Mới đây 1 số sản phẩm mì ăn liền do Việt Nam sản xuất bị cảnh báo thu hồi trên trang web của Cơ quan An toàn Thực phẩm Ireland (FSAI) khiến nhiều người khá lo lắng.
Ethylene Oxide là chất gì
Cơ quan An toàn Thực phẩm Ireland (FSAI) ra thông báo thu hồi một số lô sản phẩm mì và miến ăn liền của công ty Acecook Việt Nam có chứa chất Ethylene Oxide. Tiếp theo sau sự việc, Văn phòng SPS Việt Nam gửi công văn đến Cục An toàn thực phẩm – Bộ Y Tế, Vụ Khoa học và Công nghệ - Bộ Công Thương, cùng công ty Acecook Việt Nam để yêu cầu kiểm tra, xác minh và có biện pháp khắc phục sự việc.
Sự việc cảnh báo và thu hồi các sản phẩm mì ăn liền sản xuất tại một số quốc gia Châu Á có chứa Ethylene Oxide đã diễn ra tại Châu Âu từ giữa tháng 8/2021, trong đó có Hàn Quốc, Trung Quốc, Việt Nam. Điều đáng nói, theo RASFF - Hệ thống cảnh báo nhanh về thực phẩm và thức ăn (RASFF - Rapid Alert System for Food and Feed) của EU, việc cảnh báo được đưa ra và được thông báo là do phát hiện 2-Chlorethanol (2-CE). Tuy nhiên, một số quốc gia lại thông báo thu hồi vì Ethylene Oxide (EO). Điều này phải hiểu sao cho đúng?
Trả lời vấn đề này, bác sĩ Trần Văn Phúc - Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn Hà Nội cho biết: Có thể nhiều người không để ý tới EO, nhưng nó được sử dụng khá rộng rãi trong khử trùng, như khử trùng thực phẩm, dệt may, thuốc và thiết bị phẫu thuật. Ngay như chiếc khẩu trang chúng ta sử dụng hàng ngày, ngay bao bì bên ngoài, có thể đọc được dòng chữ khử trùng bằng Ethylene Oxide. Thuốc trừ sâu cũng chứa EO, nhưng EO không nghĩa là thuốc trừ sâu.
EO là hợp chất hữu cơ có công thức phân tử C2H4O, trong đó nguyên tử O liên kết với cả hai nguyên tử C nên khá linh động. Sau khi tiếp xúc với thực phẩm, EO tự do dễ dàng tạo thành chất chuyển hóa với sự có mặt của các phân tử H2O, ion clorua và bromua như ethylene glycol, 2-chloroethanol (2-CE) và 2- bromoetanol tương ứng. Các sản phẩm chuyển hoá này, khi định lượng, vẫn được gọi chung là EO. Riêng 2-CE chưa có đủ bằng chứng gây ung thư.
Châu Âu quy định kiểm tra 2 chỉ tiêu EO tự do và 2-CE, từ đó tính ra lượng EO tổng (bao gồm EO tự do cộng với EO quy về được tính toán từ lượng 2-CE phân tích được). Việc cảnh báo có 2-CE có nghĩa là không phát hiện EO tự do trong sản phẩm, mà EO đã chuyển hóa hoàn toàn thành 2-CE. Châu Âu hiện tại quy định EO không được phép sử dụng trên các quy trình sản xuất thực phẩm cho Châu Âu, từ nguyên liệu, sản xuất đến lưu trữ. Thêm vào đó, Châu Âu cũng quy định dư lượng tối đa EO ở mức rất thấp (0,02 – 0,1 ppm, tuỳ sản phẩm. Điều này có nghĩa là không cho phép sử dụng nhưng một mức dư lượng tối đa vẫn được chấp nhận. (MRL – Giới hạn dư lượng tối đa)/(MRL – Maximum Residue Limit).
Vấn đề EO trong thực phẩm có khả năng gây ung thư, bác sỹ Phúc cho biết: "Khi dùng trong một thời gian quá dài, hàm lượng đưa vào trong cơ thể quá nhiều, nhiều đến một ngưỡng nhất định thì lúc đó có thể gây ra những biến chứng ung thư. Nếu định lượng theo số lượng thì để ung thư thì chúng ta phải ăn mỗi một ngày 5 gói trong cả cuộc đời thì mới xuất hiện rằng 1 triệu người bị ung thư mới có 10 người bị ung thư do ăn mì tôm.
