Ngày 22/12/1944, tại khu rừng Trần Hưng Đạo thuộc châu Nguyên Bình (nay là huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng), Đội Việt Nam tuyên truyền Giải phóng quân đã chính thức làm lễ thành lập theo Chỉ thị của lãnh tụ Hồ Chí Minh. Đây là đội quân chủ lực đầu tiên của lực lượng vũ trang cách mạng và là tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam ngày nay. Ngày 22/12/1944 đã được lấy làm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam.
Được lãnh tụ Hồ Chí Minh giao nhiệm vụ, ngày 22/12/1944, tại khu rừng Trần Hưng Đạo thuộc châu Nguyên Bình (nay là huyện Nguyên Bình), tỉnh Cao Bằng, đồng chí Văn (tức Võ Nguyên Giáp) đã chủ trì buổi lễ thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân, đội quân chủ lực đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam. Ba ngày sau lễ thành lập, ngày 25/12/1944, Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân đã có chiến thắng đầu tiên - tiêu diệt đồn Phai Khắt và sáng 26/12/1944 tiêu diệt đồn Nà Ngần, mở ra truyền thống đánh thắng trận đầu của quân đội ta.
Trong hai trận đánh đầu tiên, ta không có thương vong, nhưng đến trận thứ ba đánh đồn Đồng Mu (Bảo Lạc, Cao Bằng) vào đêm 4/2, rạng sáng ngày 5/2/1945 thì đồng chí Tiểu đội trưởng Xuân Trường (tức Hoàng Văn Nhủng) đã anh dũng hy sinh khi chiến đấu giáp lá cà với địch. Đồng chí Xuân Trường là liệt sĩ đầu tiên của Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân. Anh hy sinh khi chưa lấy vợ và cũng không kịp để lại di ảnh.
Những trận chiến đấu sau đó, Đội Việt Nam truyên truyền Giải phóng quân và sau này là Việt Nam Giải phóng quân cũng chịu nhiều tổn thất. Sau Ngày Cách mạng tháng Tám thành công, để xoa dịu nỗi đau, mất mát của những gia đình có người thân hy sinh trong bảo vệ Tổ quốc, “Hội giúp những binh sĩ tử nạn” được thành lập do Chủ tịch Hồ Chí Minh làm Hội trưởng.
Sau ngày toàn quốc kháng chiến bùng nổ, thiệt hại về người của chúng ta có phần tăng, do sự chênh lệch về lực lượng và trang bị vũ khí. Trước tình hình đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký sắc lệnh số 20SL ngày 16/8/1947 quy định chế độ hưu bổng thương tật và tiền tuất tử sĩ. Đây là văn bản pháp quy đầu tiên, khẳng định vị trí quan trọng của công tác thương binh, liệt sĩ của Việt Nam. Người đầu tiên nhận Thẻ thương binh (mang số hiệu 01) là đồng chí Hoàng Cầm, bị thương vào tháng 7/1947 khi chỉ huy đơn vị chiến đấu, tại mặt trận Đà Bắc (Hòa Bình).
Trong hồi ký, đồng chí Hoàng Cầm kể: “Vào tháng 7 năm 1947, Đại đội 250 chúng tôi nhận lệnh hoạt động ở vùng địch hậu Mộc Châu, khu du kích Mộc Hạ, làm nhiệm vụ phát động quần chúng. Một hôm, nhận được tin quân Pháp từ Hòa Bình mở cuộc càn quét lớn vào Đà Bắc. Chúng tôi tổ chức phục kích đánh nhỏ, đánh tập kích, làm giảm tốc độ hành quân của địch, để đồng bào ta kịp sơ tán. Chính lối đánh phục kích, phân tán địch để diệt khiến chúng thiệt hại nặng nề.
Trong một lần, đơn vị đang xuất kích thì địch nã một tràng súng máy, tôi nghe nhói ở cánh tay phải và ngất đi. Anh em tưởng tôi đã chết nên lấy chăn gói kín, chuẩn bị mang đi mai táng. Nhưng rồi, tôi đã tỉnh lại và hỏi: “Sao các đồng chí buộc kín tôi thế này?”. Một người vừa mở chăn vừa nói: “Tưởng anh đã hy sinh nên chúng em làm công việc khâm liệm”. Rồi tiếng nhiều người òa khóc, một người xin lỗi tôi.
Do vết thương quá nặng nên tôi phải đi bệnh xá dã chiến điều trị 3 tháng mới hồi phục sức khỏe. Nhưng cái di chứng nặng nhất là tay phải từ đó về sau không thể cầm bút viết được, đành phải viết bằng tay trái...
Sau một thời gian điều trị, đồng chí Hoàng Cầm trở về đơn vị chiến đấu. Ông là một trong những Trung đoàn trưởng tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ. Vào chiến trường miền Nam, ông trở thành Sư đoàn trưởng đầu tiên của Sư đoàn 9, một trong những sư đoàn thành lập đầu tiên ở Nam Bộ và cực Nam Trung Bộ. Khi Quân đoàn 4 mang tên Binh đoàn Cửu Long, thành lập ngày 20/7/1974, Thiếu tướng Hoàng Cầm là Tư lệnh đầu tiên.
Một thời gian ngắn sau khi ra đời, Quân đoàn 4 đã có chiến công vang dội, đánh chiếm và giải phóng hoàn toàn tỉnh Phước Long ngày 6/1/ 1975. Chiến công có ý nghĩa chiến lược quan trọng, không chỉ làm thay đổi tương quan lực lượng giữa ta và địch trên chiến trường, mà còn giúp ta khẳng định Mỹ không còn khả năng tiếp tục can thiệp vào miền Nam, giúp Bộ Chính trị nhận rõ thời cơ thuận lợi giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
Từ tháng 2/1981 đến tháng 3/1982, đồng chí Hoàng Cầm là Phó Tư lệnh Bộ đội Việt Nam tại Campuchia, cùng với quân đội cách mạng Campuchia giải phóng đất nước Chùa Tháp khỏi họa diệt chủng, Từ tháng 4/1982 đến tháng 8/1987 đồng chí là Tư lệnh Quân khu 4.
Tháng 9/1987, đồng chí Hoàng Cầm được điều động về Tổng Thanh tra Quân đội và được Chính phủ bổ nhiệm Tổng Thanh tra Quân đội (nay là Chánh Thanh tra Bộ Quốc phòng). Tháng 11/1992, Thượng tướng Hoàng Cầm được Nhà nước cho nghỉ hưu, nhưng ông vẫn thường xuyên quan tâm đến đời sống của cán bộ chiến sĩ trong quân đội.
Người viết bài này đã được một lần hỏi chuyện Thượng tướng Hoàng Cầm tại nhà riêng của đồng chí ở Thành phố Hồ Chí Minh, rằng có phải ông là người nghĩ ra cái bếp mang tên Hoàng Cầm - một sáng kiến độc đáo trong chiến tranh, góp phần nghi binh lừa địch mà giờ đây quân đội vẫn áp dụng? Nghe xong, ông cười bảo: “Nhà báo nhầm rồi, đó là tên của đồng chí chiến sĩ hậu cần sáng tạo nên cái bếp che mắt địch, mang tên bếp Hoàng Cầm. Cũng tên Hoàng Cầm có nhà thơ nổi tiếng là tác giả của “Bên kia sông Đuống”, “Lá diêu bông”...”.
Thượng tướng Hoàng Cầm mất năm 2013 trong niềm tiếc thương của đồng đội.