Nhắc đến Cần Giờ, người ta nhớ ngay đến đảo khỉ với hàng ngàn con sống thành bầy đàn. Khỉ ở Cần Giờ gần con người tới mức dạn dĩ, thậm chí hơi “lì lợm”, hơi… vô duyên. Nhưng nó cũng là một nét độc đáo thu hút khách thập phương.
Đàn khỉ từ chỗ vài cá thể phát triển thành một cộng đồng quần cư độc đáo, là một quá trình dài. Trong đó có bàn tay những con người dũng cảm, can thiệp vào lẽ sinh tồn tự nhiên, kiến thiết nên một cuộc cộng sinh kỳ lạ làm nên đảo khỉ bây giờ. Tương tự như cách mà Cần Giờ từ hoang sơ, lột xác thành một đô thị sinh quyển, một báu vật của Sài Gòn.
Miên man đất đảo
Có dịp lên trực thăng, nhìn Cần Giờ từ trên trời, không bị những tầng mây che khuất như máy bay thương mại, sẽ thấy dưới tầm mắt là một trảng xanh khổng lồ, mênh mông ngút ngàn. Những cánh rừng nguyên sinh bao lao xen kẽ kênh rạch chằng chịt, đẹp đến mê hồn, đúng nghĩa là “lá phổi xanh” của Sài Gòn. Nhìn từ trên cao, Cần Giờ hãy còn nguyên sơ lắm. Vẻ u tịch, tĩnh lặng như cố níu giữ những huyền tích cũ. Bao quát một vùng xanh rộng lớn, tuồng như chuyện đặc công rừng Sác lội sông đánh nhau với cá sấu để sinh tồn, như vừa mới xảy ra chưa lâu. Thành ra, chỉ cách trung tâm thành phố chưa đầy 50km nhưng Cần Giờ mới được nhắc đến nhiều hơn chục năm trở lại đây.
Cần Giờ một bề là biển, ba bề là rừng. Những cây đước, cây bần, cây mắm tán cây xòe vào nhau như dắt díu tiến dần về phía biển. Cây cắm rễ sâu xuống đất mặn, chắt chiu dưỡng chất nuôi sống mầm xanh. Cây cũng như người, kham khổ nhưng bền chí. “Hồi trước, chất độc hóa học rải thảm xuống, người chết cây héo. Đất cháy loang lổ, đỏ ối cả một vùng” - ông Nguyễn Văn Tám, lão niên ngoài bảy mươi tuổi, kể lại. Lúc ấy, Cần Giờ đúng là vùng đất chết. Nhưng kỳ diệu thay, những cây đước, cây mắm, cây bần vẫn sống bền bỉ, nhiều mầm xanh nhú lên mang theo hy vọng. Con người chỉ cần mang những mầm nhỏ cắm xuống, tự khắc cây mọc lên xanh tốt. Nhờ vậy, những cánh rừng hồi sinh mãnh liệt. Người dựa vào rừng mà sống.
Khách tham quan nô đùa với các chú khỉ
Ngày trước chưa có ánh sáng điện, nhiều người bắt ốc đi lạc ra khơi rồi cho là bị ma dẫn. Bị mưa hoặc bị nước biển dâng rồi chuột rút, rồi chết. Nay người ta không lầm lạc như vậy nữa nhờ có ánh sáng điện. Xa hơn, ông Tám nhớ, câu chuyện truyền miệng về nguồn gốc của Cần Giờ. Sông lắng, biển bồi bao năm tạo ra doi đất dài như con đê, chạy dọc bờ biển. Ông cha tìm đến khai phá, định cư, bám biển mà sống. Nghề chài lưới có từ hồi xưa nên mới có “đặc sản” lễ hội Nghinh Ông ở Cần Giờ. Để ra được biển, để sinh tồn giữa những cánh rừng, những con người rắn rỏi phải chống chọi với thuồng luồng, cá sấu. “Đất Cần Giờ tạo nên người Cần Giờ hôm nay. Bền gan như sắt đá nhưng sống hài hòa, trái tim rộng mở” - ông Tám tự hào.
