Chuyện kỳ bí về cây trâm bảo vệ miếu thiêng

Ngọc Hà| 01/11/2014 06:32
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Đã hơn 300 năm, người dân quanh vùng vẫn truyền miệng nhau những câu chuyện kỳ bí về cây trâm bảo vệ miếu thiêng. Nỗi sợ linh thiêng xen lẫn kỳ quái khiến không một ai đủ can đảm bước ngang qua khu vực của cây vào đêm tối…

Đi tìm cây trâm ma

Về xã Đức Hòa Hạ, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An, chúng tôi vô tình nghe người dân trong vùng kể cho nhau nghe những câu chuyện ly kỳ về cây trâm miễu (hay còn gọi là cây trâm ma). Người dân Đức Hòa khi nghe nhắc đến cây trâm ma, ai nấy đều nể sợ một cách bất thường.

Dưới sự hướng dẫn của người dân trong vùng, chúng tôi có cơ hội mục kích cây trâm ma. Cây trâm có gốc khá lớn, chia nhiều gốc phụ bao quanh gốc chính tạo thành một khối khổng lồ 10 người ôm không xuể. Sau khi dò hỏi nhiều bậc lão niên sống gần cây trâm ma, chúng tôi ước chừng cây hơn 300 năm tuổi. Tuy nhiên, cũng có nhiều người dân  cho biết, không thể xác định được một cách cụ thể, chính xác. 

Cây trâm cổ thụ tỏa bóng mát rộng đến gần 400m2 nhưng tuyệt nhiên không người dân nào dám đến đây nghỉ trưa. Anh Nguyễn Văn Dân (38 tuổi, ngụ xã Đức Hòa Hạ) khẳng định: "Tôi không biết cây này đã bao nhiêu tuổi. Ngay từ nhỏ tôi được dặn nếu không có việc gì thì không nên đến gần cây. Theo phỏng đoán của tôi dựa vào độ lớn của thân, gốc cây thì ít nhất cây này cũng hơn 300 năm tuổi".

Anh Dân cho biết thêm: "Tôi nghe ông bà xưa kể lại, trước đây, khu vực này chỉ có rừng rậm, người dân ra sức khai hoang đất đai, triệt phá cây cối nhưng không hiểu sao cây trâm vẫn sừng sững ở đó”. 

Chuyện kỳ bí về cây trâm bảo vệ miếu thiêng

Gốc trâm ma cổ thụ và những ngôi miếu thờ

Nhiều người cho rằng, mặc dù cây cổ thụ ở giữa đồng trống, nhưng chưa khi nào bị gió bão làm gãy rụng là do có thổ địa trú ngụ trong hốc cây. Đó còn là nơi tập trung rất nhiều linh hồn người đã khuất không mồ mả, không hương khói. Cho nên người ta lập miếu thờ dưới gốc cây là nhằm thờ cúng những vong linh không nơi trú ngụ đó.

Ông Đỗ Văn Đệ, Bí thư chi bộ xã Đức Hòa Hạ cho biết: "Cái miếu lớn nhất mới được tôn tạo lại gần đây. Miếu này thờ Bà Chúa Sứ và vong linh của những người lính ngã xuống trên đất này. Cây này, miếu này thiêng lắm, trước đây ai cũng nể sợ. Vùng này cũng trong tầm pháo giặc, nhưng không hề bị một vết trầy xước nào do bom đạn nên càng thiêng hơn". Tuy nhiên, những câu chuyện thần bí xung quanh cây trâm cổ thụ biến nó trở thành địa điểm đáng sợ và ám ảnh người dân bắt đầu từ những năm kháng Pháp.

Sự thật về những lời đồn

Bậc cao niên trong vùng như ông Bảy Nên hơn chục năm trông coi miếu dưới gốc cây luôn dành cho nơi đây lòng thành kính đặc biệt. Ông Bảy Nên nhớ từ rất lâu đã nghe ông bà kể về cây này. Người xưa rất tin và cho rằng cây rất linh thiêng. Họ giải thích rằng, cây tồn tại hàng ngàn năm nên nó tụ hội, kết tinh, tập trung linh khí của dân làng nơi đây nên thiêng liêng như một vị thần.

