Xung quanh đề xuất đánh thuế đối với nhà có giá xây dựng trên 700 triệu đồng được Bộ Tài chính đưa ra tại buổi họp báo công bố dự án Luật thuế tài sản, nhiều chuyên gia đã lên tiếng phản biện đề xuất này.
Ngày 13/4 vừa qua, Bộ Tài chính đã họp báo công bố dự án Luật thuế tài sản. Theo đại diện Bộ Tài chính cho biết vừa kiến nghị với Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội để đưa dự án Luật thuế tài sản vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV.
Thông tin tại buổi họp báo, ông Phạm Đình Thi, vụ trưởng Vụ chính sách thuế, Bộ Tài chính cho biết, Bộ Tài chính đưa ra hai phương án tính thuế trên giá trị nhà từ 700 triệu đồng hoặc trên 1 tỉ đồng. Theo đó, đơn vị này đề xuất mức thuế suất 0,4% thuế tài sản với căn hộ chung cư, đất ở, đất xây nhà chung cư, đất kinh doanh có giá trị từ 700 triệu đồng mỗi năm.
Cụ thể, với ngưỡng không chịu thuế là 700 triệu đồng thì một căn nhà có giá trị 800 triệu đồng sẽ bị đánh thuế với phần giá trị 100 triệu đồng, tức 0,3-0,4% của 100 triệu đồng. Sau khi đề xuất này được công bố, nhiều chuyên gia đã đưa ra quan điểm phản biện lại đề xuất này.
Bộ Tài chính đề xuất mức thuế suất 0,4% thuế tài sản với căn hộ chung cư, đất ở, đất xây nhà chung cư, đất kinh doanh có giá trị từ 700 triệu đồng mỗi năm.
Tạo gánh nặng cho người dân
Bàn luận về đề xuất đánh thuế nhà trên 700 triệu đồng, Tiến sỹ, chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếucho rằng, đề xuất đánh thuế đối với nhà ở của Bộ Tài chính là không hợp lý. Bởi lẽ, một chính sách thuế khi được ban hành phải dựa trên 2 nguyên tắc. Nguyên tắc thứ nhất là đánh thuế trên bất động sản nhưng không làm ảnh hưởng tới việc người dân mua nhà ở. Nguyên tắc thứ hai, việc đánh thuế phải theo lẽ công bằng. Có nghĩa những người giàu thì phải chịu một mức thuế cao hơn những người thu nhập thấp.
Tiến sỹ Nguyễn Trí Hiếu phân tích, hiện tại, nhà nước đang đưa ra nhiều chính sách hỗ trợ người dân mua nhà và nhiều người có thu nhập thấp đang cần chỗ ở. Nên khi nghĩ đến việc đánh thuế nhà ở thì cần phải xem việc này có ảnh hưởng tiêu cực đến chính sách hỗ trợ người dân mua nhà hay không.
Dựa trên 2 nguyên tắc trên ông Hiếu cho rằng, đánh thuế đối với nhà ở ngay từ căn nhà đầu tiên là không hợp lý. “Căn nhà đầu tiên chúng ta không đánh thuế mà bắt đầu đánh thuế từ căn nhà thứ hai trở đi. Bởi lẽ những người có thu nhập cao và kinh doanh bất động sản thì họ sẽ có từ căn nhà thứ hai. Từ đó chúng ta đánh thuế sẽ công bằng hơn và không ảnh hưởng đến chủ trương và chính sách của nhà nước là giúp người nghèo mua nhà”, ông Hiếu nói.
Cũng theo ông Nguyễn Trí Hiếu, chúng ta chỉ nên đánh thuế với quyền sử dụng đất, chứ không nên đánh thuế trên giá trị của căn nhà xây dựng trên đó. Bởi lẽ, căn nhà xây dựng trên đó được làm nên bởi nguồn thu nhập mà người dân đã trả thuế. “Nếu chúng ta đánh thuế nhà ở đồng nghĩa với việc đánh thuế kép trên thu nhập của người dân. Nếu có đánh thuế thì chúng ta chỉ nên đánh thuế trên giá trị gia tăng (của căn nhà mà thôi” – TS Hiếu nói và cho hay, thay vì đánh thuế nhà ở, chúng ta nên đánh thuế đất từ 1-5% giá trị của đất là phù hợp với thu nhập cũng như điều kiện của người dân hiện nay.