Cần Giờ hôm nay rất khác. Đặc biệt khi được UNESCO công nhận là khu dự trữ sinh quyển thế giới, người Sài Gòn và khắp nước tìm đến, mỗi ngày số lượng đến vài nghìn. Hơi thở đô thị bắt đầu len sâu vào những cánh rừng, khu chợ… biến Cần Giờ thành thiên đường du lịch. Từ một ốc đảo hoang sơ, Cần Giờ hiện nay đã kết nối với trung tâm thành phố bằng đường nhựa rộng thênh thang. Người từ Sài Gòn đến bằng nhiều phương tiện, kể cả xe buýt. Làn sóng du lịch khiến Cần Giờ đô thị hóa nhanh chóng. Hàng loạt resort, khu nghỉ dưỡng mọc lên san sát. Mới đây nhất, gã khổng lồ Vingroup đã tiến đến vùng đất này bằng dự án du lịch sinh thái rộng đến 800ha, mang theo cơn sốt đất manh nha ở những điểm lân cận. Cơn sốt du lịch kéo một số ngư dân lên bờ, đưa hải sản vào khu chợ Hàng Dương, với những sớm mai những ban chiều nhộn nhịp bán mua. Những vựa hải sản mọc san sát, có bếp lửa than hồng sẵn sàng nướng những món biển tươi sống thơm nức, ngọt lành phục vụ du khách.
Dĩ nhiên, điều hấp dẫn nhất lôi kéo người thập phương đến cần giờ là Đảo Khỉ. Nằm trong Khu Du lịch sinh thái Lâm Viên, xã Long Hòa, huyện Cần Giờ, đảo khỉ là 1 trong 24 tiểu khu của rừng ngập mặn Cần Giờ. Đáng lẽ phải gọi đúng là Lâm Viên nhưng người ta quen gọi Đảo Khỉ từ lâu rồi. Dưới những tán cây rừng ngập mặn, đám “hậu duệ lão Tôn” láu lỉnh, nghịch ngợm đủ trò… Bước qua cổng, du khách liền được các “cư dân” Vương quốc khỉ chào đón, nào là khỉ đực, khỉ cái, khỉ con... Nhiều con “đón” khách ngay giữa đường, con khác thì leo cây đánh đu chào mừng, con thì thoắt ẩn thoắt hiện. Chúng làm đủ trò: tranh giành đồ ăn, cũng chụm đầu vào nhau “buôn dưa lê”, ghẹo nhau, “bắt chí” cho nhau rất thân thiện ngay trên mặt đường, bắt chước những hành động của con người. Không nơi nào mà người có thể gần khỉ như vậy. Khỉ Cần Giờ dạn dĩ, tinh khôn, thậm chí rất ma mãnh với những trò giật đồ ăn trên tay du khách hoặc hù dọa con người. Cảm giác thú vị, như thể những anh bạn đang múa may món võ Hầu quyền rối rắm kia, chỉ thiếu có tiếng nói và quần áo, thì lập tức tiến hóa thành con người.
