42 năm tròn, gia đình ông Nhường nhận giấy báo tử, và cũng chừng đó năm gia đình ông sống trong nỗi trăn trở khi chưa thể tìm được hài cốt của ông, rồi đột ngột ông Nhường trở về trong sự ngạc nhiên mừng tủi của gia đình, bà con sau 42 năm làm liệt sỹ.
Chiến đấu và "hy sinh"
Ông Nguyễn Chánh Nhường (SN 1955), trong một gia đình có đến 8 anh chị em. Bố mẹ ông tuần tự đặt tên cho các con là: Linh, Nghiệm, Khiêm, Nhường, Thông, Thái, Bình, An. Do lâm bệnh hiểm nghèo nên Khiêm mất khi còn nhỏ.
Năm 1972, vừa tròn 17 tuổi, nghe theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, chàng trai Nguyễn Chánh Nhường tham gia nhập ngũ.
Sau một thời gian huấn luyện tại Xã Giang Sơn, huyện Đô Lương, đơn vị Nhường di chuyển về phía Nam để tiếp sức cho tiền tuyến. Trong một trận đọ sức giữa ta và địch, Nhường xung phong mở đường máu và mất tích.
Năm 1975, Miền Nam hoàn toàn giải phóng, đất nước ca khúc khải hoàn. Trong lúc, nhiều gia đình vui mừng tột đỉnh trong sự đoàn viên khi đón những đứa con ưu tú chiến đấu trở về thì anh Nhường vẫn bặt vô âm tín. Gia đình ra sức ngóng trông nhưng càng trông càng mất.
Giấy báo tử của ông Nhường
Cho mãi đến ngày 25/06/1992, gia đình Nhường mới nhận được giấy báo tử thông báo: “Đồng chí Nguyễn Chánh Nhường (SN 1955), hy sinh ngày 6 tháng 4 năm 1973, tại mặt trận phía nam. Cấp bậc hạ sỹ, chức vụ chiến sỹ đơn vị D.22. Hy sinh trong trường hợp chiến đấu mất tin”.
Quá thất vọng sau những ngày mòn mỏi ngóng trông, bố mẹ ông Nhường lần lượt qua đời. Trước lúc về cõi vĩnh hằng ông bà cùng nắm tay con cháu trăn trối: “Phải tìm bằng được hài cốt thằng Nhường đưa về cho bố mẹ”.
Tuy nhiên sau hàng chục năm cố gắng tìm kiếm từ Bắc vào Nam, không có tỉnh nào là không đi, không có nghĩa trang nào là không đến, nhưng gia đình vẫn không sao tìm được mộ của liệt sĩ Nguyễn Chánh Nhường tại các nghĩa trang hoặc tên trong các sổ lưu của các tỉnh.
Trong suốt 42 năm qua, không có năm nào gia đình quên việc tổ chức đi tìm hài cốt của ông Nhường để giải tỏa nỗi trăn trở và để thực hiện nguyện ước cuối cùng của hai đấng sinh thành.
Đột ngột trở về
Trong lúc toàn thể gia đình ông Nhường dường như đã tuyệt vọng và quá mệt mỏi sau 42 năm ròng, tìm kiếm hài cốt của ông thì đột nhiên, vào một buổi sáng đầu tháng 4/2014, tại chợ xép Thuận Nghĩa (Quỳnh Lâm, Quỳnh Lưu, Nghệ An), bỗng xuất hiện một người đàn ông rách rưới bẩn thỉu, còm cõi, tóc tai bờm xờm, râu mọc tua tủa.
Ông cứ thế lang thang đi từ quầy hàng này đến quầy hàng khác, ngó vào một lúc như muốn tìm ai rồi lại lặng lẽ quay ra, xuống hàng cá, ra hàng gạo, vào hàng rau, gặp ai ông cũng níu lại nhìn vào mặt miệng không ngừng lầm bẩm: “Tôi tìm O Thái, tôi tìm O Thái”.
Ông Nhường đột ngột trở về sau 42 năm báo tử
Cho rằng đây là một người tâm thần nên không ai chú ý, nhiều người thương hại cho ông thức ăn, đồ uống. Có người thấy ông rách rưới cho bộ quần áo nhưng ông kiên quyết không lấy của ai. Miệng ông lại nói mà như hô khẩu hiệu và cũng chỉ đọc một câu: “Lính cụ hồ không lấy đồ dân”.
Tối hôm đó, khi bà Thái (ở xóm 21, Quỳnh Lâm, Quỳnh Lưu, Nghệ An), đang ngồi vá áo thì một người hàng xóm sang chơi. Trong câu chuyện phiếm bà chợt nhớ ra và nói: “Hồi sáng ở chợ có một ông tầm 60 tuổi miệng cứ lẩm nhẩm tôi tìm O Thái”.
Bà Thái giật nảy mình ngồi lặng đi như có một cái gì đó chạy qua người nhớ lại: "Lúc gần trưa tôi có gặp một người đàn ông, nhìn phía sau dái tai thấy giống bố mình như hệt, dáng người còm còm, cùng với điệu đi không khác cậu An chút nào, khuôn mặt của bố như hiện rõ khi tôi nhìn thấy ông ta nhưng không dám nhận bởi anh tôi đã mất cách đây 42 năm".
Rồi bà bật dậy lao ra ngõ, chạy đến chợ Thuận Nghĩa vừa chạy vừa thét: “Anh Nhường ơi, anh ở đâu?”. Bà lùng sục khắp những dãy lều trong chợ nhưng không thấy, suốt đêm bà không ngủ, tìm kiếm và chờ đợi cho đến sáng hôm sau. Trong lúc bà chán nản, thất vọng định trở về thì chết đứng bởi người đàn ông hôm qua xuất hiện.
Chân tay bà bủn rủn không nhấc lên nổi trong lúc 6 người anh em của bà ào đến vây quanh ông này hỏi rối rít. Người đàn ông này cứ lắc đầu ngoày nguậy, miệng liên hồi kêu lên: “Tôi không biết gì đâu, tôi không thấy gì đâu, tôi tìm o Thái”.
Lúc này như sực tỉnh bà Thái lao đến vạch đám đông ôm chầm lấy người đàn ông và thét lớn: “Anh Nhường! anh Nhường! anh có nhận ra e không. Em là Thái đây”.
Người đàn ông bỗng im bặt, mắt trừng trừng nhìn vào bà Thái từ 2 hốc mắt nhăn nheo rớt xuống hai hạt lệ rồi tuôn chảy thành dòng, ông thốt lên nghẹn ngào: “Thái ơi, anh Nhường đây” rồi kiệt sức gục xuống bất tỉnh trong vòng tay của người em gái sau 42 năm biền biệt cách xa.
Cả thôn xóm xôn xao, cả dòng họ bàng hoàng, cả khu chợ nháo nhác, không ai dám tin đây là sự thật bởi từ trước đến nay ông Nhường là liệt sỹ...