Chuyện chưa kể về nữ Anh hùng Đinh Thị Vân

Mỹ Duyên| 06/03/2015 07:00
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Một người phụ nữ mảnh khảnh, răng đen, ăn trầu, quanh năm mặc áo bà ba, không qua một lớp đào tạo nào về nghiệp vụ tình báo nhưng bà đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.

Bà cùng những tên tuổi đã trở thành huyền thoại như: Thiếu tướng Vũ Xuân Nhã, Thiếu tướng Phạm Xuân Ẩn, Đại tá Phạm Ngọc Thảo, Đại tá Lê Hữu Thúy… góp phần làm nên chiến thắng mùa xuân 30/4/1975, giành lại độc lập, thống nhất cho Tổ quốc.

Đó chính là nữ tình báo, Anh hùng, Đại tá Đinh Thị Vân - một tấm gương đáng để các thế hệ hôm nay tự hào, học tập và noi theo.

Hy sinh hạnh phúc riêng cưới vợ cho chồng

Căn nhà nhỏ trên gác 2 ở số 8, Cửa Đông, quận Hoàn Kiếm, TP. Hà Nội là nơi nữ tình báo Đinh Thị Vân sống những năm cuối đời. Sau đó được giao lại cho người cháu Đinh Văn Đạt, năm nay đã ngoài 60 tuổi, làm nơi tưởng niệm nữ tình báo Anh hùng.

Đại tá Đinh Thị Vân (SN 1916), sinh ra ở làng Đông An, xã Xuân Thành, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định. Tên thật là Đinh Thị Mậu, xuất thân trong một gia đình nho học, có truyền thống yêu nước. Ngay từ nhỏ bà đã ý thức được tinh thần đấu tranh chống thực dân đế quốc vì độc lập dân tộc. Được các anh trai là Đinh Lai Hạp và Đinh Thúc Dự, những đảng viên Đảng Cộng sản Đông Dương ngày ấy giác ngộ, động viên tham gia hoạt động cách mạng, làm giao thông liên lạc, cất giữ tài liệu bí mật của Đảng và tham gia tổ chức nhóm “ái hữu tương tế”, nuôi dưỡng, bảo vệ cán bộ cách mạng.

Tháng 6/1954, Trung ương quyết định điều động Đinh Thị Vân lên công tác tại Cục Nghiên cứu Tổng tham mưu - Bộ Quốc Phòng. Bà được giao nhiệm vụ về Hà Nội hoạt động bí mật trong lòng địch, gây dựng cơ sở, tìm hiểu những ý đồ chiến lược của địch. Tuy nhiên, do hoàn cảnh gia đình mẹ già yếu, chồng bị đau ốm nhưng vì nhiệm vụ đặc biệt lại phải xa quê hương, xa những người thân yêu nhất để hoàn thành nhiệm vụ mà Đảng và quân đội đã tin tưởng giao phó. Mặc dù nghĩa tình sâu nặng nhưng bà đã chủ động đề nghị với lãnh đạo đồng thời cưới vợ cho chồng chăm sóc, lo toan việc nhà tạo điều kiện để mình hoàn thành nhiệm vụ.

Chuyện chưa kể về nữ Anh hùng Đinh Thị Vân

Anh hùng - Đại tá tình báo Đinh Thị Vân

Chỉ một thời gian ngắn bà đã xây dựng được một số cơ sở tin cậy ở nội thành Hà Nội. Chấp hành chỉ thị, bà Vân tìm cách lọt qua mạng lưới kiểm soát dày đặc của địch trên đường số 5 để xuống Hải Phòng. Nhờ vào các mối quan hệ và công tác vận động, giác ngộ quần chúng chị đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, cung cấp nhiều tin tức quan trọng để cấp trên chỉ đạo thắng lợi và giành thế chủ động trong thời gian “300 ngày tập kết”.

Hiệp định Geneve được ký kết, đất nước bị chia cắt thành hai miền, lấy vĩ tuyến 17 là ranh giới tạm thời. Tháng 10/1954, trước ngày quân ta kéo về giải phóng Thủ đô, bà nhận lệnh bí mật vào Nam hoạt động. Để tạo vỏ bọc hợp pháp cho việc di cư vào Nam và phù hợp với hoạt động sau này, bà đã đóng vai “người đi buôn vào Nam kiếm sống”. Từ đó, ngày ngày “dì Sáu di cư” trĩu nặng trên đôi vai gầy gánh guốc đi bán rong khắp ngõ phố Sài Gòn. Từ chợ Bàn Cờ, chợ An Đông, đến chợ ông Tạ, chợ Cầu Bông, từ ngã tư Hàng Xanh, vòng lên chợ Cầu Muối…

Để hỗ trợ cho hoạt động của bà, cấp trên quyết định thông báo: “Đinh Thị Vân đã phản Đảng, bỏ nhiệm vụ chạy trốn vào Nam. Tuyên án tử hình vắng mặt”. Tin dữ lan truyền quá nhanh, anh em đồng chí, họ hàng, quê hương… đều bàng hoàng, sửng sốt. Thế nhưng đã đánh hoả mù vào cơ quan mật vụ của địch, tạo điều kiện thuận lợi cho bà hoạt động bí mật.