Chuyện những người gọi khỉ
Để có những đàn khỉ dạn dĩ, tinh nghịch, thành một sản phẩm du lịch như hôm nay, ít ai biết đó là cả một quá trình dài những cán bộ Lâm Viên phải bám rừng dụ khỉ về. Sau chiến tranh, vì chất độc hóa học tàn phá, khỉ mất môi trường sống, chỉ còn vài cá thể. Các thể hệ Lâm Viên đã tiếp nối nhau bám rừng dụ khỉ về, xây dựng môi trường sống cho khỉ. Chuyện loài người đối đãi với loài khỉ, rất gần gũi và cảm động. Ở Cần Giờ, người ta vẫn nhắc về chuyện ông Vương Đình Bơ, là cựu cán bộ biên phòng thuộc thế hệ đầu tiên có mặt ở đảo khỉ, người đã ăn rừng ngủ rừng nghĩ cách dụ đàn khỉ trở về sau bom đạn, huấn luyện chúng từ những “kẻ hoang dại” thành những diễn viên biết… tạo dáng cho khách chụp hình, dạn dĩ và gần gũi với con người. Ông Bơ người Nghệ An, đi nhiều chiến trường, sau đó gắn bó với đảo khỉ. Vì tình yêu với loài linh trưởng này mà ông quyết định ở lại, chọn Cần Giờ làm quê hương. Ông kể, sau chiến tranh, cả một vùng rừng rộng lớn chỉ còn lại được vài bụi cây mắm, vài con khỉ đang cố bám víu mảnh đất chết để tồn tại. Nhờ sức sống mãnh liệt của cây đước, cây mắm, công sức của cán bộ biên phòng và người dân đã hồi sinh lại những cánh rừng đước xanh bạt ngàn. Rừng trở nên tươi tốt xanh rì, loài khỉ theo tiếng gọi của rừng cũng lũ lượt kéo nhau về sinh sống đông đúc.
“Lúc đó, không thể nghe được tiếng khỉ rú, cũng chẳng ai tin là có khỉ ở vùng này” - ông Bơ hồi tưởng. Chỉ sau những đợt tuần tra, thấy vỏ trái cây bị vứt ngoài đường, người dân đi trồng rừng mang theo thức ăn treo trên cây bị trộm, phần còn dư bị vứt tứ tung, thậm chí có người bị chọc ghẹo, ông nảy ra sáng kiến mỗi khi vào rừng mang theo trái cây vứt dọc đường đi. Hôm sau kiểm tra thấy trái cây bị ăn hết, bên những vũng bùn có dấu chân của khỉ để lại, thậm chí khỉ ngửi thấy mùi trái cây ở gần đồn biên phòng nên tự tìm đến, lúc đó anh em mới tin rừng ngập mặn có khỉ sinh sống. Ông Bơ được ban quản lý giao nhiệm vụ phải lấy thức ăn cho bầy khỉ ăn. Một vài cá thể, rồi một đàn khỉ tìm đến, giúp cuộc sống của chốt biên phòng nơi hoang sơ trở nên sinh động hẳn. Nhưng khi thấy bóng dáng người lạ thì chúng bỏ chạy vì sợ bị sát hại. Ông Bơ cùng hai đồng sự suy nghĩ mãi, cuối cùng tìm cách dụ khỉ ra khỏi rừng về sống gần gũi với con người. Lúc đầu, ông tìm sâu vào rừng rải thức ăn, theo từng điểm, ngày hôm sau lại gần hơn hôm trước. Cứ thế, bầy khỉ theo dấu thức ăn tìm về với người. Sau đó, ông tập cho khỉ thói quen đánh kẻng đến giờ ăn như… trong quân đội, đến giờ để trái cây ông đánh kẻng, lũ khỉ hiểu ý tìm đến.
