Đó là nhận định của các chuyên gia kinh tế, chuyên gia công nghệ thông tin và chuyên gia bất động sản trong Hội thảo “Thị trường bất động sản trong xu thế chuyển đổi số” do Báo Công Thương phối hợp với Hội Môi giới bất động sản Việt Nam tổ chức sáng ngày 17/6, tại thành phố Đà Nẵng.
Chuyển đổi số trở thành xu hướng tất yếu và làm thay đổi toàn diện mọi lĩnh vực kinh tế - xã hội. Trong đó có lĩnh vực bất động sản. Tại Việt Nam, chuyển đổi số đã diễn ra mạnh mẽ ở nhiều lĩnh vực như tài chính, du lịch… Tuy nhiên, trong lĩnh vực bất động sản, chuyển đổi số diễn ra chậm hơn.
Hội thảo “Thị trường Bất động sản trong xu thế chuyển đổi số” được tổ chức nhằm góp phần giúp doanh nghiệp bất động sản có thông tin toàn cảnh về “bức tranh” chuyển đổi số trong lĩnh vực bất động sản, những tác động và cơ hội mà chuyển đổi số mang lại trong bất động sản; gợi mở các giải pháp, khuyến nghị cho doanh nghiệp bất động sản chủ động thích ứng và chuyển đổi số thành công.
“Hội thảo kỳ vọng sẽ góp một phần nhận diện mức độ chuyển đổi số trong lĩnh vực bất động sản hiện nay, giúp doanh nghiệp đánh giá được mức độ chuyển đổi số hiện tại và có chiến lược phát triển phù hợp; từ đó, thúc đẩy nhanh hơn, bền vững hơn tiến trình chuyển đổi số trong lĩnh vực bất động sản”, ông Nguyễn Văn Minh- Phó Tổng Biên tập Báo Công Thương phát biểu.
Tại hội thảo, hơn 300 đại biểu đã được cập nhật thông tin chung về thị trường bất động sản hiện nay, và toàn cảnh thị trường bất động sản trong xu thế chuyển đổi số.
Theo Hội môi giới bất động sản Việt Nam, thị trường bất động sản Việt Nam năng động và có nhiều động lực phát triển nhất châu Á, duy trì tốc độ tăng trưởng bình quân 15% mỗi năm. Bất động sản được dự báo triển vọng rất tích cực trong 20 năm tới. Tuy nhiên, ngành công nghiệp này cũng đối mặt với những vấn đề nội tại khi quy mô ngày càng tăng và với tốc độ ngày càng nhanh. Bất động sản từ lâu đã được coi là một trong những tài sản có tính thanh khoản thấp nhất.
Các hệ thống thủ tục pháp lý phức tạp rào cản gia nhập thị trường quá cao với hầu hết mọi người, vì tài sản quá đắt, đang ảnh hưởng tới dòng vốn chảy vào bất động sản. Các dòng tài chính quy mô lớn chủ yếu dựa vào các khoản vay ngân hàng và trái phiếu, làm gia tăng rủi ro hệ thống. Rủi ro của ngành bất động sản đã trở thành một trong những rủi ro lớn nhất của nền kinh tế, cả về rủi ro tài chính lẫn sự lãng phi tái nguyên đất.
Tại Hội thảo ông Trương Trí Vĩnh – Phó Tổng Thư ký thường trực Hội môi giới Bất động sản Việt Nam cho rằng: “Chuyển đổi số, như quá trình dịch chuyển từ các quyết định tự phát của thị trường sang các quyết định dựa trên nền tảng dữ liệu, được mong đợi sẽ mang lại giải pháp dẫn dắt ngành công nghiệp này vượt qua những vấn đề nội tại”.
Nổi bật tại hội thảo, các chuyên gia kinh tế, chuyên gia công nghệ thông tin và chuyên gia bất động sản đều có chung nhận định: Chuyển đổi số trong lĩnh vực bất động sản là xu hướng tất yếu. Chuyển đổi số sẽ giúp minh bạch thị trường bất động sản, giúp thị trường bất động sản phát triển bền vững.
Chủ động thích ứng và có chiến lược chuyển đổi số phù hợp sẽ giúp doanh nghiệp tăng khả năng tiếp cận khách hàng, tăng trải nghiệm cho khách hàng, mở rộng thị trường từ đó tăng doanh thu. Tận dụng được các cơ hội từ chuyển đổi số sẽ làm gia tăng giá trị thương hiệu cho doanh nghiệp. Ngược lại, nếu doanh nghiệp chậm chạp và không có chiến lược chuyển đổi số phù hợp sẽ bị tụt lại và có nguy cơ bị đào thải.
Theo Tiến sĩ Cấn Văn Lực – Chuyên gia kinh tế cao cấp, Thành viên hội đồng chính sách tài chính – tiền tệ quốc gia: Những thách thức trong chuyển đổi số bất động sản Việt Nam hiện nay là về nhận thức, thay đổi tư duy, thói quen từ trực tiếp sang trực tuyến. Bên cạnh đó, khung pháp lý chậm thay đổi, cập nhất thiếu đồng bộ và cởi mở; thông tin, dữ liệu thiếu và rải rác; niềm tin của người tiêu dùng cần thời gian vun đắp; kết nối giữa chủ đầu tư – proptechs (realtechs), trung gian tài chính…còn yếu.
Để chuyển đổi số thành công, doanh nghiệp bất động sản cần xây dựng và thực thi chiến lược, mô hình kinh doanh phù hợp với thời đại số; nghiên cứu, tính toán phương án tối ưu về đầu tư công nghệ thông tin và tích hợp các kênh phân phối khác nhau; thay đổi mô thức tuyển dụng, đào tạo và phát triển nguồn nhân lực số; tăng cường kết nối, hợp tác; nâng cao năng lực quản trị doanh nghiệp và quản lý rủi ro công nghệ thông tin.
Ngoài ra, cần xây dựng, quản lý, khai thác và phân tích cơ sở dữ liệu; kiến nghị, tham gia xây dựng khuôn khổ pháp lý cho chuyển đổi số; hỗ trợ nâng cao kiến thức, nhận thức của khách hàng và cơ quan quản lý về chuyển đổi số.