Tiến sỹ Nguyễn Trí Hiếu
Trong khi đó, ĐBQH, PGS. TS Hoàng Văn Cường (Phó Hiệu trưởng trường ĐH Kinh tế Quốc dân) việc Bộ Tài chính đề xuất mức khởi điểm là 700 triệu với mức thuế xuất 0,4% thì cần phải xem xét lại. Bởi với cách thu này làm cho phần lớn người đang sở hữu nhà rơi vào đối tượng phải nộp thuế trong khi họ không phải là những người đầu cơ, không phải là những người chiếm hữu quá nhiều tài sản của xã hội càng không phải là những người cần điều tiết.
ĐBQH, PGS. TS Hoàng Văn Cường chia sẻ, thuế đương nhiên tạo ra những nguồn thu cho ngân sách, nhưng không phải vì chi tiêu ngân sách thâm hụt mà nghĩ ra việc thu nhiều loại thuế hơn để bù vào thâm hụt ngân sách, mà phải nghĩ đến làm sao thúc đẩy phát triển kinh tế tạo ra nhiều nguồn thu hơn. Theo ông trên thế giới người ta còn chỉ ra rằng có nhiều loại thuế giảm thì nguồn thu ngân sách nhiều hơn.
Bất hợp lý
Đó là quan điểm của Luật sư Nguyễn Ngọc Anh (Đoàn LSTP Hà Nội) khi nói về đề xuất đánh thuế nhà ở trên 700 triệu đồng của Bộ Tài chính.
Theo luật sư Nguyễn Ngọc Anh cho rằng, đây là một đề xuất bất hợp lý và tạo nhiều nỗi lo đối với người dân. Thực tế khi người dân mua đất xây dựng nhà đã phải chịu nhiều khoản thuế, phí bao gồm thuế sử dụng đất ở, thuế thu nhập cá nhân, phí trước bạ, phí công chứng, phí cấp mới giấy chứng nhận. Thậm chí khi xây nhà ở lại lại phải chịu thêm khoản thuế VAT cho các loại vật liệu xây dựng, thuế VAT trên hợp đồng thi công...
“Đối với một người dân bình thường, để sở hữu một căn nhà hoặc đất rất là gian nan và khó khăn với những khoản lãi suất ngân hàng khá cao. Nếu đánh thuế như vậy là đã đánh cả vào người có thu nhập thấp và trung bình chứ không phải chỉ đánh thuế với người giàu”, luật sư Anh bày tỏ.
Một số chuyên gia pháp lý cũng lo ngại, đề xuất đánh thuế của Bộ Tài chính có thể gây ra tình trạng “thuế chồng thuế” do người tiêu dùng, người mua nhà vừa phải nộp tiền sử dụng đất rất lớn, vừa phải nộp thuế tài sản. Nghiêm trọng hơn, sắc thuế này sẽ tác động đến mặt bằng giá cả nói chung mà trực tiếp là giá cả trên thị trường bất động sản, làm giảm phần nào hoạt động đầu tư, kinh doanh của các nhà đầu tư thứ cấp dẫn tới khả năng sụt giảm giao dịch trên thị trường bất động sản.
Phải tính toán cho vừa sức dân “Bộ Tài chính đã áp đặt một mức 700 triệu đồng để đánh thuế. Đưa ra con số này là một cách vận dụng định mức rất lỗi thời. Người dân đã phải bỏ tiền ra, phải vay ngân hàng để mua nhà, giờ lại bị đánh thuế nữa thì sẽ rất khó khăn nên họ phản ứng tiêu cực là điều dễ hiểu. Cộng thêm với đề xuất đánh thuế ôtô và các loại thuế khác như thuế môi trường trong xăng dầu, làm cho người dân cảm thấy bị sốc”, chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh bày tỏ quan điểm. |