Những người con được sinh ra và lớn lên trên vùng đất đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi), sau một thời gian “vượt sóng” đi tìm con chữ đã quyết tâm quay trở về để phục vụ chính mảnh đất đã nuôi lớn mình.
Với niềm đam mê, sự cống hiến, đã có người trở thành Thẩm phán, Thư ký của TAND huyện Lý Sơn.
Là những người con được sinh ra và lớn lên ở hòn đảo tiền tiêu của Tổ quốc, từ nhỏ họ đã được nghe người già kể lại với nhiều câu chuyện về lịch sử hình thành hòn đảo được nằm ở phía đông của tỉnh Quảng Ngãi. Theo truyền thuyết của dân tộc Kor, đảo Lý Sơn là một phần của vùng núi Trà Bồng (Quảng Ngãi) trôi dạt về phía biển đông sau trận giao tranh dữ dội của thần nước và người anh hùng Doang Đác Tố, chủ làng Tali Talok. Lịch sử cũng chứng minh rằng, đến tận cuối thế kỷ 16 Lý Sơn vẫn còn là một mảnh đất rất hoang vu.
Mãi đến đầu thế kỷ 17, đời vua Lê Kính Tông mới có người từ đất liền ra khai phá, kể từ đó cho đến nay, dân số trên đảo ngày càng gia tăng, đảo đã hình thành và phát triển cho đến ngày hôm nay. Nghề chính của những người dân trên đảo chủ yếu là nông nghiệp, cùng với đó là nghề khai thác đánh bắt hải sản trên biển. Tuy vậy, cuộc sống của người dân trên đảo vẫn còn gặp nhiều khó khăn bởi ngăn cách về địa lý và thu nhập bấp bênh.
Hành trình tìm đến con chữ của những người con được sinh ra trên đất đảo như những cán bộ hiện đang công tác tại TAND huyện Lý Sơn càng gian nan và khổ ải đến nhường nào. Người dân trên đảo đời nối đời bám biển mưu sinh, cuộc sống “áo cơm theo ghì sát đất” nên chuyện học hành của con trẻ thường hay dang dở, đặt biệt là vào những năm trước đây.
Phó Chánh án TAND huyện Lý Sơn Nguyễn Văn Thu, một người con của đất đảo Lý Sơn
Nhưng, với sự cố gắng “vượt sóng” để tìm con chữ, ngay chính trên mảnh đất này những người con được sinh ra và lớn lên, nay đã trở thành Thẩm phán, Thư ký của Tòa án nơi đây. Với những công chức đang công tác tại TAND huyện Lý Sơn (một Thẩm phán và hai Thư ký), điểm xuất phát của họ không khác gì so với bao gia đình khác trên đảo, đó là nghề khai thác hải sản trên biển. Tuy nhiên, hình ảnh “Bao công xử án” của những Thẩm phán, Thư ký của Tòa án đã ăn sâu vào suy nghĩ của lớp thanh niên khi còn ngồi trên ghế nhà trường, để rồi quyết tâm chọn các trường Luật để thi...
Những mơ ước mãnh liệt giờ đây đã trở thành hiện thực. Sau khi tốt nghiệp đại học, họ quyết định quay về nơi mình đã sinh ra để phục vụ quê hương. Trong số này không thể không nhắc đến anh Nguyễn Văn Thu, Phó Chánh án TAND huyện Lý Sơn.
Tốt nghiệp Đại học Luật năm 2000, thời ấy ngành Tòa án không có biên chế nên anh đành phải rời xa quê hương ra tận Hà Nội để làm việc. Sau một thời gian, anh lại quay về với hy vọng vào công tác tại Tòa án ngay trên quê hương của mình. Khi nhận được tin báo TAND tỉnh tổ chức thi công chức, không chút đắn đo, do dự, anh xin nghỉ việc tại Hà Nội để trở về quê hương nộp hồ sơ thi vào Tòa án. Và lần này, may mắn đã mỉm cười với anh, khi anh thi đỗ công chức và được nhận vào làm việc tại TAND huyện Lý Sơn với chức danh Thư ký.
