Chuyến công tác Thái Lan của Chủ tịch nước đạt kết quả toàn diện, thực chất và cụ thể

Nhật Minh (ghi)| 19/11/2022 23:50
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Ngày 19/11, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đã trả lời phỏng vấn báo chí về kết quả chuyến công tác của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc thăm chính thức Thái Lan và tham dự Tuần lễ cấp cao APEC năm 2022 tại Bangkok.

ttxvn_chu_tich_nuoc_apec_2.jpg
Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha đón Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đến dự hội nghị APEC. Ảnh: TTXVN

Chuyến thăm chính thức của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đến Vương quốc Thái Lan và tham dự Hội nghị các nhà lãnh đạo kinh tế Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) đã diễn ra từ ngày 16-19/11. 

Ngay sau kết thúc chuyến thăm, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đã trả lời phỏng vấn báo chí về kết quả chuyến thăm.

PV: Xin Bộ trưởng cho biết những kết quả nổi bật của chuyến thăm chính thức Vương quốc Thái Lan của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc?

Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn: Chuyến thăm chính thức Vương quốc Thái Lan của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã thành công tốt đẹp, góp phần triển khai đường lối đối ngoại Đại hội Đảng XIII, ưu tiên phát triển toàn diện quan hệ với các nước láng giềng và ASEAN, trong đó có Thái Lan.

Đây là chuyến thăm Vương quốc Thái Lan đầu tiên của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc trên cương vị mới, là chuyến thăm đầu tiên của Lãnh đạo cấp cao Việt Nam tới Thái Lan kể từ sau Đại hội Đảng XIII và từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát. Chuyến thăm có ý nghĩa quan trọng, là dấu mốc trong quan hệ Đối tác Chiến lược tăng cường giữa Việt Nam và Thái Lan, tạo xung lực mới thúc đẩy hợp tác giữa hai nước; truyền đi thông điệp về quyết tâm của Lãnh đạo hai bên đưa quan hệ Đối tác Chiến lược tăng cường Việt Nam - Thái Lan phát triển ngày càng mạnh mẽ, toàn diện và hiệu quả hơn.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc là Lãnh đạo cấp cao nước ngoài đầu tiên Thái Lan đón song phương chính thức ngay trước thềm Hội nghị Cấp cao APEC. Các nhà Lãnh đạo Thái Lan đánh giá cao ý nghĩa quan trọng của chuyến thăm nhằm tạo tiền đề thuận lợi nâng tầm hợp tác giữa hai nước trong thời gian tới trên cả bình diện song phương và đa phương trong bối cảnh hai nước đang tiến tới kỷ niệm 10 năm thiết lập quan hệ Đối tác Chiến lược vào năm 2023.

Với lịch trình làm việc dày đặc gồm gần 20 hoạt động trong chưa đầy 48 tiếng, Chủ tịch nước đã hội đàm với Thủ tướng Thái Lan; hội kiến Nhà Vua; hội kiến Chủ tịch Quốc hội; tiếp Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt Nam - Thái Lan, thăm và nói chuyện với cộng đồng người Việt tại Thái Lan. Chủ tịch nước cũng đã tiếp một số lãnh đạo tập đoàn, doanh nghiệp hàng đầu của Thái Lan đang đầu tư tại Việt Nam; dự và phát biểu tại buổi gặp gỡ gần 20 doanh nghiệp tiêu biểu Thái Lan trên các lĩnh vực; khai trương Tuần hàng Việt Nam tại Thái Lan; chứng kiến Lễ công bố kết quả Dự án kết nối thanh toán bán lẻ song phương sử dụng mã QR. Lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương cũng có các hoạt động với các đối tác Thái Lan để trao đổi các nội dung hợp tác cụ thể.

Phía Thái Lan đón tiếp Chủ tịch nước và Đoàn đại biểu Việt Nam rất trọng thị, chu đáo với 21 loạt đại bác chào mừng Đoàn. Thủ tướng Thái Lan và Phu nhân cùng một số Bộ trưởng ra sân bay đón Chủ tịch nước và Phu nhân.

thu-tuong-thai-lan-prayut-chan-o-cha-don-chu-tich-nuoc-nguyen-xuan-phuc.jpg
Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha đón Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tại Sân bay Không quân Hoàng gia Thái Lan

Chuyến thăm đã đạt được những kết quả rất toàn diện, thực chất và cụ thể, thể hiện ở bốn điểm sau:

