Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang dự thảo Nghị định về bán, giao và chuyển giao doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước thay thế Nghị định 109/2008/NĐ-CP. Dự thảo đã đề xuất bổ sung 1 chương về chuyển giao doanh nghiệp và đang lấy ý kiến đóng góp.
Chưa có khung pháp luật điều chỉnh
Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, đến nay, các giải pháp sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp nhà nước (cổ phần hoá, bán, giao, chuyển đổi hình thức pháp lý doanh nghiệp…) đã được quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật nhằm đảm bảo tính nhất quán, thống nhất trong thực hiện.
Tuy nhiên, một trong những hình thức sắp xếp mới đã và đang được áp dụng bằng các quyết định cá biệt của cấp có thẩm quyền - đó là hình thức chuyển giao doanh nghiệp từ các bộ, UBND cấp tỉnh cho Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước và ngược lại; chuyển giao doanh nghiệp giữa các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước lại chưa có khung pháp luật điều chỉnh.
Việc chưa có khung pháp luật quy định về chuyển giao doanh nghiệp đã dẫn đến tình trạng chưa đảm bảo tính nhất quán, thống nhất về thẩm quyền, trình tự, thủ tục; quyền, lợi ích, trách nhiệm, nghĩa vụ của các bên; các nguyên tắc trong xử lý vốn, tài sản, công nợ, lao động… trong chuyển giao nên đã nảy sinh nhiều vấn đề trong thực hiện.
Hiện chưa có khung pháp luật quy định về chuyển giao doanh nghiệp
Bên cạnh đó, trong giai đoạn từ 2006-2010 các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước đã đầu tư, góp vốn, thành lập nhiều doanh nghiệp không hoạt động trong ngành, lĩnh vực kinh doanh chính. Điều này đã ảnh hưởng không nhỏ tới hiệu quả hoạt động và việc thực hiện các nhiệm vụ chính được giao của các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước.
Một trong các giải pháp quan trọng trong tái cơ cấu, xử lý vấn đề đầu tư ngoài ngành giúp các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước tập trung vào những ngành, lĩnh vực kinh doanh chính được xác định tại Quyết định số 929/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ là chuyển giao các doanh nghiệp do công ty mẹ trong tập đoàn, tổng công ty giữ 100% vốn điều lệ sang tập đoàn, tổng công ty có ngành nghề kinh doanh cùng với ngành nghề kinh doanh chính của doanh nghiệp chuyển giao.
Trên thực tế, một số lượng không nhỏ các doanh nghiệp thành viên đã được chuyển giao giữa các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước theo định hướng nêu trên. Ví dụ: EVN Telecom đã được chuyển giao từ Tập đoàn Điện lực Việt Nam sang Tập đoàn Viễn thông quân đội; một số doanh nghiệp thành viên của Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam được chuyển giao sang Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam và Tập đoàn Dầu khí Việt Nam. Gần đây, Bộ Giao thông - Vận tải đã ban hành Quyết định số 3287/QĐ-BGTVT về việc thành lập Tổng Công ty Công nghiệp Tàu thủy trên cơ sở tổ chức lại công ty mẹ và một số đơn vị thành viên của Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam; trong đó, sẽ thực hiện cổ phần hóa, bán chuyển nhượng vốn, chuyển giao, sáp nhập 69 doanh nghiệp.
Do đó, cần pháp quy hoá bằng văn bản pháp luật về phương thức chuyển giao doanh nghiệp.
Nguyên tắc, trình tự, quyền và nghĩa vụ các bên
Vì vậy, tại dự thảo Nghị định, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã đề xuất bổ sung 1 chương về chuyển giao doanh nghiệp.
