Sau cuộc phát động cuộc tấn công trả đũa vào Iran vào ngày 26/10 dưới tên gọi “Ngày sám hối”, Lực lượng phòng vệ Israel (IDF) đã công bố ảnh và video về các máy bay chiến đấu được sử dụng cho nhiệm vụ này. Đáng chú ý là chiếc tiêm kích F-15D Markia Shchakim (Sky Blazer).
Đây là một chiếc máy bay chiến đấu có lịch sử đáng kinh ngạc mà ít người biết đến.
Chiến đấu cơ F-15 được đưa vào phục vụ trong quân đội Mỹ năm 1976. Vào đầu những năm 1980 Israel đã sở hữu loại máy bay này.
Ngày 1/5/1983, hai chiếc F-15D, biến thể huấn luyện của F-15, năm 1983 tham gia trận đánh giả định cùng 4 tiêm kích A-4N trên sa mạc Negev.
Một trong hai chiếc F-15 mang mật danh "Markia Shchakim" do phi công Ziv Nedivi và huấn luyện viên kỳ cựu Yehoar Gal điều khiển ngồi ghế sau.
Khi hai chiếc F-15 của Israel lao vào không chiến, tiêm kích do Nedivi điều khiển va phải chiếc A-4 đóng vai đối thủ. Tiêm kích A-4 ngay lập tức bị phá hủy, máy bay của Nedivi lao xuống và hướng dẫn viên Gal ra lệnh phóng ghế thoát hiểm.
Trong các buổi huấn luyện, phi công thường giữ “vùng an toàn” cách nhau ít nhất 500 feet để tránh va chạm trong các thao tác tốc độ cao, còn gọi là các động tác chiến đấu cơ bản (BFM).
Trong một buổi huấn luyện này, một chiếc F-15D Eagle đã va chạm với một chiếc A-4 Skyhawk giữa không trung. Chiếc Skyhawk vỡ vụn ngay khi va chạm, và phi công nhảy dù thoát ra, trong khi F-15D Eagle bị xé toạc cánh phải khoảng 2 feet từ gốc cánh.
Ban đầu, các phi công không nhận thức được mức độ hư hại do không thể nhìn thấy khu vực cánh bị va đập do nhiên liệu bay hơi tạo thành “màn sương” cản tầm nhìn
Khi Nedivi giảm tốc độ, máy bay bắt đầu lắc, khiến người hướng dẫn ra lệnh nhảy dù. Tuy nhiên, phi công Nedivi quyết định không rời máy bay và thử khôi phục kiểm soát. Xác định sân bay gần nhất tại căn cứ Không quân Ramon cách đó 16 km, nên Nedivi quyết định thử hạ cánh.
Hai phi công điều khiển một chiếc tiêm kích chỉ còn lại một cánh, một điều tưởng chừng không thể, khi họ còn phải vượt qua 16km và trong khi nhiên liệu dần cạn kiệt.
Phi công sau đó kích hoạt hai động cơ đốt tăng lực mạnh mẽ của máy bay, có thể đẩy sức mạnh động cơ tăng từ 14.590 pound lực lên đến mức đáng kinh ngạc 23.770 pound.
May mắn thay, điều này giúp máy bay ổn định và di chuyển theo đúng hướng mặc cho nhiên liệu vẫn rò rỉ từ cánh và hai động cơ Pratt & Whitney F100-PW-220 tiếp tục sử dụng nốt lượng nhiên liệu còn lại.
Việc hạ cánh là một nhiệm vụ vô cùng khó khăn vì Nedivi phải duy trì tốc độ cao để giữ cho máy bay ổn định. Để hạ cánh một chiếc F-15 yêu cầu tốc độ khoảng 240km/giờ. Thực tế, họ đang di chuyển ở tốc độ 480 km/giờ, khi Nedivi hạ móc đuôi và cho chiếc F-15 tiếp đất.
Nedivi đã giữ vững và cuối cùng cũng dừng được máy bay chỉ cách cuối đường băng khoảng 10 mét. Theo lời Nedivi, anh không nhận ra mức độ hư hại đầy đủ cho đến khi quay sang bắt tay với người hướng dẫn của mình. Chỉ khi đó anh ta mới nhận ra rằng 16 km cuối của hành trình họ đã bay mà không có cánh phải của máy bay.
Trong cuốn sách F-15 Eagle của Bertie Simmond, Nedivi kể rằng: “Một lần hạ cánh bình thường diễn ra ở khoảng 130 hải lý, nhưng chúng tôi thực hiện ở khoảng 250 đến 260 hải lý, gần gấp đôi tốc độ hạ cánh thông thường. Do đó, tôi đã hạ móc hãm khẩn cấp của F-15 để móc vào dây cáp khoảng một phần ba đoạn đường băng. Chúng tôi va phải nó, nhưng tốc độ quá cao khiến chính móc hãm bị xé khỏi máy bay, và cuối cùng chúng tôi dừng cách hàng rào ở cuối đường băng 10 mét.”
Ngay cả nhà sản xuất, McDonnell Douglas, cũng hoài nghi về việc các phi công Israel đã thực sự điều khiển một chiếc F-15 Eagle không cánh, mặc dù biết đến khả năng phi thường của loại máy bay này.
Một số quan chức thậm chí còn cho rằng điều này là không thể. Cuộc điều tra sau đó đã tiết lộ rằng động cơ mạnh mẽ của F-15 và lực nâng tạo ra bởi thân máy bay đã giúp nó duy trì trên không.
Nedivi sau đó nói với kênh History Channel: “Có khả năng cao là nếu tôi nhìn thấy tình trạng của máy bay, tôi sẽ nhảy dù ngay vì rõ ràng không thể bay được với một chiếc máy bay như vậy.”
“Chỉ khi McDonnell Douglas phân tích, họ nói, F-15 có thân rất rộng và tạo lực nâng; nếu bay đủ nhanh, bạn sẽ giống như một tên lửa. Bạn không cần cánh.” Nedivi nói thêm.
Trước khi gặp sự cố mất một cánh, chiếc máy bay này còn được ghi nhận bốn lần bắn hạ tiêm kích đối phương trong cuộc chiến Lebanon năm 1982. Sau tai nạn, nó đã được sửa chữa và thay cánh mới. Sau đó, nó lại tiếp tục bắn hạ một chiếc MiG-23 vào năm 1985.
Chiếc F-15 này cũng đã tham gia vào các cuộc không kích vào tháng 9/2024 nhắm vào nhóm Houthi ở Yemen.
F-15 từ lâu đã là trụ cột của Không quân Israel và được triển khai trong hầu hết các cuộc xung đột lớn mà họ tham gia trong vài thập kỷ qua.