Kể từ đó đến nay, anh luôn cố gắng không ngừng nghỉ, học tập kinh nghiệm từ những thế hệ đi trước, cũng như tự học tập, trau dồi kiến thức chuyên môn nghiệp vụ, nhờ đó anh được cấp trên cử đi học lớp nghiệp vụ Thẩm phán và được bổ nhiệm chức danh Thẩm phán vào năm 2016, đến tháng 6/2019 anh được bổ nhiệm Phó Chánh án TAND huyện Lý Sơn.
Tương tự như anh Thu, cũng chỉ vì mong muốn được vào Tòa án mà từ bỏ những công việc hấp dẫn, lương cao ở TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận, Thư ký Nguyễn Võ Đại Minh, một người con khác ở đất đảo Lý Sơn đã trở về thi tuyển vào TAND huyện Lý Sơn với mong muốn được phục vụ quê nhà. Kể từ khi về công tác tại TAND huyện Lý Sơn, anh nhiều lần chứng kiến cảnh bà con, hàng xóm thân thương của mình sa vào vòng lao lý chỉ vì sự thiếu hiểu biết về pháp luật. Vậy, phải làm sao để nâng cao nhận thức cho người dân trên đảo, bớt đi những sai lầm không đáng có là câu hỏi luôn nằm trong suy nghĩ và cũng chính là động lực để các anh, chị sống và làm việc nơi đây phải nỗ lực, cố gắng hơn nữa.
Các anh, chị đang công tác tại TAND huyện đảo này cùng có suy nghĩ: “Lý Sơn là huyện đảo, xa xôi cách trở, giao thông đi lại khó khăn, dân cư chủ yếu làm nghề biển, quanh năm đánh bạn với sóng nước nên trình độ nhận thức về pháp luật của họ còn rất nhiều hạn chế. Nhiều khi mâu thuẫn phát sinh từ những lý do hết sức đơn thuần. Nếu mình tìm được nguyên nhân chủ yếu phát sinh mâu thuẫn ấy để kịp thời vận động, thuyết phục thì khả năng hòa giải thành sẽ rất cao”.
Cũng vì suy nghĩ ấy mà phương châm làm việc “gần dân, hiểu dân” được công chức TAND huyện Lý Sơn thực hiện nghiêm túc mỗi khi tiếp nhận hồ sơ vụ việc. Quá trình giải quyết hồ sơ vụ án đã thụ lý, Thẩm phán, Thư ký TAND huyện Lý Sơn luôn chủ động đi sâu, đi sát xuống địa bàn để nắm được tâm tư, nguyện vọng của các đương sự, tìm hiểu rõ nguyên nhân để kịp thời đưa ra hướng xử lý.
Phó Chánh án Nguyễn Văn Thu chia sẻ rằng, ở Lý Sơn, các vụ án dân sự, hôn nhân và gia đình thường phức tạp, nó đòi hỏi không chỉ giải quyết công bằng hay thấu đáo mà phải hợp lý, hợp tình. Nhất là do ảnh hưởng sâu đậm bản sắc văn hóa cộng đồng làng xã nên người ta rất xem trọng chữ tình. Vậy nên trong các vụ án này, nhiều khi cái “tình” cũng phải giải quyết cho ổn thỏa, nếu không những dư âm hay ảnh hưởng về sau này sẽ rất lớn. Đôi khi, anh thấy mình giống như một hòa giải viên.
“Lý Sơn là quê hương là nơi chúng tôi sinh ra, chập chững những bước chân đầu tiên, chúng tôi muốn dành toàn bộ trí lực và sức lực của mình để cống hiến cho mảnh đất này…”. Đó chính là tâm nguyện của chị Nguyễn Thị Có, Thư ký TAND huyện Lý Sơn, đã thay mặt những người con đất đảo nói lên cảm nghĩ với Đoàn công tác của lãnh đạo Tòa án các tỉnh miền Trung - Tây Nguyên trong lần ra thăm đảo.