Đó là khẳng định của ông Dương Anh Đức - Phó Chủ tịch UBND TP.HCM tại Hội thảo Vùng Đông Nam Bộ về chuyển đổi số giáo dục phổ thông với chủ đề "Khai thác dữ liệu - Kiến tạo giá trị" do UBND TP.HCM, Ban chỉ đạo số chuyển đổi số ngành GD&ĐT tổ chức vào sáng 9/11.
Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức cho biết, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong giáo dục được xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, nhằm đổi mới phương pháp giảng dạy, học tập và quản lý, góp phần nâng cao chất lượng các hoạt động giáo dục.
Theo chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) là một trong những lĩnh vực được ưu tiên chuyển đổi số.
“Lãnh đạo TP.HCM đã có nhiều chỉ đạo ngành GD&ĐT Thành phố chú trọng ứng dụng công nghệ thông tin trong thực hiện các nhiệm vụ, qua quá trình thực hiện đã ghi nhận được những hiệu quả tích cực”, ông Đức nói.
Theo ông Đức, GD&ĐT là một trong những yếu tố quan trọng nhất trong chỉ số năng lực cạnh tranh của khu vực, chuyển đối số trong giáo dục luôn được quan tâm và đầu tư như một giải pháp mũi nhọn nhằm nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh của địa phương.
“Những định hướng, góp ý trong Hội thảo sẽ góp phần vào kết quả tích cực của công tác chuyển đổi số giáo dục, là động lực quan trọng để ngành GD&ĐT TP.HCM và Vùng Đông Nam Bộ tiếp tục phấn đấu, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tiếp tục tiến trình chuyển đối số toàn diện hơn”, ông Đức nói.
Chuyển đổi số ngành GD&ĐT là quá trình thay đối về tư duy, cách thức hành động của cá nhân và vận hành của tổ chức trong hệ thống giáo dục. Sự thay đổi này được tạo điều kiện bởi công nghệ, được phát triển bởi sự tiếp nhận và tham gia tích cực của cộng đồng và được dẫn dắt bởi sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế từ khai thác nguồn vốn chính sang khai thác nguồn vốn dữ liệu.
Tại TP.HCM, ứng dụng công nghệ thông tin để thực hiện công tác quản lý giáo dục đã được triển khai đồng bộ, thống nhất từ các phòng, ban tới các trung tâm, đơn vị trực thuộc Sở GD&ĐT trong nhiều năm.
Việc khai thác, sử dụng phần mềm quản lý văn bản hành chính, quản lý điều hành đã góp phần nâng cao hiệu quả các hoạt động lãnh đạo, chỉ đạo và điều hành.
Hiện tại, nhu cầu vô cùng bức thiết đặt ra cho ngành GD&ĐT Thành phố là phải tập trung phát triển các giải pháp chia sẻ, tích hợp dữ liệu để hình thành một cơ sở dữ liệu tích hợp tập trung duy nhất tại Sở; hướng tới việc xây dựng hệ thống thông tin ngành giáo dục trên cơ sở tích hợp, chia sẻ dữ liệu giữa các thành viên của hệ thống, đồng thời đảm bảo tuân thủ các tiêu chuẩn kỹ thuật và kết nối được với các hệ thống thông tin ngành.
Song song với việc đẩy mạnh các ứng dụng công nghệ thông tin trong các hoạt động quản lý và đào tạo, Sở đã duy trì một cơ sở dữ liệu thông tin chung về giáo dục của toàn thành phố, gồm thông tin về danh sách các cơ sở giáo dục công lập, ngoài công lập và các trung tâm, doanh nghiệp thực hiện công tác đào tạo, tư vấn, giáo dục và hướng nghiệp; thông tin về cơ sở vật chất các cơ sở giáo dục trên địa bàn thành phố; thông tin về danh sách học sinh, học viên; thông tin về danh sách nhân sự ngành GD&ĐT và nhân sự các trung tâm, doanh nghiệp thực hiện công tác đào tạo, tư vấn, giáo dục và hướng nghiệp trên địa bàn.
Hội thảo Vùng Đông Nam Bộ về chuyển đổi số giáo dục phổ thông được xem là bức tranh tổng thế về kiến trúc chuyển đổi số, trong đó chú trọng vào 4 nội dung như khởi tạo, quản trị, chuẩn hóa dữ liệu; phân tích dữ liệu phục vụ công tác quản lý; khai thác dữ liệu tạo ra giá trị mới; đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao năng lực số.
10 mục tiêu chuyển đổi số của ngành GD&ĐT TP.HCM đến năm 2025 định hướng 2030:
- Đảm bảo hạ tầng kỹ thuật và trang thiết bị CNTT trường học, bao gồm: máy tính, đường truyền và trang thiết bị phù hợp để thực hiện các mô hình dạy học mới.
- Nâng cao vai trò của hệ thống thông tin quản lý thông qua đẩy mạnh hoạt động xác thực dữ liệu giữa các cơ quan nhà nước, liên thông dữ liệu giữa các hệ thống từ đó nâng cao chất lượng dữ liệu đáp ứng các yêu cầu quản lý, điều hành.
- Thúc đẩy mô hình dạy học kết hợp như lớp học thông minh, bài giảng tương tác nhằm mở rộng hoạt động học tập của học sinh ra ngoài phạm vi lớp học.
- Tạo lập kho học liệu số dùng chung cho toàn ngành giúp giáo viên xây dựng và triển khai các bài giảng trên môi trường LMS nhanh chóng và hiệu quả hơn.
- Phát triển nền tảng số phục vụ hoạt động dạy học và các khóa học trực tuyến đại chúng mở (MOOCs) để tạo điều kiện cho học tập linh hoạt và tiếp cận rộng rãi hướng đến xây dựng xã hội học tập và phục vụ cho mục tiêu học tập suốt đời cho người dân thành phố.
- Đẩy mạnh bồi dưỡng đào tạo giúp nâng cao nhận thức và kỹ năng số của đội ngũ nhân sự giúp giáo viên, cán bộ quản lý hiểu và sử dụng công nghệ một cách hiệu quả.
- Triển khai các chứng chỉ tin học chuẩn quốc tế.
- Tích hợp hợp tác với cộng đồng doanh nghiệp Edtech để cung cấp đến các đơn vị và cá nhân nhiều giải pháp công nghệ tiên tiến; thu hút nguồn vốn đầu tư vào thị trường công nghệ giáo dục.
- Xây dựng cơ chế và chính sách hỗ trợ để đảm bảo và thúc đẩy sự phát triển của công nghệ trong giáo dục.
- Giám sát và đánh giá định kỳ xây dựng và triển khai các kế hoạch kiểm tra đánh giá định kỳ để đảm bảo các nỗ lực chuyển đổi số của các cấp chính quyền, cơ sở đạt hiệu quả và theo đúng định hướng chung.