Mỗi quốc gia quy định khác nhau về EO
Thực tế, mỗi quốc gia quy định hàm lượng EO khác nhau. Chẳng hạn hầu hết các quốc gia tại Châu Á như: Ấn Độ, Trung Quốc… trong đó có cả Việt Nam chưa đưa ra quy định về hàm lượng Ethylene Oxide trong thực phẩm, Hàn Quốc thì mới đưa ra gần đây. Với Châu Âu thì chỉ cho phép từ 0,02 - 0,1 mg/kg; nhưng Hoa Kỳ cho phép hàm lượng EO trong rau khô, hạt khô và hạt có dầu là 7mg/kg, riêng với óc chó là 50mg/kg; còn tại Canada ngưỡng này cũng là 7mg/kg đối với gia vị và rau sấy.
“Tôi lấy ví dụ như là với Mỹ và Canada, họ quan niệm đôi khi nguy cơ gây nhiễm trùng sẽ ảnh hưởng tới sức khoẻ và gây đe doạ tới tính mạng con người sẽ nguy hiểm hơn so với nguy cơ mà nó gây ung thư. Chính vì như vậy mà Mỹ, Canada đã cho phép sử dụng chất EO vào trong những các quy trình để khử khuẩn trong một số sản phẩm thực phẩm. Còn với châu Á, đặc biệt là Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam, với đặc điểm khí hậu nhiệt đới gió mùa, khả năng nhiễm khuẩn trong thực phẩm rất nhiều vì như thế mà châu Á sẽ không đưa chất EO vào trong danh mục chất cấm, cũng không đưa ra một ngưỡng quy định nhất định, chấp nhận một con số để mà đảm bảo vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm”, bác sĩ Trần Văn Phúc thông tin.
Cũng cần phải nói thêm, tại Châu Âu, không được phép sử dụng làm thuốc trừ sâu trên cây trồng, nhưng trên thực tế vẫn được sử dụng để bảo quản nông phẩm (diệt côn trùng) sau thu hoạch trong giới hạn cho phép theo Luật an toàn thực phẩm EU. Cụ thể với hàm lượng dưới 100 ppm (115mg/m3) đối với kho hành và dưới 50 ppm (57,5 mg/m3) đối với kho khoai tây.
Từ khi Liên minh Châu Âu thắt chặt quy định về EO thực sự đã mang đến một làn sóng được gọi là “thu hồi” sản phẩm. Theo thông tin từ Tổ chức Bảo vệ người tiêu dùng ở châu âu (FoodWatch) ngày 20/07/2021: ở Pháp cuối năm 2020, thu hồi hơn 7000 sản phẩm thực phẩm từ các loại nguyên liệu như hạt như: vừng/mè, hạt tiêu, gừng, bột mì dùng để làm bánh mì Bio đến những sản phẩm ăn liên như kem (kem vị rum nho, kem socola, kem vani, kem dừa...), phomai trắng, cá hồi, thịt gà tây, gà rotie đóng gói chân không, gan ngỗng béo, các loại bánh ngọt như bánh macaron, bánh tarte, bánh eclair và cả trong bánh mì, hamburger dạng lát… có chứa ethylene oxide.
Theo RASFF - Hệ thống cảnh báo nhanh về thực phẩm và thức ăn (RASFF - Rapid Alert System for Food and Feed) của EU - trường hợp như một số sản phẩm mì liền của Việt Nam bị thu hồi thực chất chỉ là cảnh báo “Serious”. Còn việc các quốc gia liên quan đối ứng hành động thế nào, ví dụ như thu hồi, triệu hồi, tiêu hủy hay cảnh báo... là quốc gia đó quyết đinh. Cảnh báo không phải là quyết định hành pháp.
Tại Việt Nam, chất EO vẫn được sử dụng trong khử khuẩn trang thiết bị y tế theo Quyết định số 3671/QĐBYT. Đặc biệt là trong đại dịch Covid lần này thì EO lại càng được sử dụng rộng rãi. Vì vậy, thiết nghĩ chúng ta không nên đẩy vấn đề xuất khẩu trở thành vấn đề trong nước khi chưa có các kết luận của Cơ quan chức năng khiến người dân thêm hoang mang.
Thông tư 10/2020/TT-BNNPTNT về Danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng, cấm sử dụng tại Việt Nam do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành, trong danh mục cấm không có Ethylene Oxide (ETO).
Chất này vẫn được sử dụng trong khử khuẩn trang thiết bị y tế tại Việt Nam theo Quyết định số 3671/QĐBYT.