Mất đi ánh sáng là nỗi đau lớn nhất của đời người. Vậy mà có những người khiếm thị đã vượt qua những khó khăn của số phận để vươn tới những khát vọng của tương lai. Đằng sau những mảnh đời ấy là những câu chuyện cổ tích về tình yêu giữa đời thực này.
Hai mảnh đời khác nhau
Chị Trần Thị Quý sinh năm 1969, trong một gia đình nông dân nghèo ở thôn Sơn Đông (xã Tân Minh, huyện Sóc Sơn, Hà Nội), bị khuyết tật bẩm sinh với đôi mắt không nhìn thấy ánh sáng mặt trời. Tuy khiếm khuyết đôi mắt nhưng bằng cảm nhận của đôi bàn tay và đôi chân, chị thường theo mẹ mò cua bắt ốc, chăn trâu, cắt cỏ, theo bạn bè đi hái củi, đem bán lấy tiền mua gạo. Ngày qua ngày, chị cần mẫn làm việc như một người bình thường. Ý chí vượt khó của chị được hàng xóm nhắc đến với một niềm cảm phục.
Khác với chị Quý, anh Nguyễn Văn Thức (sinh năm 1959) ở làng bên là một thanh niên khỏe mạnh như bao chàng trai khác trong thôn, nhưng do hoàn cảnh gia đình khó khăn nên sớm phải bỏ học đi làm thuê làm mướn để trang trải cuộc sống. Số phận đưa đẩy đã mang họ đến với nhau, tình yêu nảy sinh và cái kết không thể viên mãn hơn ấy là một gia đình nhỏ được hình thành.
Chị Quý lần giở những tấm giấy khen của các con được chị cất cẩn thận trong tủ
Nghe người hàng xóm kể về cô gái khiếm thị mà hay lam hay làm ở làng bên, anh Thức đã thầm cảm phục ý chí, nghị lực vươn lên của người con gái này. Anh quyết tâm tìm đến chị để giúp đỡ, chia sẻ những tâm sự trong cuộc sống, trái tim như mách bảo anh phải quan tâm chăm sóc cho chị, khi đó chị Quý 21 tuổi.
Sau một năm, cả hai anh chị đều cảm nhận được tình cảm thầm kín mà họ dành cho nhau. Tuy nhiên, chị Quý chỉ dám vùi sâu chôn chặt mối tình câm lặng cho đến khi anh Thức ngỏ lời cưới chị. Tấm chân tình của anh đã thực sự chinh phục được chị, bỏ qua mặc cảm về thân phận khuyết tật, nhường chỗ cho tình yêu và khao khát hạnh phúc mãnh liệt.
Anh Thức cho hay, “Những lời chia sẻ chân thành cùng sự hiền dịu nết na của cô ấy đã làm tôi thực sự xúc động. Tôi nhận thấy, cô ấy chính là người bạn tâm giao, cùng chia sẻ mọi nỗi buồn, niềm vui trong cuộc sống với tôi sau này”.
Anh kể, ngày anh dẫn chị Quý về nhà ra mắt, bố mẹ anh đã kịch liệt ngăn cấm, rồi anh em họ hàng, làng xóm cũng gièm pha, khuyên ngăn. Sau những ngày thuyết phục gia đình, vượt qua những khó khăn định kiến, cùng với quyết tâm sắt đá của anh, cuối cùng anh chị cũng được bố mẹ chấp thuận. Năm 1989, tại xã Tân Minh (huyện Sóc Sơn, Hà Nội), đám cưới đặc biệt của hai anh chị đã diễn ra.
Chị Quý đang kể về câu chuyện tình yêu của mình
Chị Quý xúc động kể lại: “Ban đầu, nhận được sự quan tâm của anh Thức, mình cũng không dám nghĩ đến chuyện anh có tình cảm với mình mà chỉ nghĩ anh coi mình như em gái. Cho đến khi nhận được lời yêu thương của anh, mình vô cùng xúc động, lúc đó mình đã khóc, một phần vì hạnh phúc còn một phần vì mặc cảm là một cô gái khiếm thị, nhưng cảm nhận được tấm chân tình của anh ấy đã khiến cho mình có niềm tin vào cuộc sống và tình yêu hơn”.
Cùng nhau vượt qua giông tố cuộc đời
Vượt qua định kiến xã hội và rào cản gia đình, hai người đã đến với nhau để xây dựng tổ ấm hạnh phúc.
Để chăm lo cho cuộc sống gia đình, anh Thức đi theo các tốp thợ lên thành phố làm phu hồ, còn chị cũng nhận cấy năm sào ruộng và chăn nuôi. Cuộc sống vất vả nhưng họ vẫn hết mực yêu thương nhau.
Khuôn mặt chị ánh lên niềm hy vọng vào tương lai của các con
Những năm sau đó, lần lượt ba người con của họ ra đời. Hạnh phúc chỉ vừa nhen lên khi hai đứa con đầu lòng của chị đều khỏe mạnh bình thường thì năm 1998 cậu con trai út là Nguyễn Văn Việt ra đời bị mắc căn bệnh giống mẹ - bị đục thủy tinh thể cả hai mắt. Khi Việt lên sáu, anh chị cho Việt theo học tại trường khiếm thị Phù Ninh.
Cuộc sống mưu sinh vốn đã khó khăn, lại thêm đứa con khiếm thị khiến anh chị vừa thương con thiệt thòi vừa phải lo toan nhiều hơn gánh nặng gia đình. Trước hoàn cảnh khó khăn ấy, chị càng chăm chỉ kiếm từng đồng để cùng chồng nuôi dạy các con. Vợ chồng chị luôn tâm niệm rằng, phải cho Việt đôi mắt sáng để con bằng bạn bằng bè. Biết hoàn cảnh khó khăn của gia đình mình, các con của anh chị đều cố gắng vươn lên, chăm chỉ học hành. Năm nào, hai em Nguyễn Thị Nhàn và Nguyễn Văn Việt cũng đạt danh hiệu học sinh giỏi của trường.
Năm 2005, niềm khao khát cho con ánh sáng của anh chị đã thành hiện thực. Được sự hỗ trợ của “Hội Người khuyết tật” huyện Sóc Sơn, em Việt được phẫu thuật một bên mắt.
Sau hơn 20 năm chung sống, họ không những có cuộc sống hạnh phúc mà còn sở hữu một ngôi nhà khang trang. Chị Quý và chồng cứ cần mẫn làm việc, an ủi lẫn nhau để quyết tâm nuôi các con thành tài. Mỗi tấm giấy khen, bằng khen và những điểm số cao trong học tập của con, đó chính là niềm vui, niềm hạnh phúc bất tận của anh chị. Tuy khó khăn nhưng anh chị vẫn không để các con phải mù chữ, mù ánh sáng. Hạnh phúc của họ khiến làng trên xóm dưới ai cũng ca ngợi.