Một dạng đột biến của loại virus corona mới được tìm thấy ở châu Âu, Bắc Mỹ và các khu vực châu Á có thể dễ lây lan hơn nhưng ít gây chết người hơn, một bác sĩ chuyên khoa bệnh truyền nhiễm nổi tiếng cho biết.
Hình thái siêu cấu trúc của virus corona chủng mới 2019 (2019-nCoV)
Paul Tambyah, chuyên gia tư vấn cấp cao tại Đại học Quốc gia Singapore và là Chủ tịch Hiệp hội Các bệnh Truyền nhiễm Quốc tế, cho biết sự gia tăng thể đột biến D614G của virus corona ở một số nơi trên thế giới diễn ra đồng thời với sự giảm tỷ lệ tử vong đã cho thấy loại virus này ít gây chết người hơn.
Tambyah nói rằng: “Có lẽ đó là một điều tốt khi nó là loại virus dễ lây nhiễm hơn nhưng ít gây chết người hơn”.
Tambyah cho biết hầu hết các loại virus có xu hướng trở nên kém độc hơn khi chúng đột biến.
Ông nói: “Đặc điểm của đột biến virus là lây nhiễm cho nhiều người hơn nhưng ít gây chết người hơn vì virus phụ thuộc vào vật chủ để kiếm thức ăn và nơi trú ẩn”.
Tổ chức Y tế Thế giới cho biết, các nhà khoa học đã phát hiện ra đột biến này vào đầu tháng 2 và nó đã lưu hành ở châu Âu và châu Mỹ. WHO cũng cho biết không có bằng chứng nào về việc đột biến dẫn đến bệnh nặng hơn.
Tổng Giám đốc Y tế Malaysia Noor Hisham Abdullah đã kêu gọi người dân cảnh giác cao hơn sau khi các nhà chức trách phát hiện đột biến D614G của virus corona trong hai ổ dịch mới đây.
Ông cho biết chủng D614G được phát hiện có khả năng lây nhiễm cao gấp 10 lần nhưng các loại vắc-xin hiện đang được phát triển vẫn có thể chống lại đột biến này. Các biến thể gần như giống hệt nhau và không thay đổi các khu vực mà hệ thống miễn dịch của chúng ta thường nhận ra, vì vậy sẽ không có bất kỳ sự khác biệt nào đối với các loại vắc-xin đang được phát triển.