Nguyên tắc xử lý tài sản, tài chính, công nợ và xác định giá trị doanh nghiệp khi chuyển giao doanh nghiệp, Ban Đổi mới tại doanh nghiệp tiến hành kiểm kê, xác định số lượng và thực trạng toàn bộ tài sản; các khoản đầu tư dài hạn, ngắn hạn; tài sản thuê, mượn, giữ hộ, bán bộ, ký gửi, chiếm dụng, cho thuê, cho mượn; đối chiếu và phân loại các loại công nợ; lập danh sách chủ nợ và số nợ phải trả, danh sách người mắc nợ và số nợ phải thu, trong đó phân định rõ nợ có khả năng thu hồi và nợ không có khả năng thu hồi; tiến hành phân loại tài sản, xử lý tài sản và các khoản nợ.
Nguyên tắc giải quyết lao động và cán bộ quản lý thì người tiếp tục làm việc trong doanh nghiệp chuyển giao được tiếp tục ký hợp đồng lao động và được hưởng các chế độ theo quy định hiện hành; Người lao động chấm dứt hợp đồng lao động được hưởng chế độ, chính sách theo pháp luật về lao động hoặc chính sách đối với người lao động dôi dư khi sắp xếp lại công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu.
Trong đó, trình tự chuyển giao doanh nghiệp sẽ bao gồm 8 bước. Căn cứ vào Đề án tổng thể sắp xếp doanh nghiệp 100% vốn nhà nước đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt hoặc quyết định của Thủ tướng Chính phủ về chuyển giao doanh nghiệp, bộ, ủy ban nhân dân cấp tỉnh, công ty mẹ có doanh nghiệp thuộc diện chuyển giao (gọi chung là chủ sở hữu doanh nghiệp chuyển giao) thông báo cho doanh nghiệp thuộc diện chuyển giao chuẩn bị chuyển giao doanh nghiệp.
Chủ sở hữu doanh nghiệp chuyển giao giao cho Ban Đổi mới tại doanh nghiệp chuẩn bị đầy đủ các hồ sơ, giấy tờ pháp lý, hợp đồng chưa thanh lý, các giấy chứng nhận quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản và đất đai của doanh nghiệp; tiến hành kiểm kê, đối chiếu tài sản, công nợ; phương án chuyển giao doanh nghiệp, phương án xử lý tài chính, lao động trình Ban Đổi mới và phát triển doanh nghiệp phê duyệt.
Bên tiếp nhận doanh nghiệp giao cho Ban Chỉ đạo tiếp nhận doanh nghiệp xây dựng phương án tiếp nhận doanh nghiệp, bao gồm cả phương án tiếp nhận, xử lý tài chính, lao động và giám sát việc chuyển giao - tiếp nhận doanh nghiệp báo cáo Ban Đổi mới và phát triển doanh nghiệp bên tiếp nhận để trình Chủ tịch Hội đồng thành viên công ty mẹ phê duyệt.
Ban Đổi mới và phát triển doanh nghiệp bên chuyển giao, bên tiếp nhận thỏa thuận về phương thức bàn giao doanh nghiệp, các điều kiện, cam kết giao nhận doanh nghiệp, cam kết thanh toán nợ. Hợp đồng giao nhận doanh nghiệp gồm các nội dung chính sau và được thông báo tại doanh nghiệp, trên một trong các loại báo viết hoặc báo điện tử 3 số liên tiếp.
Ban Đổi mới và phát triển doanh nghiệp cùng Tổng Giám đốc hoặc Giám đốc doanh nghiệp chuyển giao tổ chức bàn giao doanh nghiệp theo phương án đã được thống nhất cho bên nhận chuyển giao. Sau khi nhận giao, doanh nghiệp chuyển giao thực hiện đăng ký thay đổi tên, chủ sở hữu hoặc đại diện chủ sở hữu tại cơ quan đăng ký kinh doanh. Hồ sơ thay đổi đăng ký doanh nghiệp phải bao gồm quyết định chuyển giao doanh nghiệp, biên bản giao nhận doanh nghiệp.
Nghị định cũng quy định rõ về quyền và nghĩa vụ của bên chuyển giao doanh nghiệp, bên tiếp nhận chuyển giao doanh nghiệp.
Đỗ Huyền