Thứ nhất, Lãnh đạo hai nước đã thống nhất cao về những phương hướng thúc đẩy hợp tác mạnh mẽ và hiệu quả hơn nữa trong thời gian tới, tương xứng với tiềm năng, thế mạnh và nhu cầu của mỗi bên; tăng cường trao đổi đoàn cấp cao và các cấp, triển khai hiệu quả các cơ chế song phương, đặc biệt là cơ chế họp Nội các chung do hai Thủ tướng chủ trì. Kết thúc chuyến thăm, hai bên đã ra Tuyên bố chung với thông điệp “Kỷ niệm 10 năm thiết lập quan hệ Đối tác Chiến lược Việt Nam – Thái Lan: mở ra chương mới của mối quan hệ Đối tác Chiến lược mạnh mẽ hơn nữa vì hòa bình, ổn định và thịnh vượng chung” và năm văn kiện hợp tác gồm: Chương trình Hành động triển khai quan hệ Đối tác Chiến lược tăng cường giai đoạn 2022-2027; Hiệp định tương trợ tư pháp trong lĩnh vực dân sự; Bản ghi nhớ thiết lập quan hệ hợp tác, hữu nghị giữa Thành phố Đà Nẵng và tỉnh Khỏn-kèn, Thái Lan; và Bản ghi nhớ hợp tác giữa Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam và Ủy ban Thương mại Thái Lan; Thỏa thuận thúc đẩy hợp tác Thương mại và Đầu tư song phương giữa Ngân hàng Thương mại Cổ phần Ngoại thương Việt Nam và Ngân hàng Xuất - Nhập khẩu Thái Lan.

Thứ hai, hợp tác trên các lĩnh vực quan trọng, nhất là kinh tế, thương mại, đầu tư được tiếp thêm động lực mới, mở ra cơ hội mới. Lãnh đạo hai nước đã nhất trí tăng cường kết nối kinh tế, nhất là trên 3 lĩnh vực: (i) Kết nối chuỗi cung ứng, tập trung vào các lĩnh vực hai bên có tiềm năng và bổ sung cho nhau; (ii) Kết nối doanh nghiệp và các địa phương hai nước; (iii) Kết nối các chiến lược tăng trưởng bền vững thông qua kết nối Chiến lược Quốc gia về Tăng trưởng xanh đến năm 2030 của Việt Nam và mô hình kinh tế Sinh học - Tuần hoàn - Xanh (BCG) của Thái Lan. Hai bên cam kết phấn đấu đưa kim ngạch thương mại song phương đạt 25 tỷ USD vào năm 2025 theo hướng cân bằng hơn thông qua các biện pháp tạo thuận lợi tiếp cận thị trường và giảm các hạn chế thương mại đối với hàng hóa của nhau.

Thứ ba, kết quả chuyến thăm một lần nữa khẳng định Việt Nam và Thái Lan là đối tác chiến lược, tin cậy trong nhiều vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm. Hai bên nhất trí phối hợp chặt chẽ tại các diễn đàn quốc tế, khu vực, nhất là tại Liên hợp quốc, APEC, ASEAN và các diễn đàn hợp tác tiểu vùng Mê Công. Các nhà Lãnh đạo khẳng định phối hợp thúc đẩy một ASEAN đoàn kết, tự cường và phát huy vai trò trung tâm; hợp tác xây dựng tiểu vùng Mê Công kết nối, hòa bình và thịnh vượng; duy trì lập trường chung của ASEAN về Biển Đông, duy trì hòa bình, ổn định, an toàn, an ninh tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế, Công ước UNCLOS 1982.

Thứ tư, trong gặp gỡ và nói chuyện với đại diện cộng đồng người Việt tại Thái Lan, Chủ tịch nước khẳng định những chủ trương, chính sách, sự quan tâm của Đảng và Nhà nước ta đối với người Việt Nam ở nước ngoài; đánh giá cao tấm lòng thủy chung và những hy sinh, đóng góp quý báu của kiều bào tại Thái Lan trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, cũng như công cuộc xây dựng, phát triển đất nước. Trong các cuộc tiếp xúc, trao đổi với lãnh đạo Thái Lan, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đều đề nghị Thái Lan tiếp tục quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi cho cộng đồng người Việt tại Thái Lan, ủng hộ công tác của các hội đoàn người Việt ở sở tại; hỗ trợ hoạt động của hai Hội Hữu nghị Việt Nam - Thái Lan và Thái Lan - Việt Nam, vừa đóng góp cho xã hội sở tại, vừa góp phần vun đắp quan hệ hữu nghị và tình cảm giữa nhân dân hai nước.

Tóm lại, kết quả chuyến thăm mang lại lợi ích thiết thực cho hai nước, đóng góp tích cực vào xây dựng Cộng đồng ASEAN đoàn kết, vững mạnh, vì hòa bình, ổn định và hợp tác cùng phát triển trong khu vực và trên thế giới.

PV: Xin Bộ trưởng cho biết những kết quả nổi bật của Hội nghị Cấp cao APEC lần thứ 29 tại Bangkok, Thái Lan?

Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn: Hội nghị Cấp cao APEC lần thứ 29 diễn ra trong bối cảnh thế giới và khu vực đối mặt với những thách thức chưa từng có. Kinh tế thế giới khó khăn, xung đột và bất ổn chính trị gia tăng, cạnh tranh nước lớn phức tạp, các vấn đề an ninh phi truyền thống ngày càng gay gắt. Trong bối cảnh đó, Hội nghị Cấp cao APEC lần thứ 29 có ý nghĩa quan trọng, với những kết quả nổi bật trên 4 phương diện sau:

Thứ nhất, đây là Hội nghị trực tiếp đầu tiên của các Nhà Lãnh đạo APEC sau 4 năm gián đoạn, qua đó tạo động lực để APEC tiếp tục là Diễn đàn hợp tác kinh tế hàng đầu khu vực. Việc Lãnh đạo Cấp cao của 21 nền kinh tế nhóm họp, ra Tuyên bố chung đã truyền tải thông điệp mạnh mẽ về hợp tác, đối thoại và chủ nghĩa đa phương.

Thứ hai, các Nhà Lãnh đạo dành nhiều thời để trao đổi những vấn đề chiến lược, có ý nghĩa then chốt đối với sự phát triển của châu Á - Thái Bình Dương trong giai đoạn mới. Một là bảo đảm dòng chảy tự do của thương mại và đầu tư khu vực. Hai là kết nối toàn diện giữa các nền kinh tế, cả về hạ tầng cứng, hạ tầng mềm, hạ tầng số và kết nối con người. Ba là chuyển đổi thành công sang mô hình tăng trưởng cân bằng, bền vững và bao trùm. Điểm nổi bật ở đây là sự đồng thuận về yêu cầu có cách tiếp cận mới, cân bằng toàn diện hơn. Hợp tác APEC phải vượt ra ngoài các vấn đề thương mại, đầu tư truyền thống, hướng đến sự cân bằng, bao trùm. Với nhận thức như vậy, các Nhà Lãnh đạo đã thông qua Tuyên bố chung về Mô hình kinh tế sinh học – tuần hoàn và xanh – đề ra một chiến lược tăng trưởng mới sau đại dịch.

Thứ ba, Hội nghị lần này đã đặt những viên gạch đầu tiên cho việc kết nối APEC với các đối tác và các diễn đàn khu vực khác. Đây là lần đầu tiên một lãnh đạo châu Âu và Trung Đông tham dự Hội nghị APEC. Cuộc Đối thoại cũng là dịp quan trọng để tìm kiếm các cơ hội mới, phát huy hơn nữa thế mạnh của mỗi diễn đàn, mỗi nền kinh tế.

Thứ tư, sự tham gia đông đảo và tích cực của cộng đồng doanh nghiệp cho thấy có sự gắn kết, kết nối rất chặt chẽ trong chương trình nghị sự và nội dung thảo luận ở cả kênh chính phủ và kênh doanh nghiệp, giúp tạo sự cộng hưởng và nâng cao hiệu quả hợp tác APEC.

PV: Xin Bộ trưởng cho biết đóng góp của Việt Nam tại Hội nghị Cấp cao năm nay?

Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn: Trước hết, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã tham gia tích cực, chủ động, đóng góp một cách xây dựng vào tất cả các hoạt động của Hội nghị. Ngoài các phiên họp hẹp của Hội nghị Cấp cao, Chủ tịch nước đã tham gia Đối thoại với các khách mời, với cộng đồng doanh nghiệp và có bài phát biểu dẫn đề tại Diễn đàn thượng đỉnh doanh nghiệp APEC 2022. Bên cạnh đó, Chủ tịch nước và lãnh đạo các bộ, ngành đã có nhiều cuộc tiếp xúc, gặp gỡ với Lãnh đạo các nền kinh tế và các tập đoàn hàng đầu thế giới.

Hai là, đại diện các bộ, ngành của Việt Nam đã tham gia tích cực phối hợp với chủ nhà Thái Lan và các thành viên trong quá trình chuẩn bị cho Hội nghị cũng như quá trình xây dựng văn kiện để đem lại kết quả tốt nhất cho Hội nghị.

Ba là, đoàn Việt Nam đã chia sẻ những ý tưởng, quan điểm mới về xu thế phát triển, định hướng của APEC trong giai đoạn đầy thách thức hiện nay. Những đề xuất của Việt Nam nhận được sự hưởng ứng, đánh giá cao và được thể hiện trong văn kiện bởi có có tính đến lợi ích của tất cả các thành phần trong xã hội, các nền kinh tế, cũng như cân bằng giữa lợi ích ngắn hạn và dài hạn. Chúng ta cũng chia sẻ những kinh nghiệm của Việt Nam trong quá trình chuyển đổi xanh, chuyển đổi số và những chính sách quan trọng đang triển khai.

Đặc biệt, trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực diễn biến phức tạp, khác biệt quan điểm giữa các thành viên ngày càng sâu sắc, chúng ta đã cùng các thành viên chủ động tạo thêm kênh trao đổi, để thu hẹp khác biệt, tìm kiếm tiếng nói chung, duy trì đồng thuận. Đây là điểm có ý nghĩa quan trọng đóng góp cho thành công của Hội nghị.

Xin trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chuyến công tác Thái Lan của Chủ tịch nước đạt kết quả toàn diện, thực chất và cụ thể