Cấp giấy chứng nhận căn cước cho người gốc Việt chưa xác định quốc tịch là một trong những điểm mới đáng chú ý của Luật Căn cước chính thức có hiệu lực từ 1/7/2024. Nhiều chuyên gia đánh giá việc cấp giấy chứng nhận căn cước cho người gốc Việt chưa xác định quốc tịch là quy định nhân văn, tiến bộ, tạo bước phát triển mạnh mẽ trong công tác quản lý xã hội, đảm bảo quyền của những người sinh sống, làm việc trên lãnh thổ Việt Nam.
Trước đây, Luật Căn cước công dân năm 2014, Luật Quốc tịch đều không điều chỉnh, quy định về nhóm người này, dẫn đến sự tồn tại khoảng trống trong quản lý nhà nước về dân cư cũng như việc thực hiện chính sách an sinh, xã hội, bảo đảm quyền bị hạn chế, ảnh hướng đến công tác hoạch định chính sách phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.
Theo thống kê của Bộ Công an, hiện nước ta có khoảng 31.117 người gốc Việt không xác định được quốc tịch. Trong đó, con lai giữa công dân Việt Nam với nước ngoài chưa xác định được quốc tịch tập trung tại các tỉnh Gia Lai, Bạc người Liêu, Vĩnh Long… có 775 trường hợp; người không xác định được quốc tịch, chưa được đăng ký cư trú tập trung tại Tp Hồ Chí Minh, Lâm Đồng, Đồng Tháp, Bình Dương, Đồng Nai... với 10.650 trường hợp; người không có giấy tờ tùy thân tập trung tại Thành phố Hồ Chí Minh, Lâm Đồng, Đồng Tháp, Đồng Nai, Bình Dương... 16.161 trường hợp.
Việc không có quốc tịch khiến cho người gốc Việt sinh sống ở Việt Nam gặp nhiều trở ngại trong cuộc sống, khi làm thủ tục hành chính, thực hiện giao dịch dân sự; đặc biệt khi thực hiện các quyền kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội.
Từ 1/7, Luật Căn cước chính thức có hiệu lực thi hành, trong đó quy định cụ thể về giấy chứng nhận căn cước và quản lý về căn cước đối với người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch được cấp giấy chứng nhận căn cước.
Theo đó, người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch đang sinh sống tại Việt Nam là người đang sinh sống tại Việt Nam, không có giấy tờ, tài liệu chứng minh có quốc tịch Việt Nam và nước khác nhưng có cùng dòng máu về trực hệ với người đã từng có quốc tịch Việt Nam được xác định theo nguyên tắc huyết thống.
Cụ thể, khoản 1 Điều 30 Luật căn cước quy định về người được cấp giấy chứng nhận căn cước như sau:
Giấy chứng nhận căn cước được cấp cho người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch mà đang sinh sống liên tục từ 06 tháng trở lên tại đơn vị hành chính cấp xã hoặc đơn vị hành chính cấp huyện nơi không tổ chức đơn vị hành chính cấp xã.
Khoản 4 Điều 30 Luật căn cước quy định nơi làm thủ tục cấp, cấp đổi, cấp lại giấy chứng nhận căn cước là cơ quan quản lý căn cước của Công an huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương hoặc cơ quan quản lý căn cước của Công an tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch sinh sống.
Trong trường hợp cần thiết, cơ quan quản lý căn cước quy định tại điểm a khoản này tổ chức làm thủ tục cấp giấy chứng nhận căn cước tại xã, phường, thị trấn, cơ quan, đơn vị hoặc tại chỗ ở của người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch.
Luật này quy định rõ: giấy chứng nhận căn cước có giá trị chứng minh về căn cước để thực hiện các giao dịch, thực hiện quyền, lợi ích hợp pháp trên lãnh thổ Việt Nam;
Cơ quan, tổ chức, cá nhân sử dụng số định danh cá nhân trên giấy chứng nhận căn cước để kiểm tra thông tin của người được cấp giấy chứng nhận căn cước trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cơ sở dữ liệu quốc gia khác và cơ sở dữ liệu chuyên ngành theo quy định của pháp luật.