Người nữ anh hùng

Do sơ suất của một cơ sở trong lưới, bà Vân đã bị địch nghi ngờ và bắt giam. Cho dù chúng dùng mọi thủ đoạn tra tấn rất dã man, nhưng không moi được bất cứ tin tức gì ở bà, chúng đưa bà đi biệt giam ở Vân Đồn, trại Lê Văn Duyệt, Sở Thú. Sau năm năm tù đày qua các nhà lao, nếm đủ mọi cực hình tra tấn dã man về thể xác, uy hiếp khủng bố về tinh thần nhưng với dũng khí phi thường của người Cộng sản, bà Đinh Thị Vân đã vượt qua tất cả, tuyệt đối trung thành với Đảng, với cách mạng, bảo vệ trọn vẹn mạng lưới tình báo do bà phụ trách.

Phát huy đà thắng lợi của hai mùa khô, cục diện trên toàn miền Nam thay đổi có lợi cho ta. Trung ương quyết định: “Chuyển cuộc đấu tranh cách mạng miền Nam sang một thời kỳ mới - Thời kỳ giành thắng lợi quyết định”. Chủ trương của ta được thực hiện bằng cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968 mà tình báo gọi là kế hoạch “Vụ Mùa”. Bà trực tiếp hướng dẫn việc chuẩn bị “Vụ mùa’ ở Sài Gòn, chuẩn bị giao liên dẫn đường cho lực lượng ở bên ngoài vào. Tất cả tin tức đều đã được mạng lưới của bà kịp thời báo cáo ra Bộ chỉ huy chiến dịch kèm theo những ý kiến phân tích xác đáng. Mọi kế hoạch đều được tuyệt đối giữ bí mật tới mức khi “Vụ mùa” đã triển khai mà địch vẫn không hề hay biết.

Chuyện chưa kể về nữ Anh hùng Đinh Thị Vân

Bà Vân họp bàn ở miền Đông Nam bộ

Địch trở tay không kịp, hoang mang lo sợ, máy bay bay rối loạn trên bầu trời Sài Gòn, xe nha binh chạy đâm bừa vào nhau nhốn nháo. Trong thời điểm ấy, bà Đinh Thị Vân vẫn bình tĩnh chỉ huy các chiến sỹ trong lưới của mình, âm thầm làm nhiệm vụ. Vì vậy, sau những ngày vang dội của cuộc tổng tiên công Mậu Thân, Mỹ Ngụy rất hoang mang lo sợ nên càng lùng sục, bắt bớ và thẳng tay đàn áp dã man, nhưng lưới tình báo do bà Vân phụ trách hóa trang giấu kín mình trong từng vỏ bọc khác nhau và hàng ngày vẫn công khai hoạt động giữa vòng vây của cảnh sát và mật vụ Sài Gòn.

Tháng 3/1969, do yêu cầu công tác và tình hình sức khoẻ của bà Vân bị giảm sút sau những năm tháng tù đày bị địch tra tấn dã man và hoạt động vất vả, căng thẳng trong hoàn cảnh vô cùng khắc nghiệt, nên cấp trên đã quyết định điều bà ra Hà Nội để điều trị và phân công làm công tác huấn luyện.

Chuyện chưa kể về nữ Anh hùng Đinh Thị Vân

Ông Đinh Văn Đạt, người cháu của bà Vân

Với công lao cống hiến cho Đảng và Nhà nước cũng như quân đội, ngày 25/8/1970, bà Đinh Thị Vân được nhà nước phong tặng danh hiệu cao quý: Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.

Sau gần trọn một đời cống hiến cho cách mạng, bà về nghỉ hưu ở căn gác nhỏ trong ngôi nhà số 8 phố Cửa Đông, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Sống thanh bạch, giản dị, khiêm tốn và thật sự trong sạch trong sự yêu mến và ngưỡng mộ của bạn bè, mọi người nơi bà cư trú. Bà Đinh Thị Vân mất ngày 11/12/1995 tại Hà Nội.

Trong lịch sử tình báo quân sự Việt Nam, có một nữ điệp viên chiến lược đã hy sinh hạnh phúc riêng, lấy vợ cho chồng để rồi suốt mấy chục năm âm thầm làm nhiệm vụ cực kỳ nguy hiểm trong lòng địch, đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ quan trọng với vai một người lao động bình thường, răng đen, ăn trầu, quanh năm mặc áo bà ba… Vì những cống hiến xuất sắc cho Tổ quốc, bà Đinh Thị Vân xứng đáng trở thành huyền thoại trong ngành tình báo Việt Nam. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chuyện chưa kể về nữ Anh hùng Đinh Thị Vân