà có nói nhiều không?”. Chị ta ngượng nghịu thú thật: “Tối qua, và cả đêm qua cháu có to tiếng, có quát chồng, mắng con, nên…”. - “Ai lại thế. Phụ nữ xứ Kinh Bắc ta là hiền dịu lắm, quát chồng như thế thì sao có giọng mà hát quan họ được!”. “Cái chứng mất giọng thì dễ chữa thôi, nhưng lần sau nhẹ nhàng với chồng thôi nhé!”
Ông Nguyễn Khắc Bảo
Ở xứ này, nhiều người có bệnh là cứ hay làm phiền ông lang Chọi này thế. Ông này vừa bán thuốc mà vừa cả làm công tác dân vận.
Xong quay ra tiếp chuyện tôi, ông cười: “Vui thế đấy! Nhà tôi có nghề thuốc gia truyền, đến đời tôi là 5 đời rồi- mang thương hiệu “lang Chọi”. Xưa, ở xứ Kinh Bắc- có ốm đau gì là người ta tự động đi đến làng Chọi (nay ở huyện Yên Phong) lấy thuốc”. Nghề tiên tổ, nay một vai ông gánh… nặng. Ông nhớ lại, làng Chọi xưa, năm 1955 vốn có cây cầu bằng gỗ có mái che, bắc qua sông Ngũ Huyện, tựa như cầu ở Hội An ấy. Vùng quê ấy là trung tâm của câu ca “Một thúng ông đồ, một bồ ông cống, một bị trạng nguyên, một thuyền bảng nhãn”. Phú quý giật lùi, ông buồn khi thấy cái đặc trưng văn hoá ấy bị con cháu phá đi, xây bằng cầu bê tông.
Tôi hỏi, ở Tp. Bắc Ninh, chả mấy ai không biết bác, khi bác nhận hết việc của thiên hạ rồi - vừa là nhà giáo, chủ nhà thuốc gia truyền, nhà Kiều học, nhà sưu tập đồ cổ, nhà ngôn ngữ học… Người ta bảo “nhất nghệ thì mới tinh”, trong khi bác thì… Ông nói: “Tôi nghiệm ra là nó ở chữ duyên, “nhân duyên”- chữ của nhà Phật ấy. Mà các lĩnh vực tôi tham gia nó cứ móc xích liên quan với nhau. Những bài thuốc gia truyền ấy, được các đời tiền nhân đúc rút ghi chép bằng chữ Hán. Tôi, hồi ấy học sư phạm, làm giáo viên dạy toán, nhưng kế thừa nghề truyền thống thì bắt buộc phải tự học chữ Hán để dịch những bài thuốc sang quốc ngữ cho đời sau. Tôi tự học chữ Hán- Nôm, nhà lại có sẵn bản Truỵêu Kiều cổ, vậy là tôi đem ra như là phương tiện tra từ điển vậy…
Kỷ lục 53 bản Kiều nôm cổ
Ông Bảo kể tiếp: “… Trình độ Hán - Nôm nâng dần lên, thì tôi phát hiện quyển Truyện Kiều của học giả Đào Duy Anh xuất bản năm 1979- như là “khuôn vàng thước ngọc”- tôi đối chiếu với bản Kiều cổ phát hiện nhiều từ sai. Thế là tôi viết bài, phản biện lại sửa 918 từ trong 701 câu trong quyển Truyện Kiều của Đào Duy Anh, với đầy đủ lý lẽ chắc chắn, nhiều vị “mũ cao áo dài” học hàm học vị đầy mình phải “chịu” ông lang vườn.
Có một thực tế, nhiều vị mang danh là nhà ngôn ngữ, chức tước đầy mình, thì các vị ấy đâm ngại nghiên cứu, ngại mày mò. Còn tôi, có anh ví như người nông dân cày cấy, nhưng có thành quả lại bị người khác gặt mất. Tôi nghiên cứu, tìm tòi được, công bố trên bài báo, thì sau các vị ấy tự nhận là của mình, cho vào công trình nghiên cứu, vào sách các vị ấy. Tôi không tiện nói tên…”.
Không chỉ vậy, ông còn đương kim là người giữ kỷ lục sưu tập được nhiều bản Truyện Kiều cổ nhất Việt Nam. Để có bằng chứng đối sánh, ông biết ở đâu có bản truyện Kiều cổ là tìm đến mua bằng được. Hiện ông có 53 bản Truyện Kiều cổ, trong khi các thư viện trong cả nước (như Thư viện Hán Nôm, Thư viện Quốc gia, Thư viện Hà Nội…) cũng chỉ có tất cả 18 cuốn. Nhiều cuốn cổ quý, ông phải bỏ số tiền lớn ra mua, hoặc đánh đổi, có cuốn phải nhờ bạn bè phôtô lại ở thư viện bên Pháp, bên Mỹ, Canada. Vừa rồi, ở Hà Nội thành lập Hội Nghiên cứu Truyện Kiều, ông được bầu là Phó Chủ tịch hội.
Sở hữu 2.000 pho tượng cổ, lạ
Cũng là cái “duyên” như ông nói, ở xứ Kinh Bắc này, người ta biết ông nghiên cứu Truyện Kiều và am hiểu chữ Hán - Nôm, nên khi người ta đào bới được cổ vật thấy có chữ Hán là đem đến nhờ ông đọc xem tên, niên đại của món cổ vật. Ông xoay trần ra dịch hộ, có khi dịch cho người ta hàng mấy thúng tiền cổ, phân ra đâu là loại Thông Bảo, đời Lý, hay Trần… “lộc bất tận hưởng”, người ta hỏi trả công, thì ông bảo cứ cho mấy vốc tiền cổ là xong. Nhiều anh nông dân đào được cổ vật, mang đến, “biết bác quan tâm thì biếu bác, sau này bác nhớ bán rẻ thuốc cho em”! Thế là rất tự nhiên, ông trở thành nhà sưu tập đồ cổ lúc nào không hay. Trên căn gác ba nhà ông, là cái “kho” chứa cổ vật, cổ vật tràn ra cầu thang, đường đi lối lại. Tôi hỏi, tất cả quy ra tiền thì bao nhiêu? - “Nói sợ nhiều người giật mình”. Ông nói.
Trong cái “nhà kho” ấy, ông cho biết cả bộ sưu tập những pho tượng bằng đất nung là vô giá. 2.000 bức tượng, không bức nào giống bức nào, là những kiệt tác của người Việt cổ - trước hoặc sau CN, tương tự như những chiến binh bằng đất nung của Tần Thuỷ Hoàng ấy. Ngoài ra, ông còn có thanh kiếm, đồng tiền Ngũ thù thời Tần Thủy Hoàng (khoảng 250 năm TCN), thanh kiếm cổ của Nhật, con dao thời kỳ Đông Sơn… Hiện ở Bắc Ninh ông là Phó Chủ tịch Hội Cổ vật, là chuyên gia thẩm định cổ vật có uy tín. Ông cho biết, phải người am hiểu cổ vật mới dịch được, chứ đơn thuần chỉ biết chữ Hán thôi cũng bó tay, vì nhiều khi chữ nó biến tấu, phải luận.
Năm 1989, khi bố ông ốm, Nguyễn Khắc Bảo xin ở nhà chăm sóc cụ. Vậy là xin nghỉ luôn, khi mới 42 tuổi. Khi “nghỉ hưu non”, ông “rẽ ngang” làm về bao nhiêu “nghề” khác…
Liên Phạm