Chuyển đổi số là cơ hội “vàng” giúp doanh nghiệp vượt COVID-19

Trang Nhi| 28/06/2021 19:54
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Chuyển đổi số mạnh mẽ và tạo lập hệ sinh thái, được xem như là “nước cờ chiến lược” để doanh nghiệp Việt gia tăng lợi thế cạnh tranh, tối ưu nguồn lực và chi phí trong cuộc sống “bình thường mới”.

Chuyển đổi số - “Nước cờ chiến lược”

Từ khi xảy ra dịch COVID-19, mỗi doanh nghiệp (DN) có những thách thức và khó khăn khác nhau những giống nhau là mọi thứ đều bất định. Đợt dịch COVID-19 bùng phát lần thứ 4 khiến nhiều hoạt động bán hàng, trao đổi thông tin đều đưa lên không gian mạng. Để duy trì sản xuất, các doanh nghiệp cần cố gắng đảm bảo an toàn lao động qua việc “ít chạm” và duy trì giao tiếp với khách hàng để tiêu thụ hàng hóa. Để làm được điều này, doanh nghiệp cần đẩy nhanh tốc độ chuyển đổi số.

1(3).jpg

Chuyển đổi số là “nước cờ chiến lược” cho doanh nghiệp trong thời kỳ “bình thường mới”.

Ông Nguyễn Hoàng Ngân, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Nhựa Bình Minh nhận định, dịch COVID-19 có nhiều yếu tố tiêu cực tới doanh nghiệp Việt Nam và chỉ có 1 yếu tố tích cực là đẩy nhanh quá trình số hóa, chuyển đổi số.

“Năm 2021, chúng tôi xây dựng khẩu hiệu "Linh hoạt ứng phó để vượt lên thách thức". Đây là giải pháp cần thiết vì chúng ta không thể chắc chắn điều gì xảy ra. Kinh nghiệm của chúng tôi là xây dựng kế hoạch và chuyển đổi số từ trước, chứ không phải đợi COVID-19 mới chuẩn bị. Đây chỉ là dịp để đẩy nhanh quá trình số hóa, chuyển đổi số”, ông Nguyễn Hoàng Ngân cho biết.

Có thể thấy, dịch COVID-19 đang tác động lớn đến hoạt động doanh nghiệp khiến chủ doanh nghiệp đang tìm cách thích ứng. Và yêu cầu về việc ứng dụng công nghệ trong tìm kiếm khách hàng và xuất khẩu hàng hóa trực tuyến là hướng đi tất yếu.

2(3).jpg

Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông.

Để thích ứng với tình hình mới, Chính phủ đã ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 52-NQ/TW, đồng thời Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị 01/CT-TTg ngày 14/1/2020 về “Thúc đẩy phát triển công nghệ số Việt Nam”, Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 3/6/2020 phê duyệt “Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”.

Chuyển đổi số tác động sâu rộng, bao trùm lên tất cả các ngành, các lĩnh vực kinh tế - xã hội, góp phần tăng năng suất lao động, chuyển đổi mô hình hoạt động, kinh doanh theo hướng đổi mới sáng tạo, từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh của quốc gia. Chuyển đổi số giáo dục sẽ đổi mới cách thức giảng – dạy truyền thống hướng tới phổ cập hoá và cá nhân hoá dịch vụ học tập suốt đời tới từng người học. Chuyển đổi số y tế sẽ cho phép người dân, thông qua các nền tảng số tiếp cận với dịch vụ y tế tốt nhất 24/7 từ những bác sĩ giỏi nhất, giải quyết vấn đề giảm tải cho các cơ sở y tế…

“Vaccine” cho doanh nghiệp bản lĩnh vượt qua COVID-19

Tuy nhiên, hầu hết các doanh nghiệp, các cơ quan, tổ chức vẫn chưa biết phải bắt đầu chiến lược chuyển đổi số từ đâu dù biết là con đường phải đi.

Bởi vậy, hiện nay có nhiều nền tảng để các doanh nghiệp triển khai chuyển đổi số chỉ trong vòng 1 tháng. Có thể kể đến như Trung tâm dịch vụ điện tử - FPT IS (FPS) đã triển khai gói trợ lực 0 đồng giúp doanh nghiệp vận hành giao dịch số với trọn bộ giải pháp Hóa đơn điện tử, Hợp đồng điện tử, Trích xuất dữ liệu, Quản lý hóa đơn đầu vào và Chữ ký số.

Tập đoàn VNPT cũng đã triển khai giải pháp Trung tâm điều hành thông minh (IOC) - “bộ não số” cho công tác điều hành Đô thị thông minh tại gần 30 tỉnh, thành phố. Một trong những đột phá của giải pháp IOC của VNPT là khả năng cung cấp thông tin, dữ liệu phục vụ chỉ đạo điều hành trên nền tảng thiết bị di động, giúp các lãnh đạo địa phương có thể dễ dàng quản trị điều hành mọi nơi, mọi lúc.

Theo các chuyên gia của Chương trình Hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số giai đoạn 2021-2025 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, lộ trình chuyển đổi số cho doanh nghiệp tại Việt Nam được khuyến nghị thông qua các giai đoạn phổ biến sau: giai đoạn chuẩn bị và 3 giai đoạn để thực hiện chuyển đổi dần từ “doing digital” sang “being digital”.

3(1).jpg

Giao dịch số không gián đoạn với Bộ giải pháp miễn phí của FPT IS.

Các giai đoạn này là tương đối, tùy vào tình trạng thực tế, mục tiêu và tiềm lực của từng doanh nghiệp, có thể thực hiện song song hoặc nối tiếp nhau.

Giai đoạn I: Chuyển đổi số mô hình kinh doanh. Giai đoạn này thường áp dụng công nghệ số để mở rộng hệ thống kênh phân phối, tiếp thị, bán hàng và nâng cao hiệu quả hoạt động chăm sóc khách hành, hình thành trải nghiệm khách hàng…

Giai đoạn II: Chuyển đổi số mô hình quản trị (bao gồm quy trình sản xuất, quy trình công nghệ…), như hoàn thiện mô hình quản trị và xác định các yêu cầu về dữ liệu tích hợp cho bước tiếp theo; Xây dựng và hoàn thiện mô hình quản trị đi từ cơ cấu tổ chức, con người, chính sách, quy trình cho tất cả các mảng nghiệp vụ chức năng của doanh nghiệp; Xây dựng chỉ tiêu quản trị (KPI/OKR) và hệ thống báo cáo quản trị, và yêu cầu cơ sở dữ liệu; Xác định các yêu cầu phục vụ mục đích tích hợp, chuyển đổi số toàn diện; Áp dụng công nghệ số cho hệ thống báo cáo quản trị…

Giai đoạn III: Kết nối kinh doanh và quản trị, đổi mới sáng tạo để tạo ra sản phẩm, dịch vụ mới.

Tại Việt Nam, năm 2020 được coi là năm chuyển đổi số quốc gia với việc triển khai mạnh mẽ các hạ tầng, nền tảng, sản phẩm, dịch vụ công nghệ thông tin, áp dụng các công nghệ tiên tiến như dữ liệu lớn (Big Data), điện toán đám mây (Cloud Computing), trí tuệ nhân tạo (AI), Internet vạn vật (IoT)... Năm 2021 sẽ tiếp tục là động lực để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số với sự vào cuộc của doanh nghiệp và sự tham gia ngày càng nhiều của người dân vào quá trình này.

(Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ)

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chuyển đổi số là cơ hội “vàng” giúp doanh nghiệp vượt COVID-19