Hơn thế, trong những câu chuyện kể của người xưa, màu sắc thần bí, huyễn hoặc luôn bao trùm bóng cây trâm miễu khiến nó càng ma quái hơn. Ông Bùi Văn Sáu (79 tuổi, ngụ xã Đức Hòa Hạ) cho biết: "Sự to lớn một cách kỳ lạ của gốc cây cũng như tán lá của nó làm con người trở nên nhỏ bé, choáng ngợp. Vào ban đêm, đứng dưới thân cây lại càng đáng sợ. Không chỉ phát ra những thanh âm đầy ma quái, nơi gốc cây cũng xuất hiện những ánh sáng kỳ lạ khiến người chứng kiến phải nổi da gà. Dần dà, người ta tin rằng cây trâm là nhà của các vong hồn lang bạt, không có chỗ nương tựa".

Những năm kháng Pháp, câu chuyện kỳ bí về cây trâm ma một lần nữa được khẳng định, lan truyền và có phần thực tế hơn. Các bậc cao niên và cựu chiến binh trong vùng cho biết: "Những năm kháng chiến chống Pháp có vô số chiến sĩ ngã xuống dưới gốc cây này. Số người chết nhiều đến nỗi người ta phải lập miếu thờ xem như bát nhang chung cho những người ngã xuống ở đây. Nhiều người tin rằng linh hồn các chiến sĩ bám víu vào cây rất linh".

Người Pháp nhiều lần tìm cách triệt hạ cây trâm, nhưng đều phải hoảng sợ và bỏ cuộc trong vô vọng. Ông Sáu kể: "Người Pháp vốn không tin vào sự thiêng liêng của cây trâm, hơn nữa thấy người dân nơi đây luôn tỏ ra cung kính, khép nép mỗi khi ngang qua gốc cây nên tìm mọi cách đốn hạ nó. Đầu tiên, chúng thuê người chặt những cây con bọc quanh thân cây chính. Tuy nhiên, không ai dám nhận. Người nhận tiền, định ngày đốn hạ thì bị bệnh tật liên miên, người héo hon, vàng võ. Cứ thế, không ai dám phạm cây trâm ma".

Tuy nhiên, giặc vẫn quyết đốn hạ cây thiêng cho bằng được. Sau nhiều lần thuyết phục, hăm dọa người dân bất thành, chúng quyết dùng xe tăng húc đổ cây thiêng. Ông Bảy Nên kể: "Người Pháp muốn chứng minh sức mạnh khoa học vượt qua cả điều thiêng liêng nên lái xe tăng nhằm thẳng miếu thiêng và thân cây húc tới. Tuy nhiên, khi bánh xe tăng vừa lăn lên những chiếc rễ cổ thụ thì chiếc xe bỗng khựng lại. Không ai hiểu vì cớ sự gì nhưng khi mở nắp hầm xe, người trong đó đều hộc máu mà chết. Từ đó, chúng không bao giờ dám bén mảng tới gần cây trâm nữa".

 

Đang bị kẻ xấu lợi dụng?

Ông Đỗ Văn Đệ, Bí thư chi bộ xã Đức Hòa Hạ cho biết: "Hiện rất nhiều người tin vào sự thiêng liêng của cây trâm cổ thụ cũng như miếu thờ dưới gốc. Tuy nhiên, những lời đồn về sự thiêng liêng của cây trâm cổ và miếu thờ là không có căn cứ. Hiện nay, cây trâm này đang bị nhiều thành phần xấu lợi dụng tuyên truyền những điều không hay. Đặc biệt, gần đây, khi ngôi miếu lớn được tôn tạo khang trang hơn, nhiều "đệ tử lô đề" tụ tập về đây cúng vái, xin số tạo hình ảnh không đẹp ở nơi thờ cúng”.

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chuyện kỳ bí về cây trâm bảo vệ miếu thiêng