Phải mất hàng năm, ông Bơ mới dụ được một đàn khỉ 90 con từ rừng sâu về đảo, nhưng mỗi khi về chốt biên phòng phải qua một con suối, nhiều lần lũ khỉ đi theo đuôi nhưng tới bờ suối không đi tiếp nữa. “Chúng có vẻ chưa tin hẳn nên do dự. Nhiều ngày sau, con đầu đàn mới dám theo chân. Chúng tôi mừng lắm” - ông Bơ kể. Con khỉ đầu đàn bơi qua suối lấy thức ăn và cứ như thế đàn khỉ theo chân người về. Nhiều người dân kéo tới xem mỗi ngày, những con khỉ bắt đầu thân thiện, nhảy nhót quanh quẩn gần người. Dẫn dụ được bầy khỉ về gần với người, ông Bơ lúc nào cũng quấn quýt bên bầy khỉ như bạn hiền. Ông tìm hiểu tập tính sinh hoạt của bầy khỉ đuôi dài, quan sát chúng tỉ mỉ và theo dõi cách ăn cũng như quá trình hoạt động bầy đàn. “Khỉ sống ở rừng ngập mặn Cần Giờ hung hăng hơn các loài khỉ khác, có tính bầy đàn rất cao, khi có đe dọa từ bên ngoài, lập tức cả đàn đồng loạt xông lên tấn công, khi đàn quá đông tự nó sẽ phân đàn đi ăn riêng” - ông phân tích. Để có thể thuần dưỡng khỉ, ông và các đồng nghiệp đã thay nhau học tiếng hú để bắt chước khỉ. Phải hú sao thật to và thật vang thì lũ khỉ mới nghe thấy. Mất nhiều tháng như thế, tiếng hú của ông thành một tín hiệu của loài khỉ. Dân Cần Giờ thích thú, mỗi lần cán bộ biên phòng cất tiếng hú, đàn khỉ từ đâu tung tăng chuyền cành, kêu la om sòm, tìm về với người. Từ một vài cá thể đơn lẻ, đàn khỉ bây giờ lên đến gần 1.500 con, sống tập trung tại một tiểu khu rừng ngập mặn, thành một điểm du lịch.
Ông Bơ bây giờ đã nghỉ hưu, về nhà nuôi cá sấu, giao lại đàn khỉ cho cán bộ Lâm Viên Cần Giờ. Những người tâm huyết như ông, bằng phương tiện khoa học, đang chăm sóc và giúp chúng sinh sôi. Như anh Nguyễn Hữu Trước, Phó ban quản lý Đảo khỉ, cũng đã gắn bó với bầy khỉ hơn 15 năm nay, hiểu tất cả tập tính của loài khỉ. Ở đảo khỉ, anh Phước kể, cực nhất là vào mùa giao phối. Lũ khỉ đánh nhau giành bạn tình, nhiều con bị thương nặng. Có con sứt đầu mẻ trán, cụt cả tay. Anh và các nhân viên phải lội rừng tìm cách chăm sóc, chữa bệnh cho chúng. Khiếp nhất là cảnh tranh giành lãnh địa, tranh giành ngôi vương của các đàn khỉ. Những cuộc chiến đấu sinh tử, nhiều con trọng thương ra máu rất nhiều. “Khỉ cũng như người, khi bị thương chúng thở dốc, rên rỉ, nước mắt ứa ra. Mỗi lần như vậy mình cũng chực khóc” - anh kể. May mà loài khỉ có sức đề kháng cao nên cũng dễ bề chữa trị, chăm sóc. Mỗi lần như thế, phải nấu thêm nhiều thức ăn dinh dưỡng, mua thêm hoa quả để tẩm bổ. Nghe qua như việc chăm sóc con người. “Hồi trước cũng vất vả, có lúc bực mình vì lũ khỉ hiếu động. Nhưng ở nhiều năm mới thấm được tình cảm dành cho chúng. Giờ không thể rời xa nơi đây được nữa” - anh Phước tâm tình. Tình cảm đối với lũ khỉ cũng như con người, thắm thiết lắm, không thể rứt ruột mà đi được. Bởi vậy, dù nhiều cơ hội có công việc tốt, thu nhập gấp đôi gấp ba nhưng anh vẫn khước từ phố thị, ở lại với đảo khỉ yên bình.
Có lẽ, chính nhờ những người như ông Bơ, anh Phước, mà lũ khỉ thấm được tình cảm con người dành cho chúng, mà trở nên gần gũi thân thiết hơn. Đảo khỉ, trở thành một sản phẩm du lịch độc đáo, không chỉ nhờ có lũ khỉ hiếu động mà còn bởi những câu chuyện tha thiết, đậm khí phách con người Cần Giờ, rắn rỏi nhưng chan hòa, ở giữa thiên nhiên…