Khi người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch phải xuất trình giấy chứng nhận căn cước theo yêu cầu của cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền thì cơ quan, tổ chức, cá nhân đó không được yêu cầu người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch xuất trình giấy tờ hoặc cung cấp thông tin đã được chứng nhận trong giấy chứng nhận căn cước, trừ trường hợp thông tin của người đó đã được thay đổi hoặc thông tin trong giấy chứng nhận căn cước không thống nhất với thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư;
Nhà nước bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của người được cấp giấy chứng nhận căn cước theo quy định của pháp luật.
Trao đổi với phóng viên, nhiều chuyên gia pháp lý có chung quan điểm cho rằng việc cấp giấy chứng nhận căn cước cho người gốc Việt chưa xác định quốc tịch là quy định tiến bộ, nhân văn đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của những người sinh sống làm việc trên lãnh thổ Việt Nam mà chưa có quốc tịch Việt Nam
Theo Tiến sỹ, Luật sư Đặng Văn Cường, để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của những người sinh sống làm việc trên lãnh thổ Việt Nam mà chưa có quốc tịch Việt Nam, không xác định được quốc tịch (không phải là công dân Việt Nam) thì cần phải có quy định pháp luật cụ thể để quản lý những người này phải đồng thời xác định địa vị pháp lý của họ đối với các hoạt động hành chính kinh tế, dân sự trên lãnh thổ Việt Nam.
Bởi vậy, những người không có quốc tịch Việt Nam thì cấp giấy chứng nhận căn cước là cần thiết, giấy tờ này sẽ là cơ sở pháp lý để quản lý họ, làm cơ sở để có thể nhập quốc tịch hoặc xác định quốc tịch khi có đủ các điều kiện theo luật quốc tịch và luật pháp quốc tế.
Căn cứ vào đặc điểm về lý lịch, nguồn gốc, đặc điểm về nhân thân mà pháp luật quy định những ai là công dân của quốc gia, những ai là người nước ngoài, người không có quốc tịch, người không xác định quốc tịch, người mang nhiều quốc tịch để có những cơ chế quản lý cũng như được hưởng các ưu đãi phải thực hiện các nghĩa vụ khác nhau theo quy định của pháp luật.
Đồng tình với quan điểm trên, Luật sư Hà Thị Khuyên, (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) đánh giá, việc cấp giấy chứng nhận căn cước cho người gốc Việt Nam chưa xác định quốc tịch là cần thiết và phù hợp, thể hiện sự nhân văn và quan tâm của Chính phủ và Nhà nước xuất phát từ tôn trọng quyền con người, điều này phù hợp với Hiến pháp và các điều ước quốc tế.
Qua đó, góp phần đảm bảo quyền lợi, tạo ra nhiều cơ hội để người gốc Việt Nam chưa xác định quốc tịch, những người yếu thế trong xã hội được hưởng những quyền cơ bản như: khám chữa bệnh, học tập, việc làm, trợ cấp, trợ giúp an sinh xã hội… từ đó giúp họ có được một cuộc sống tốt hơn. Đồng thời, tạo cơ sở pháp lý cho công tác quản lý nhà nước được chặt chẽ; tạo thuận lợi cho công tác hoạch định chính sách phát triển xã hội; bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội.
Sẽ “khai tử” Chứng minh nhân dân từ 1/1/2025
Luật Căn cước gồm 7 chương, 46 điều được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XV, kỳ họp thứ 6 thông qua ngày 27 tháng 11 năm 2023.
Tại khoản 2 Điều 46 Luật Căn cước 2023 quy định Chứng minh nhân dân còn hạn sử dụng đến sau ngày 31/12/2024 thì có giá trị sử dụng đến hết ngày 31/12/2024.
Các loại giấy tờ có giá trị pháp lý đã phát hành có sử dụng thông tin từ chứng minh nhân dân, căn cước công dân được giữ nguyên giá trị sử dụng; cơ quan nhà nước không được yêu cầu công dân thay đổi, điều chỉnh thông tin về chứng minh nhân dân, căn cước công dân trong giấy tờ đã cấp.
Như vậy, đối với Chứng minh nhân dân còn hạn sử dụng sẽ có giá trị sử dụng đến hết ngày 31/12/2024.